Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Pennsylvania, Mỹ cho thấy hệ miễn dịch vẫn có khả năng ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả, dù lượng kháng thể từ vaccine giảm dần theo thời gian.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania mới phát hiện ra hệ miễn dịch vẫn duy trì khả năng ngăn ngừa Covid-19 và không quá phụ thuộc vào mũi tiêm vaccine bổ sung kháng thể, Bloomberg đưa tin hôm 1/9. Ngôi trường này chính là nơi công nghệ sản xuất vaccine mRNA ra đời.
Cùng lúc này, thế giới đang lo ngại hai mũi vaccine chưa phải là “lá chắn” vững vàng trước đại dịch Covid-19, nhất là khi biến chủng Delta đang lan rộng. Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, đã tính toán phương án tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân.
Hôm 27/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết giới chức đang cân nhắc khả năng tiêm vaccine bổ sung cho một số nhóm đối tượng. Thời gian tiêm bổ sung dự kiến là sau 5 tháng kể từ khi một người được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Kháng thể suy yếu
Cụ thể, các nghiên cứu viên từ Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania đã theo dõi 61 tình nguyện viên. Những người này được tiêm các loại vaccine ngừa Covid-19 phát triển theo công nghệ mRNA.
Sau thời gian quan sát, số lượng kháng thể trong các tình nguyện viên dần giảm bớt. Song nhóm nghiên cứu nhận thấy hai mũi vaccine là đủ để hệ miễn dịch ghi nhớ kháng thể Covid-19, dưới dạng các tế bào B và T. Từ đó, hệ miễn dịch duy trì khả năng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Miễn dịch học, ông John Wherry, từng làm việc với nhà khoa học tiên phong Drew Weissman – người phát triển công nghệ sản xuất vaccine mRNA.
Ông Wherry bình luận về nghiên cứu của Đại học Pennsylvania: “Kết luận này rất đáng ngạc nhiên”. Ông Wherry cho biết nghiên cứu trên được công bố vào ngày 23/8, đang đợi đánh giá và xuất bản.
Một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: AP. |
Theo ông Wherry, mũi tiêm bổ sung được sử dụng để tăng cường kháng thể, từ đó giảm bớt nguy cơ mắc Covid-19 trong một thời gian dài. Trong khi đó, nghiên cứu chỉ ra rằng hệ miễn dịch tự nhiên vẫn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, dù số lượng kháng thể từ hai mũi tiêm đầu giảm dần theo thời gian.
Chuyên gia này cho biết: “Các kháng thể có thể suy yếu, khiến bạn dễ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Song hệ miễn dịch vẫn ghi nhớ những tế bào kháng thể cũ, từ đó tái tạo thành các kháng thể trung hoà mới. Quá trình này có thể diễn ra rất nhanh”.
Thông thường, các kháng thể nằm trên niêm mạc mũi và cổ họng, giúp ngăn ngừa virus corona xâm nhập vào cơ thể và gây lây nhiễm cục bộ. Khi những kháng thể này biến mất, khả năng lây nhiễm virus corona tăng lên. Nhưng điều này chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, trước khi các kháng thể mới tiếp tục hình thành.
Tế bào B và T
Theo nhóm của ông Wherry, hệ miễn dịch ghi nhớ các tế bào B, được tạo ra từ kháng thể của vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech. Loại tế bào này có ưu thế vượt trội trong ngăn ngừa các biến chủng bao gồm Alpha, Beta và Delta.
Ngoài ra, vaccine cũng tạo ra tế bào T, một loại tế bào bạch cầu có khả năng xác định và tiêu diệt các tế bào đã nhiễm virus. Phản ứng này xảy ra sau 6 tháng, kể từ khi cơ thể được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Ông Wherry bình luận: “Các tế bào này hoạt động như một lớp áo giáp, duy trì sự bảo vệ cho chúng ta”.
Những phát hiện trên đã giải thích tại sao việc tiêm chủng có hiệu quả trong ngăn ngừa các ca bệnh Covid-19 nghiêm trọng, các ca phải nhập viện và các trường hợp tử vong. Do đó, ngay cả khi số bệnh nhân mới tăng đột biến, người dân vẫn được bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh nặng.
Ông Wherry bình luận: “Chúng ta có thể nghĩ hiệu quả của vaccine giảm, nếu đánh giá số người mắc bệnh. Nhưng sự thực là vaccine tạo ra khả năng miễn dịch ổn định. Bạn sẽ thấy điều đó khi nhìn vào số ca bệnh nghiêm trọng”.
Một phụ nữ được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AFP. |
Theo ông Wherry, phát hiện này phù hợp với thực tế là số lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. “Nhưng các tế bào B và tế bào T vẫn nằm trong bộ nhớ của hệ miễn dịch, chúng thực sự có hiệu quả khi ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, các tế bào nói trên cũng giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. “Vì vậy, chúng ta càng có nhiều lý do hơn để tiêm chủng”, ông nói.
Hôm 18/8, giới chức y tế Mỹ thông báo quyết định tiêm vaccine bổ sung cho một số nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi hoặc những người làm việc trong viện dưỡng lão.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng cân nhắc việc cấp phép tiêm liều vaccine thứ ba, sau khoảng thời gian 5 tháng kể từ khi tiêm chủng đầy đủ. Họ tin rằng tiêm vaccine bổ sung sẽ ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả hơn, trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Song Tổ chức Y tế Thế giới không ủng hộ sáng kiến này. Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus từng kêu gọi các nước thành viên chưa vội tiêm liều bổ sung, do người dân tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Tính đến ngày 2/9, toàn thế giới ghi nhận khoảng 218 triệu ca mắc và 4,52 triệu ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.
Nguồn: News.zing.vn