Hàng loạt hộp đêm ở New York ôm nợ

0
Hàng loạt hộp đêm ở New York ôm nợ

Sau gần 2 năm đóng cửa vì đại dịch, các club tại New York chật vật để trả khoản nợ thuê địa điểm. Một vài nơi chuyển mô hình kinh doanh, số khác phải đóng cửa vĩnh viễn.

Bên trong Good Room, hộp đêm ở Brooklyn (New York, Mỹ), mọi người đang hòa mình vào đám đông xa lạ, lớp makeup chảy xuống theo những giọt mồ hôi. Sự kiện hôm thứ 6 tại nơi này lại bán sạch vé. Mọi thứ dường như đã trở lại bình thường, theo New York Times.

“Thật tốt khi biết những điểm vui chơi này còn tồn tại”, Caitlin Widener (33 tuổi) ngẫm lại khoảng thời gian 18 tháng Good Room bị đóng cửa vì đại dịch.

Tình hình dường như đã ổn định trở lại với khách hàng, nhưng thực tế là hộp đêm này vẫn chật vật kể từ khi mở lại vào tháng 9. Các quản lý, dù vui mừng vì việc kinh doanh được khôi phục, vẫn phải trả khoản tiền thuê địa điểm của 18 tháng qua, cùng phí bảo trì và mở cửa lại, tổng cộng khoảng 500.000 USD, theo Josh Houtkin, người điều hành đặt chỗ tại Good Room.

Good Room không phải hộp đêm duy nhất rơi vào tình trạng này. Nhiều club ở thành phố New York, dù sống sót qua đại dịch và đang tiếp nhận lượng khách đông đảo, vẫn gặp tình trạng nợ nần và tương lai bất định. Nhiều nơi tổ chức gây quỹ hoặc chuyển mô hình kinh doanh, trong khi số khác phải đóng cửa hoàn toàn.

“Ngành công nghiệp này rất quan trọng với nền kinh tế – văn hóa và là xương sống của thành phố. New York sẽ khó hồi phục nếu không có các club”, Ariel Palitz, giám đốc điều hành cấp cao của Văn phòng Cuộc sống về đêm tại New York, cho biết.

club o New York no nan du dong khach anh 1

Đám đông bên ngoài Good Room trong đêm thứ 6.

Ít được hỗ trợ

Trong nghiên cứu được công bố năm 2019 trên 5 quận của New York, đời sống về đêm đã tạo ra hơn 300.000 việc làm và hơn 35 tỷ USD tổng sản lượng kinh tế.

Tuy vậy, các bar và club nhận được rất ít sự hỗ trợ của chính phủ. Một trong những nguồn trợ cấp với trị giá 1,3 tỷ USD đã được phân chia cho khoảng 900 đơn vị doanh nghiệp khắp New York, nhưng đến lượt Good Room thì bị từ chối.

Các quản lý của hộp đêm này không hiểu tại sao mình bị bỏ qua và họ cũng không nhận được lý do nào. “Tôi đã gửi hàng trăm trang tài liệu và hình ảnh. Chúng tôi phải giới thiệu toàn bộ quy trình của mình khi nộp đơn xin trợ cấp”, ông Houtkin nói.

Trans-Pecos, tụ điểm ca nhạc tại Queens (New York, Mỹ), may mắn nhận được khoản trợ cấp. Nhưng ngay cả khi có hỗ trợ và nay được hoạt động trở lại, club này vẫn nợ 14 tháng tiền thuê địa điểm.

“Chúng tôi đang cố gắng thương lượng với các chủ nhà nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng đó là khoản tiền khá lớn”, Todd Patrick, người sáng lập và giám đốc điều hành của club, cho biết.

club o New York no nan du dong khach anh 2

Nghệ sĩ tại Trans-Pecos trình diễn trở lại.

Nhờ có không gian rộng rãi ngoài trời, Trans-Pecos đã có thể mở lại một phần vào mùa hè năm 2020, sớm hơn nhiều so với nhiều hộp đêm khác. Họ thậm chí tổ chức gây quỹ cho các club khác trong thành phố.

Trong suốt hơn 18 tháng, các doanh nghiệp trong ngành thường hỗ trợ lẫn nhau. “Đây là một cộng đồng rất gắn bó. Mọi người có thể xin lời khuyên của nhau. Nếu ai cần giúp đỡ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”, Houtkin cho biết.

“Tất cả phải hợp tác để hiểu về các điều luật mới, không còn lựa chọn nào khác. Mọi người trao đổi về quy trình họ đang tiến hành. Chúng tôi cũng cho nhau rượu để dần nhập hàng về”, Sophia Sempepos, quản lý tại Good Room, chia sẻ.

Thay đổi để duy trì hoạt động

Public Records, không gian âm nhạc và trình diễn tại Brooklyn, vượt qua đại dịch nhờ thay đổi mô hình kinh doanh. Điều này cũng giúp họ đủ điều kiện nhận trợ cấp.

“Khi chúng tôi sáng lập Public Records vào năm 2019, nơi đây thực sự là không gian âm nhạc và văn hóa đi kèm quán bar tuyệt vời”, Francis Harris, đồng sáng lập, cho biết.

Vào tháng 8/2020, địa điểm này mở cửa trở lại với mô hình nhà hàng sân vườn, nhờ đó thúc đẩy doanh thu và giữ chân nhiều nhân viên.

“Chúng tôi đã luôn muốn đẩy việc kinh doanh ăn uống ngang bằng với hoạt động âm nhạc và văn hóa. Đại dịch đã cho phép chúng tôi xây dựng lại nơi này từ đầu”, Harris nói.

club o New York no nan du dong khach anh 3

Nhiều club thay đổi cách hoạt động để sống sót, trong khi số khác phải đóng cửa vĩnh viễn.

Một số club phải đối mặt với số phận ảm đạm hơn. China Chalet, nơi bán dim sum vào ban ngày và là điểm tiệc tùng cuốn hút vào ban đêm, đã phải đóng cửa vĩnh viễn vào năm ngoái.

Ngay cả khi có khách đến club, việc kinh doanh sẽ khó bền vững nếu không có đám đông từ những tòa tháp văn phòng bên cạnh tới ăn trưa và tối, theo Alexander Kellog, cựu cố vấn cuộc sống về đêm và là liên lạc viên của China Chalet.

Beverly’s, không gian triển lãm nghệ thuật và giải trí về đêm ở Manhattan, đã phải đóng cửa trụ sở đầu tiên vào tháng 7/2020.

“Ngay cả trước đại dịch, việc hoạt động với địa điểm nhỏ đồng nghĩa với lợi nhuận thấp. Vậy nên, khi đại dịch ập đến, chúng tôi không có khoản tiết kiệm nào để vượt qua”, Leah Dixon, giám đốc của Beverly’s, cho hay.

Sau khi Beverly’s thông báo đóng cửa, nhiều người đã liên lạc và hồi tưởng kỷ niệm nơi đây. Dixon lắng nghe câu chuyện của những DJ lần đầu chơi nhạc tại Beverly’s, các nghệ sĩ nói về buổi triển lãm của họ. “Thật bất ngờ. Điều đó làm tôi nghĩ rằng đây chưa phải kết thúc. Bằng cách nào đó, chúng tôi có thể tiếp tục”, cô nói.

Beverly’s đã trở thành tổ chức phi lợi nhuận, do đó đủ điều kiện để nhận tài trợ từ Quỹ Jacques Louis Vidal Charity Foundation.

“Vậy là đủ để thổi luồng gió cho cánh buồm của chúng tôi tiến về phía trước”, Dixon nói. Beverly’s mở cửa trở lại vào tháng 5 tại phố Eldridge, cách địa điểm cũ không xa.

Dù hoạt động không còn như xưa, Dixon vẫn hy vọng Beverly’s có thể đưa mọi người lại gần nhau. “Chúng tôi đã hiểu rằng Beverly’s không chỉ là một không gian cụ thể, mà còn là những gì cộng đồng cần ở đây”, cô nói.

Nguồn: News.zing.vn