Sai phạm của nhiều cơ sở thẩm mỹ ở Trung Quốc được tóm tắt bằng cụm từ “3 không”: kinh doanh không giấy phép, bác sĩ không chứng chỉ, sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã bùng nổ tại Trung Quốc với hàng nghìn cơ sở làm đẹp mọc lên như nấm. Để tranh phần “miếng bánh béo bở”, không ít đơn vị đã quảng cáo sai sự thật, làm ăn gian dối, lừa gạt khách hàng.
The Paper đưa tin ngày 25/10, Cục Quản lý Nhà nước về thị trường đã công bố những vụ việc điển hình về chống cạnh tranh không lành mạnh, gây nên tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực thẩm mỹ y tế năm 2021.
Theo các cuộc điều tra, hiện Trung Quốc có 30.000 cơ sở nhưng chỉ có chưa đến 5.000 bác sĩ có chứng chỉ trưởng khoa về phẫu thuật thẩm mỹ.
Đại diện cơ quan quản lý thị trường cho biết sự bất hợp pháp của nhiều cơ sở thẩm mỹ y tế hiện nay có thể tóm tắt bằng cụm từ “3 không”: cơ sở kinh doanh không giấy phép, bác sĩ không chứng chỉ và sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp.
Nữ diễn viên Gao Liu bị hoại tử mũi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Ảnh: Weibo. |
Gian dối để giành giật khách hàng
Trên thực tế, do số bác sĩ ít trong khi nhu cầu làm đẹp của người dân cao, một số cơ sở y tế đã dùng mánh lới quảng cáo rằng “bác sĩ tại cơ sở nổi tiếng và có trình độ chuyên nghiệp”.
Trong cuộc kiểm tra tại cơ sở của cục giám sát thị trường Bắc Kinh hồi tháng 6 năm nay, nhà chức trách đã phát hiện sai phạm của Beijing Aiyue Lige Medical Beauty Clinic.
Theo đó, nơi này quảng cáo với tư cách bệnh viện hạng 3, nói rằng có bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Trung thực hiện phẫu thuật. Thực tế, bác sĩ thẩm mỹ chỉ đến bệnh viện để đào tạo thêm, không phải bác sĩ chính thức ở đó.
Tháng 7/2020, cơ quan giám sát thị trường ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã báo cáo một cơ sở quảng cáo sai sự thật rằng họ có thuê bác sĩ thẩm mỹ người Hàn Quốc. Chủ cơ sở này còn dùng WeChat để ngụy tạo thông tin mình lớn lên ở Seoul (Hàn Quốc) và sở hữu 68 chi nhánh trong một chuỗi viện thẩm mỹ quốc tế.
Nhiều cơ sở thường sử dụng hình thức quảng cáo sai sự thật, phóng đại trình độ bác sĩ và giấy phép của mình để khách hàng lầm tưởng rồi đặt niềm tin.
Trong cuộc điều tra, các nhân viên giám sát thị trường cũng phát hiện nhiều đơn vị làm đẹp cố tình tạo ra “bất an về ngoại hình” để khách hàng chi tiền sửa đổi.
Nhiều bác sĩ, nhân viên nói dối khách trong quá trình trước và sau khi chẩn đoán, điều trị, phóng đại vấn đề của bệnh nhân, đồng thời nói giảm hoặc che giấu về tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy ra.
Vụ Tiểu Nhiễm, hot girl đến từ Hàng Châu, tử vong do biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Ảnh: Weibo. |
Tháng 4, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm trong quảng cáo của cơ sở làm đẹp ở Chiết Giang.
Đơn vị này dán ảnh quảng cáo dịch vụ “ngâm da trong nước nóng 42 độ C trong 5 phút để ngăn chặn tác hại của tia cực tím trong 1 tuần”. Hình ảnh trước và sau khi dùng dịch vụ của 3 khách hàng cũng được đăng kèm.
Tuy nhiên, đại diện cửa hàng đã không giải thích được tính xác thực của liệu pháp, sau đó bị buộc tội quảng cáo sai sự thật.
Nhiều nơi lừa dối khách hàng bằng cách đưa ra thông tin nghiên cứu sai lệch, tự bịa đặt trải nghiệm, đánh giá về cơ sở của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Đó được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Một cơ sở thẩm mỹ ở tỉnh Giang Tô đã thuê 8 người đặt lịch phẫu thuật trên gian hàng trực tuyến của cơ sở mình để “tạo uy tín”. 8 người này bắt đầu đặt các dịch vụ từ tháng 6/2020 nhưng chưa bao giờ dùng. Phí đặt hàng sẽ được hoàn lại và mỗi người nhận 30 nhân dân tệ hoa hồng cho mỗi đơn.
Tính đến tháng 1 năm nay, cơ quan giám sát thị trường đã xử lý 220 đơn đặt dịch vụ thẩm mỹ ảo, với tổng hoa hồng 6.600 nhân dân tệ.
Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 9, cơ quan quản lý thị trường các cấp của Trung Quốc đã điều tra, xử lý 5.397 vụ cạnh tranh không lành mạnh, với số tiền phạt 350 triệu nhân dân tệ. Trong đó, 71 trường hợp liên quan đến tuyên truyền sai sự thật trong lĩnh vực thẩm mỹ, số tiền phạt là phạt 3,55 triệu nhân dân tệ.
Nguồn: News.zing.vn