Trong thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19 ở một số quốc gia, Favipiravir được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lại cho rằng nó không thực sự hiệu quả.
Các nhà khoa học của Viện Hóa học được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tìm ra phương pháp tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự Remdesivir – thuốc kháng virus được các chuyên gia y khoa thế giới sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Cơ chế hoạt động
Không giống với phần lớn thuốc trị cúm sử dụng chất ức chế neuraminidase, Favipiravir ngăn chặn các gene của virus nhân rộng trong tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, Favipiravir rất hiệu quả khi sử dụng sớm trong quá trình điều trị, thời điểm mà nồng độ virus trong cơ thể vẫn ở mức thấp.
Cơ chế này được cho là có tác dụng kháng virus SARS-CoV-2 gây Covid-19. RNA polymerase là enzyme giúp SARS-CoV-2 tạo ra RNA mới. Virus cần tạo ra nhiều bản sao trong cơ thể để xâm chiếm các tế bào khỏe mạnh. Favipiravir nhắm mục tiêu vào các enzym RNA polymerase. Nhờ đó, nó ức chế sự sao chép của SARS-CoV-2 trong cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy Favipiravir được kích hoạt bên trong tế bào và sau đó gắn vào RNA của virus, gây ra các đột biến trong RNA, làm giảm đáng kể số lượng nCoV.
Cơ chế hoạt động của Favipiravir là ức chế nCoV nhân lên trong tế bào người. Ảnh: SCMP. |
Favipiravir vốn là thuốc được bào chế cách đây 7 năm. Nhật Bản đã cho phép sử dụng Avigan vào năm 2014 với mục đích điều trị cúm mùa khẩn cấp. Để điều trị cúm, bệnh nhân được dùng liều 1600 mg Favipiravir vào ngày đầu tiên. Sau đó, từ ngày thứ 2 đến thứ 5, liều dùng là khoảng 600 mg/ngày.
Thực tế, đây là thuốc được chấp thuận sử dụng trong trường hợp virus cúm mới hoặc tái xuất khi các thuốc kháng virus khác không có tác dụng. Chính phủ Nhật Bản sẽ phê duyệt sử dụng với từng trường hợp bệnh, virus cụ thể.
Tuy nhiên, từ năm 2014, không có loại virus nào như vậy tại Nhật Bản cho đến khi SARS-CoV-2 xuất hiện. Dù vậy, Favipiravir đã được thử nghiệm lâm sàng trong việc chống lại bệnh truyền nhiễm do ve ixodid gây ra và sốt nghiêm trọng ở hội chứng giảm tiểu cầu.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhận định Avigan là sự đóng góp tiềm năng của nước này trong cuộc chạy đua toàn cầu về các phương pháp điều trị Covid-19.
Ngoài việc có tác dụng trong chữa cúm và kháng nCoV, Favipiravir từng chứng minh khả năng ngăn chặn dịch Ebola. Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Bác sĩ không biên giới phê duyệt cấp phát Favipiravir cho những người bệnh ở châu Phi, trừ phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là có nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ của Favipiravir với nhóm này.
Theo một nghiên cứu được tiến hành tại Guinea Xích đạo, khi sử dụng cho bệnh nhân có nồng độ virus thấp tới trung bình, Favipiravir giảm tỷ lệ tử vong vì Ebola từ 30% xuống còn 15%.
Nhiều quốc gia thử nghiệm cho kết quả tốt
Favipiravir còn có tên gọi là T-705, được đăng ký thương mại với tên Avigan. Đây là dược phẩm chống virus phát triển bởi hãng Toyama Chemical, công ty con của Fujifilm Holdings tại Nhật Bản thử nghiệm. Nó hoạt động chống lại nhiều loại virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2. Tương tự Remdesivir, Favipiravi là dẫn xuất pyrazinecarboxamide.
Theo CNBC, Nhật Bản gửi Favipiravir đến 43 quốc gia để thử nghiệm lâm sàng hiệu quả chống Covid-19 ở các bệnh nhân nhẹ và trung bình. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Italy, Nhật Bản, Nga và một số nước khác. Fujifilm cũng đã bán bản quyền toàn cầu về Avigan cho Phòng thí nghiệm Tiến sĩ Reddy ở Ấn Độ.
Favipiravir còn có tên gọi là T-705, được đăng ký thương mại với tên Avigan. Ảnh: Reuters. |
Thuốc lần đầu tiên được dùng cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó, nó chứng minh được hiệu quả tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán, Thâm Quyến.
Ông Zhang Xinmin, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sinh học quốc gia thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc cho biết loại thuốc này “rất an toàn và cho hiệu quả rõ ràng” khi điều trị các bệnh nhân Covid-19, theo Nikkei Asia.
Theo ông Zhang, tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, trung bình bệnh nhân điều trị bằng Favipiravir cho kết quả âm tính sau 4 ngày. Trong khi đó, những người sử dụng phương pháp điều trị khác cho kết quả âm tính sau 11 ngày.
Nghiên cứu này còn cho thấy chỉ 8.2% bệnh nhân sử dụng Favipiravir cần được hỗ trợ hô hấp. Con số này ở nhóm dùng phương pháp khác là 17,1%. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng không ghi nhận tác dụng phụ đáng kể ở nhóm sử dụng Favipiravir.
Tại Vũ Hán, bệnh nhân điều trị bằng thuốc này giảm sốt sớm hơn 2 ngày so với nhóm dùng thuốc khác.
Theo CNBC, từ tháng 2/2020, Nhật Bản bắt đầu sử dụng Favipiravir cho bệnh nhân Covid-19. Bản thân Fujifilm cũng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của thuốc này tại Nhật Bản vào tháng 2/2020 trên khoảng 100 bệnh nhân, chủ yếu là người có triệu chwusng nhẹ, trung bình.
Đến 26/4/2020, theo Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản, hơn 2.000 người tại Nhật Bản được điều trị bằng Favipiravir như một phần của thử nghiệm lâm sàng.
“Tôi không biết chắc Avigan có tác dụng gì, nhưng nó mang lại cho tôi cảm giác an toàn hơn”, một cư dân Tokyo 42 tuổi mắc Covid-19 nói. Anh ta nhập viện với các triệu chứng nhẹ vào tháng 4/2020 và được cho uống Favipiravir trong khoảng một tuần. Sau khi thử nghiệm dương tính nhiều lần, cuối cùng anh ta đã có kết quả âm tính và được xuất viện.
Favipiravir cho kết quả tích cực khi thử nghiệm lâm sàng tại nhiều quốc gia. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Reuters, ngày 13/5/2020, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Favipiravir đã cho kết quả hứa hẹn trong thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho các bệnh nhân Covid-19 tại nước này. Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, cho biết 60% trong số 40 bệnh nhân Covid-19 được sử dụng thuốc Favipiravir cho kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV sau 5 ngày.
Vị chuyên gia cũng nhận định việc điều trị bằng thuốc Favipiravir có thể giảm 50% thời gian phục hồi. “Loại thuốc này sẽ giảm gánh nặng cho các trung tâm y tế, theo đánh giá của chúng tôi, cũng sẽ giảm 50% số bệnh nhân nặng”, Reuters dẫn lời ông Kirill Dmitriev.
Ngày 30/5, Bộ Y tế Nga phê duyệt loại thuốc chữa Covid-19 đầu tiên, do RDFI phối hợp Tập đoàn ChemRar sản xuất. Loại thuốc này có tên gọi Avifavir, vốn dựa trên công thức của Favipiravir.
Trên trang chính thức của mình, RDFI dẫn lời ông Kirill đánh giá “Afivavir là loại thuốc chống Covid-19 hứa hẹn nhất thế giới”.
Theo người đứng đầu RDFI, Afivavir được phát triển và thử nghiệm lâm sàng trong thời gian ngắn chưa từng có, giúp Afivavir trở thành loại thuốc kháng nCoV đầu tiên được đăng ký trên thế giới.
Ý kiến trái chiều
Ttheo CNBC, đã có những lo ngại về Favipiravir do các báo cáo về khả năng tử vong và dị tật thai nhi. Trong bài báo xuất bản đầu năm 2020 trên tạp chí Pharmacology & Therapeutics, các nhà nghiên cứu Nhật Bản khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai do tác động tiêu cực của nó với phôi động vật.
Ngày 26/5, các nhà khoa học do giáo sư dịch tễ học Soheil Hassanipour dẫn đầu xuất bản bài báo The efficacy and safety of Favipiravir in treatment of COVID-19: a systematic review and meta-analysis of clinical trials (tạm dịch: Hiệu quả và mức độ an toàn của Favipiravir trong điều trị Covid-19: Đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng) trên tạp chí Nature.
Dự án dựa trên phân tích 37 nghiên cứu khác đăng ký tại cơ sở dữ liệu khoa học ClinicalTrials.gov, tính đến ngày 12/10/2020. Sau khi xem xét các số liệu, nhóm tác giả phủ nhận hiệu quả của Favipiravir khi chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Theo nhóm chuyên gia, sau khi phân tích các thử nghiệm lâm sàng, họ kết luận tỷ lệ người mắc Covid-19 phải vào phòng hồi sức cấp cứu (ICU) không khác biệt giữa người sử dụng Favipiravir và nhóm không dùng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở nhóm được dùng Favipiravir thấp hơn 30% so với bệnh nhân không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, các tác giả nhận định số liệu này không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Theo bài báo, Favipiravir có thể không mang lại tác dụng có lợi đáng kể trong việc giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình.
Bệnh nhân Covid-19 sử dụng Favipiravir đào thải virus nhanh hơn người khác sau 14 ngày nhập viện. Tuy nhiên, nhóm tác giả nhận định kết quả này vô nghĩa khi đo ở ngày thứ 7, 10 – hai mốc thời gian vốn dùng để lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic.
Ngoài ra, 13% người sử dụng gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau ngực, tăng nồng độ transaminase gan và axit uric trong máu.
Vì những số liệu trên, nhóm tác giả yêu cầu giới nghiên cứu cần có thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng ở số tình nguyện viên lớn hơn nhằm đánh giá chính xác hiệu quả và độ an toàn của loại thuốc này.
Nguồn: News.zing.vn