Trong đại dịch, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, không ít người vẫn cố tình lờ đi các quy định vì sự ích kỷ cá nhân.
Liên tục lén tụ tập với bạn bè trong suốt những đợt phong tỏa năm 2020 theo nhóm 5-6 người mà không bị phát hiện, David (29 tuổi, Anh) dần trở nên chủ quan, quyết định “chơi lớn”, tiếp tục ra khỏi nhà, cùng bạn đến một căn hộ ở khu vực vắng vẻ để tổ chức tiệc vào cuối năm.
13 người đến chỗ hẹn vào thời điểm khác nhau bằng xe riêng, đi cửa sau để tránh bị hàng xóm chú ý. Trong ngôi nhà, nhóm người chơi trò chơi, uống rượu, ca hát và tất nhiên không đảm bảo giãn cách, theo Independent.
Vài ngày sau bữa tiệc, các thành viên liên tục kêu ca về tình trạng mệt mỏi trong nhóm chat. Kết quả, 12/13 người được xác định dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm cả David.
“Trong các đợt phong tỏa, chúng tôi đã nhiều lần vi phạm quy định chống dịch và cuối cùng phải trả giá, có được bài học cho mình. Tôi biết việc ra ngoài là sai nhưng ham muốn tụ tập khiến tôi mờ mắt”, chàng trai hối hận.
Sợ cô đơn, buồn chán, tự tin vào sức khỏe của mình, muốn rèn luyện thể thao, đủ mọi lý do được viện ra bởi những người vi phạm lệnh phong tỏa ở các quốc gia đang bùng phát dịch Covid-19.
Ai cũng có lý do riêng, nỗi niềm riêng và đòi hỏi sự thông cảm trong đại dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng chính sự ích kỷ đó của họ đang góp phần khiến những nỗ lực chống dịch của các chính phủ và người dân thời gian qua trở nên vô nghĩa.
Trong đại dịch, nhiều người vẫn cố tình vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters. |
Phớt lờ cảnh báo
Từng được ca ngợi là quốc gia ngăn chặn tốt dịch Covid-19, Hàn Quốc hiện phải đối mặt làn sóng dịch phức tạp với số ca mắc bệnh kỷ lục. Các chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này đến từ việc người dân không tuân thủ các quy tắc phong tỏa, giãn cách, đặc biệt là ở giới trẻ.
“Khi tôi đến ga Gangnam vào cuối tuần trước, tôi đã sốc khi thấy các nhà hàng và quán cà phê chật ních người”, một giáo viên họ Kim nói với South China Morning Post vào đầu tháng 7.
Giới trẻ Hàn Quốc được cho là nhóm chủ quan, góp phần khiến dịch lây lan. Ảnh: Bloomberg. |
Ahn Jae-Uk, sinh viên báo chí 24 tuổi, kể đã nhìn thấy nhiều người trẻ tụ tập bên ngoài các cửa hàng bách hóa ở Seoul để uống rượu và trò chuyện với người lạ dù đã là đêm muộn.
Thậm chí, để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, nhiều người ở Seoul còn tìm cách lách luật, đổ về các khu vực nới lỏng giãn cách xã hội, ví dụ như thành phố Cheonan, để tụ tập.
Theo một nhân viên làm việc tại quán karaoke ở Cheonan, thời gian gần đây, hình ảnh hàng quán nhộn nhịp ở khu vực này diễn ra vào mọi ngày trong tuần, nhà nghỉ luôn kín phòng và được đặt trước bởi những “cú đêm” đến từ thủ đô.
Ngày 6/6, 6 người mắc Covid-19 đã đi hộp đêm, tới rạp hát ở Cheonan để xem kịch. Theo cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, 1.044 người đã đến các địa điểm tương tự vào hôm đó, 85% đến từ Seoul, dấy lên mối nguy bùng dịch tại thành phố này.
Những cuộc tụ tập bất chấp, vi phạm lệnh phong tỏa từng khiến nhiều nước bùng dịch. Ảnh: New York Times. |
Không chỉ ở làn sóng dịch này, trong hơn một năm Covid-19 xuất hiện và các quốc gia bắt đầu phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, những hình ảnh người dân cố tình vi phạm quy định không phải là hiếm.
Cuối tháng 5, mặc lệnh phong tỏa, hàng trăm người ở Belagavi, Ấn Độ đã tập trung chỉ để dự tang lễ của một con ngựa, được tin là có thể “xua đuổi Covid-19”.
Theo video được Hãng tin ANI (Ấn Độ) đăng tải, đám đông đi bộ sát nhau trong tang lễ, nhiều người không đeo khẩu trang. Cuộc tụ tập quy mô lớn đã buộc các quan chức địa phương phải tạm thời phong tỏa ngôi làng và tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Đầu tháng 5, Anil Ambani, em trai của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, bị bắt gặp ra ngoài dạo chơi ở bang Maharashtra mà không đeo khẩu trang trong khi chính quyền bang này đã ban hành lệnh cấm mọi hoạt động vui chơi, người dân không được tự do đi ra ngoài.
Giữa tháng 4/2020, một gia đình (không được tiết lộ tên) bị cảnh sát phạt tiền vì lái xe từ thủ đô London đến thị trấn Torquay (Anh) chỉ để câu cá, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đến tháng 7, hai người đàn ông tại Melbourne, Australia bất chấp yêu cầu giãn cách xã hội, lái xe quanh thành phố chỉ để chơi Pokemon Go.
Phạt nghiêm
Khi những lời khuyến cáo, kêu gọi không đủ giữ chân nhiều người vô ý thức ở nhà để chống dịch, nhiều quốc gia trên thế giới phải áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiểm soát tình hình.
Vào tháng 6, 61 người ở Singapore bị phạt vì cố tình vi phạm quy tắc giãn cách khi đến bãi biển hay công viên tập thể dục, một số không đeo khẩu trang và tụ tập thành nhóm hơn 2 người.
Người vi phạm lần đầu bị phạt 300 SGD, những người tái phạm phải chịu mức phạt cao hơn và có thể đối mặt nguy cơ bị truy tố.
Cảnh sát Campuchia dùng hình phạt tiêu cực với người vi phạm quy định chống dịch. Ảnh: Khmer Times. |
Tại Campuchia, cảnh sát thủ đô được cấp roi tre để phạt người vi phạm lệnh phong tỏa. Những người vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh sát đánh bằng roi và được cho đi. Nếu tái phạm, họ sẽ bị phạt tiền, đến lần thứ 3 sẽ bị đưa ra tòa.
Hồi đầu năm, Anh cũng nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa. Theo đó, cảnh sát sẽ tăng gấp đôi mức phạt, lên tới 6.400 bảng Anh (khoảng 8.755 USD) đối với những người vi phạm.
Nguồn: News.zing.vn