Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu một số khó khăn trong việc cho người học trở lại trường.
Ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay cả nước có 21 tỉnh, thành tổ chức cho học sinh học trực tiếp; 18 tỉnh, thành kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, qua truyền hình. 24 địa phương còn lại vẫn dạy học trực tuyến, qua truyền hình.
Trước những khó khăn trong dạy học trực tuyến, nhiều người quan tâm đến vấn đề bao giờ học sinh được trở lại trường cũng như phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong dịch.
Học sinh ở nhiều địa phương phải học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Ảnh: L.G. |
Giáo viên chưa tiêm đủ liều vaccine
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên có thể trở lại trường trong bối cảnh dịch Covid-19, bộ đã ban hành kế hoạch, sổ tay, công văn hướng dẫn.
Bộ đề nghị các địa phương thực hiện rà soát điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường.
Bộ lưu ý cần ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, khử khuẩn cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly để đón học sinh trở lại trường; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Địa phương căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho các em trở lại trường học tập.
Địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình có thể cho học sinh tới trường nếu đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc cho học sinh trở lại trường.
Cụ thể, ở một số địa phương, trường học, ký túc xá vẫn đang được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly y tế, chưa kịp sửa chữa, khử khuẩn nên chưa đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập.
Nhiều cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ trường học chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng, chống dịch, ảnh hưởng đến các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại.
Hơn 10.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học. Năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, kinh phí chi cho công tác y tế trường học còn hạn chế, không đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế thực hiện tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học, triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh.
Bộ cũng chỉ đạo triển khai nghiêm túc quy định an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi cho học sinh đi học trở lại, hướng dẫn xử lý trường hợp nghi mắc Covid-19 trong trường.
Đồng thời, bộ sẽ đưa ra hướng dẫn chuyển đổi trạng thái linh hoạt giữa dạy học trực tiếp với trực tuyến trên địa bàn dịch bùng phát trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành Chương trình Y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình Sức khỏe học đường.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, phải chia làm hai đợt. Ảnh: Chí Hùng. |
Xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2025
Bên cạnh vấn đề cho học sinh trở lại trường, dịch Covid-19 còn đặt ra thách thức trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Năm 2021, kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt. Số liệu thống kê cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020. Bộ trưởng đánh giá điều này cho thấy kỳ thi dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của học sinh”, trích báo cáo của bộ trưởng gửi Quốc hội.
Ông cũng cho rằng kết quả thi đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, làm căn cứ để các địa phương tham khảo, điều chỉnh hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tổ chức thi còn nhiều khó khăn, phức tạp như phải tổ chức thành 2 đợt cách nhau một tháng, thực hiện mục tiêu kép, tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và xã hội.
Công tác tổ chức thi còn một số điểm cần được điều chỉnh để làm tốt hơn cho những năm tiếp theo như tăng cường vai trò chủ động của địa phương trong các khâu của tổ chức kỳ thi, có biện pháp phù hợp để hạn chế, tiến tới không xảy ra một số sai sót kỹ thuật.
Về giải pháp, bộ trưởng cho hay bộ đã công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2020, 2021, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước, triển khai của bộ và địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi, tuyển sinh.
Bộ cũng sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2023-2025 phù hợp tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, tinh thần là cơ sở giáo dục đại học tự chủ, chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh các các nước có nền giáo dục tiên tiên, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện truyền thông sâu rộng, xúc tiến chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm chuyên dụng để thực hiện tốt công tác thi/tuyển sinh năm 2022 và giai đoạn 2023-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.
Nguồn: News.zing.vn