‘Không thể tin lời hứa hẹn của Taliban’

0
‘Không thể tin lời hứa hẹn của Taliban’

Abdul Karim, một người Afghanistan sống ở Đức, nói anh không tin tưởng Taliban, dù nhóm này đang cố thể hiện hình ảnh tích cực. Theo Karim, Taliban vẫn tàn bạo như 20 năm trước.

“Khoảng thời gian bắt đầu từ tuần trước thật sự khó khăn với tôi vì Kunduz, thành phố nơi bố mẹ tôi đang sống ở miền Đông Bắc Afghanistan, thất thủ trước Taliban”, Karim trả lời Zing qua điện thoại vào lúc 19h45 ngày 15/8.

Bố mẹ Karim kịp rời khỏi Kunduz để tới thủ đô Kabul, sau 20 tiếng lái xe qua các chốt kiểm soát của Taliban và những vùng đang giao tranh. Tại Kabul, bố mẹ Karim sống cùng người con trai cả làm cảnh sát.

Nhưng sau khi thoát khỏi Kunduz, gia đình Karim phải đối diện với nỗi lo mới vì chỉ một tuần sau, Kabul cũng rơi vào tay của Taliban vào ngày 15/8. Gần như toàn bộ Afghanistan đã nằm trong tầm kiểm soát của Taliban.

“Thật là một cú sốc lớn khi tôi nghe được những gì đang diễn ra… Không ai trong lực lượng chính phủ thật sự phản kháng trước Taliban. Họ dễ dàng trao lại lần lượt từng tỉnh cho Taliban”, Karim cảm thán.

Taliban anh 1

Taliban ở thành phố Kunduz vào tháng 8. Kunduz là thành phố lớn đầu tiên thất thủ của lực lượng an ninh chính phủ. Ảnh: AP.

Lo sợ về tương lai bất trắc

Khi được hỏi về nỗi sợ hãi lớn nhất vào lúc này, Karim nói anh lo cho “an nguy của đất nước và của mọi người, đặc biệt là những người đang sống ở đó”.

“Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi Taliban bắt đầu ổn định trở lại. Liệu mọi người có được tha thứ hay không, hay (Taliban) sẽ sờ gáy những người từng làm việc cho quân đội chính phủ và cho các tổ chức quốc tế. Không ai biết được. Đó là nỗi lo lớn nhất của tôi”, Karim chia sẻ.

Nỗi lo của Karim không phải vô căn cứ. Khi cai trị Afghanistan trong năm 1996-2001, chính quyền Taliban thực hiện các cuộc hành quyết nơi công cộng, ném đá đến chết, và áp dụng giới luật sharia hà khắc, phụ nữ không được đi làm, trẻ em gái không được đi học, theo Reuters.

Ngoài ra, phụ nữ phải che mặt và chỉ được ra ngoài đường khi có nam giới trong nhà đi cùng. Đàn ông cũng không được cạo râu.

Nhưng thời gian gần đây, Taliban đang tìm cách thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn qua những tuyên bố như sẽ ân xá cho những người từng chống lại mình.

Karim kể lại chuyện xảy ra tại một trường đại học, nơi hai người bạn của anh làm việc, Taliban tuyên bố phụ nữ được phép lên giảng đường. “Tuy nhiên, sinh viên nữ và sinh viên nam phải học tách lớp”, Karim nói.

Taliban anh 2

Hai người bị cáo buộc hôi của tại Herat bị Taliban bôi đen mặt và đem giễu phố để cảnh cáo. Ảnh: Twitter/bsarwary.

Karim cho rằng tuy Taliban đang thể hiện bản thân theo hướng tích cực, anh thật sự không tin tưởng lực lượng này.

“Họ nói họ đã thay đổi. Nhưng đối với chúng tôi, họ vẫn như vậy, vẫn là những người từ 20 năm trước”, Karim cho biết.

“20 năm trước, Taliban rất tàn bạo. Bạo lực là một phần của Taliban. Taliban mà không có bạo lực là điều không tưởng”, Karim nói.

Chứng minh cho nhận định của mình, Karim kể về việc ngay sau khi chiếm được Herat, lực lượng Taliban bôi đen mặt hai người bị cáo buộc hôi của và đem họ giễu phố.

AP và một số hãng tin khác xác thực câu chuyện này. Theo AP, hành vi bôi mặt giễu phố được xem là lời cảnh cáo, người tái phạm có thể bị chặt tay.

Theo Karim, bạn bè và người quen của anh cho biết Taliban còn treo cổ 3 người ngay trong ngày đầu tiên chiếm được một thành phố tại Afghanistan. Zing chưa thể xác thực thông tin này.

Tháng 7, sau khi chiếm được quận Malistan của tỉnh Ghazni, chiến binh Taliban gõ cửa từng nhà để tìm người từng làm việc cho chính phủ. Họ giết hại ít nhất 27 dân thường, làm bị thương 10 người, AP dẫn Hội đồng Nhân quyền Độc lập Afghanistan đưa tin.

Tuyệt vọng vì không thể giúp gia đình

Trong cuộc gọi, Karim kể anh từng làm việc cho một tổ chức quốc tế ở Afghanistan và đang sống ở Đức, nhưng vẫn luôn cập nhật diễn biến ở quê nhà.

“Mọi người đang hoảng loạn. Tôi gọi họ vào buổi sáng thì được biết mọi cửa hàng đều đã đóng cửa. Toàn bộ công sở cũng vậy”, Karim nói.

“Gia đình tôi chỉ ở nhà thôi. Taliban đã kiểm soát hết những nơi khác rồi nên họ chỉ biết ở nhà và chờ xem tình hình thế nào. Không ai thật sự biết chuyện gì đang hoặc sắp diễn ra”, Karim cho biết.

Taliban anh 3

Trực thăng Mỹ bay phía trên Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Afghanistan vào ngày 15/8 để sơ tán nhân viên ngoại giao. Ảnh: AP.

Karim kể gia đình mình đã chuẩn bị được một ít thức ăn ở nhà, nhưng mọi người sẽ hết cái để ăn nếu tình hình kéo dài trong nhiều tuần.

“Hôm nay, họ không thể nạp được tiền điện thoại vì mọi cửa hàng trong chợ đều đóng cửa. Tôi phải nạp tiền qua mạng trực tuyến giúp họ”, Karim nói.

“Nếu Kabul bị cắt nước, người dân sẽ làm gì? Họ sẽ không có nước dùng. Nếu điện cũng bị cắt thì sao? Đó cũng là một vấn đề”, Karim cho biết.

Khi được hỏi bản thân đang làm gì để hỗ trợ gia đình, Karim cảm thấy tuyệt vọng.

“Đưa gia đình ra khỏi Afghanistan thật sự là điều không thể, vì không còn đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nào ở đó để cấp thị thực cho họ”, Karim cho biết.

“Tôi thật bất lực, tôi không thể làm được gì. Tôi chỉ có thể nói chuyện với họ và không thể làm được gì hơn”, Karim nói.

Nguồn: News.zing.vn