Không tổ chức dạy trực tuyến cho trẻ mầm non

0
41

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 và tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo.

Chỉ thị nêu rõ đây là năm học toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covi-19, vừa khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trên cơ sở, mục tiêu trên, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu toàn ngành thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, toàn ngành cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến, hoặc căn cứ tình hình tại địa phương để tổ chức lễ khai giảng an toàn, gọn nhẹ, thiết thực. Ngoài ra, việc tận dụng thời gian tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch bệnh được kiểm soát cũng được nêu trong chỉ thị.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng lưu ý các trường không tổ chức dạy trực tuyến với cấp mầm non, chỉ hướng dẫn, phối hợp với phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại nhà.

Các địa phương cũng cần quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng dạy trực tuyến cho giáo viên, đồng thời xây dựng nền tảng dạy học, hệ thống bài giảng chuẩn hóa để tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.

khong day truc tuyen cho mam non anh 1

Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022. Ảnh minh họa: Y Kiện.

Trong điều kiện dịch bệnh, các cơ sở giáo dục cần cắt giảm và tiết kiệm chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí, có chính sách hỗ trợ miễn giảm, giãn thời gian đóng học phí cho học sinh. Với những học sinh hoàn cảnh khó khăn, các địa phương phải hỗ trợ sách giáo khoa kịp thời, không để tình trạng lạm thu xảy ra.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT yêu cầu chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Với cấp mầm non, các trường tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, chuẩn bị cho các em sẵn sàng vào lớp 1. Các địa phương cũng cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng nhóm lớp tư thục.

Từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị các điều kiện dạy môn Tin học và Ngoại ngữ với học sinh lớp 3, đồng thời tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa môn học cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bộ nhấn mạnh việc đảm bảo cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách đầu năm học.

Thứ ba, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó, nội dung chính là tổ chức các quy định về tuyển sinh và đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng chuyển giao nhằm thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp.

Các chương trình đạo tạo chất lượng quốc tế, được giảng dạy bằng tiếng Anh cũng được ưu tiên phát triển.

Nhiệm vụ thứ tư là triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên.

Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ xây dựng các chỉ số để đánh giá chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và phát triển thể chất đối với từng cấp học.

Đặc biệt, các trường cần quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường – gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà.

Thứ năm, chỉ thị của Bộ GD&ĐT yêu cầu triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định.

Toàn ngành cần triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thứ sáu, bộ yêu cầu ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các địa phương cũng cần huy động nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Nhiệm vụ thứ bảy là tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản không còn phù hợp, chồng chéo.

Với công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò của người đứng đầu và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo cũng là nhiệm vụ được ưu tiên vì đây là công tác găn với đổi mới quản lý, dạy và học. Ngoài ra, địa phương, cơ sở giáo dục cần tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.

Với các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, ngành giáo dục cần có cơ chế khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân đó.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn