Trong khi một số người cho rằng việc nhà hàng, quán cà phê hạn chế một số nhóm khách cụ thể là tự do kinh doanh, số khác nhận định đây là hành vi phân biệt đối xử.
“Tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử chỉ vì tuổi tác của mình. Trong khi tìm địa điểm cắm trại, tôi thấy một nơi thông báo không nhận các cặp đôi trên 40 tuổi đặt chỗ trước. Lý do đưa ra là nơi này có bầu không khí phù hợp hơn với những cặp trẻ trung”.
Ngày 16/11, bài chia sẻ tại trang cá nhân của một người dân thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Hàn Quốc, theo Kukinews.
Ngày 26/11, chủ khu cắm trại trong bài viết xác nhận thông tin không nhận đặt chỗ từ những người trung tuổi vì cho rằng nhóm khách này “không phù hợp phong cách” ở đây. Ngoài khách từ 40 tuổi trở lên, nơi này cũng không nhận nhóm khách có cả nam và nữ, nhóm 5 phụ nữ trở lên hay nhóm chỉ toàn đàn ông.
“Cơ sở vật chất ở khu cắm trại được sử dụng đa mục đích và cách âm kém. Để ngăn chặn xảy ra các vấn đề liên quan đến tiếng động lớn hay say xỉn, chúng tôi chỉ nhận khách là các cặp đôi và nữ giới. Khu vực này cũng được thiết kế phù hợp thị hiếu những người trong độ tuổi 20 và 30, đặc biệt là phụ nữ trẻ nên sẽ không phù hợp với nhóm khách trên 40 tuổi”, thông báo nhấn mạnh.
Khu cắm trại ở Hàn Quốc gây tranh cãi vì không nhận khách trên 40 tuổi. Ảnh minh họa: Insights. |
Sau “no kids zone” (khu vực hạn chế trẻ em), thời gian gần đây, nhiều nhà hàng, quán cà phê hay điểm kinh doanh dịch vụ tại xứ củ sâm bắt đầu áp dụng hạn chế thêm một số nhóm khách cụ thể như người lớn tuổi, YouTuber, trẻ vị thành niên hay khu vực không cho phép học tập.
Đối với một số người, đây đơn giản là tự do kinh doanh, nhắm mục tiêu phục vụ cụ thể vào đối tượng nhất định để đem lại trải nghiệm hài lòng nhất. Tuy nhiên, động thái này cũng bị nhiều người xem là phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền.
Khu vực cấm
Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2014, “khu vực hạn chế trẻ em” nhanh chóng gây tranh cãi và là một trong những quy định cấm đầu tiên được một số điểm kinh doanh dịch vụ (không phải quán rượu hay các cơ sở giải trí) ở Seoul, Busan hay Jeju áp dụng.
Quy định này bắt nguồn từ một sự cố vào năm 2012, khi một người mẹ đăng tải trên mạng việc con mình bị một phụ nữ làm đổ canh nóng vào mặt gây bỏng khi đi ăn nhà hàng, theo Creatrip.
Ban đầu, bà mẹ nhận được nhiều sự đồng cảm còn “hung thủ” hứng chịu sự chỉ trích dữ dội. Tuy nhiên, dư luận nhanh chóng xoay chiều sau khi đoạn phim ghi lại vụ việc từ camera an ninh nhà hàng được lan truyền. Hóa ra, đứa trẻ chạy nhảy quanh nhà hàng, bất cẩn va vào người phụ nữ rồi bị thương.
Nhiều quán cà phê ở Hàn Quốc không cho phép trẻ em sử dụng dịch vụ. Ảnh: Jeju Weekly, Yonhap. |
Nhiều người bắt đầu phàn nàn về những bậc phụ huynh vô trách nhiệm, không quản lý con cái, để chúng la hét, phá phách nơi công cộng hay thậm chí thay tã cho con ở quán cà phê, gây ảnh hưởng đến người khác.
Vì vậy, “no kids zone” được xem là cách hạn chế việc những khách hàng khác bị làm phiền và cũng giúp cơ sở kinh doanh dịch vụ tránh phải chịu trách nhiệm nếu lỡ có tai nạn xảy ra.
Tương tự, một quán cà phê ở Busan từng thông báo không tiếp học sinh cấp 2 và cấp 3. Theo thông báo của quán, dù được nhân viên nhắc nhở, một số học sinh trung học khi đến đây vẫn khạc nhổ, hút thuốc, cư xử thiếu lịch sự thậm chí chửi mắng nhân viên.
“Vì vậy, để duy trì không gian dễ chịu, hòa nhã, chúng tôi quyết định dừng đón tiếp nhóm khách này”, thông báo ghi.
Trong khi đó, một số quán cà phê khác lại không cho phép khách hàng ngồi học.
Không ít khách hàng chỉ gọi một đồ uống và chiếm dụng bàn ghế quán cà phê trong nhiều giờ để học tập. Ảnh: JongAng Ilbo. |
Với nguồn điện, WiFi có sẵn, không khí dễ chịu, nhiều quán cà phê trở thành nơi ôn tập lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Những người đến các không gian dạng này với mục đích học tập còn được gọi là “Ca gong jok”.
Tuy nhiên với những quán cà phê nhỏ, không theo dạng nhượng quyền hoặc nằm ở địa điểm nổi tiếng, các “Ca gong jok” là nhóm khách không được chào đón vì họ thường chỉ gọi một loại đồ uống giá rẻ, chiếm dụng chỗ ngồi trong vài giờ hay thậm chí cả ngày, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Ngoài ra, một số khách khác có thể không thoải mái, cảm thấy như bản thân phải nói hạ giọng để không làm phiền những người xung quanh đang ngồi học với vẻ nghiêm túc.
Còn về phía các YouTuber, BJ (người phát sóng ăn uống), việc họ quay phim chưa xin phép, bình luận về đồ ăn và những thứ khác cũng được cho có thể gây phiền toái cho những người có mặt trong quán cùng thời điểm. Một số thậm chí còn yêu cầu được miễn phí đồ ăn vì đã quay video giới thiệu về cửa hàng.
Trong đại dịch, thông tin một số đợt bùng phát Covid-19 liên quan đến các buổi tụ tập của tín đồ, người theo đạo cũng làm nhiều người e ngại, khiến hàng quán quyết định “cấm cửa”.
Không công bằng?
Trên nhiều diễn đàn, những người ủng hộ “khu vực hạn chế” cho rằng các nhà hàng, quán cà phê có quyền từ chối một số nhóm khách nhất định, đặt ra quy tắc của riêng mình nếu nó giúp giảm bớt thiệt hại, đảm bảo lợi ích của những nhóm khách còn lại.
Theo một cuộc khảo sát của Embrain, gần 75% người trẻ xứ củ sâm ủng hộ việc hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng. Hơn 66% đồng ý việc các nhà hàng và quán cà phê không tiếp nhận trẻ nhỏ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 65,8% phụ huynh có con dưới 13 tuổi cảm thấy lo lắng về việc những đứa trẻ của mình có thể làm phiền người khác tại nhà hàng và quán cà phê. Họ cũng cảm thấy bất tiện khi một số nhà hàng có các đồ dùng không phù hợp với con như ghế quá cao hay thìa quá lớn.
Ngoài ra, một số người tin rằng các “khu vực hạn chế” mang lại nhiều quyền lựa chọn hơn cho khách hàng.
Các “khu vực hạn chế” bị nhiều người xem là phân biệt đối xử với một nhóm người cụ thể. Ảnh: Unplash. |
Ví dụ, những người thích quán cà phê sôi động, tán gẫu cùng bạn bè có thể chọn nơi không tiếp khách học tập, trong khi những người thích không khí yên tĩnh hơn sẽ có những lựa chọn thay thế khác.
Tuy nhiên, những người phản đối hình thức này lại cho rằng “khu vực hạn chế” sẽ gieo rắc sự thù ghét và phân biệt đối xử.
Vào năm 2017, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc nhận định rằng “khu vực hạn chế trẻ em” là hành vi phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác.
“Tất nhiên đó là cơ sở kinh doanh, nhưng việc ngăn một nhóm cụ thể tới một địa điểm, không gian nhất định rõ ràng là vi phạm nhân quyền”, Shin Kyungah, giáo sư Xã hội học tại Đại học Hallim, nói.
Bên cạnh đó, mọi người đều hiểu không phải trẻ em nào cũng phá phách, học sinh nào cũng ngỗ ngược hay tín đồ tôn giáo nào cũng thiếu ý thức. Nhưng qua việc ủng hộ thiết lập “khu vực hạn chế”, mọi người có thể được xem là củng cố những định kiến này.
Vì vậy, một số nhà hàng bắt đầu thay cụm “khu vực hạn chế trẻ em” bằng “khu vực hạn chế phụ huynh xấu”, nhấn mạnh sự thật rằng lỗi không nằm ở những đứa trẻ mà là các bậc cha mẹ không thể kiểm soát chúng.
Như vậy, thay vì cấm tất cả trẻ em, phụ huynh sẽ được yêu cầu đảm bảo rằng con cái của họ biết cách cư xử.
Nguồn: News.zing.vn