Lá cờ được tôn vinh chỉ sau quốc kỳ ở 50 quốc gia

0
Lá cờ được tôn vinh chỉ sau quốc kỳ ở 50 quốc gia

Bên cạnh quốc kỳ, rất nhiều quốc gia còn treo thêm một lá cờ khác – cờ Phật giáo với năm màu chủ đạo: xanh, trắng, đỏ, cam, vàng.

Du khách thường thắc mắc khi nhìn thấy một lá cờ ngũ sắc tung bay ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và được tôn vinh bởi rất nhiều người. Đó chính là cờ Phật giáo. 

Lá cờ ngũ sắc của Phật giáo thế giới. Ảnh: BP.

Lá cờ ngũ sắc của Phật giáo thế giới. Ảnh: BP.

Lá cờ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1885, tung bay trên bầu trời thủ đô Colombo của Sri Lanka trong đúng ngày đại lễ Phật đản. Tuy nhiên, phải đến ngày 25/5/1950, trong hội nghị Phật giáo quốc tế ở Colombo với sự tham gia của 26 quốc gia, lá cờ ngũ sắc này mới được chính thức chấp nhận và trở thành biểu tượng chung cho toàn thể giáo hội Phật giáo thế giới, theo Buddhistcouncilofqueensland.

Thiết kế ra cờ Phật giáo chính là đại tá quân đội đã về hưu người Mỹ Henry Steel Olcoott. Năm 1879, ông đến Sri Lanka du lịch và nhanh chóng bị đạo Phật thu hút. Năm 1880, ông quay lại nơi này và đề nghị với Ủy ban Phật giáo Colombo về việc thiết kế một lá riêng. 

Olcoott được biết đến với biệt danh là người Phật giáo da trắng, ông cũng là người Mỹ đầu tiên quy y. Ảnh: DailyNews.

Olcoott được biết đến với biệt danh là “người Phật giáo da trắng”, ông cũng là người Mỹ đầu tiên quy y. Ảnh: DailyNews.

Olcoott đã sáng tạo ra cờ Phật giáo dựa vào sáu vòng hào quang của đức Phật và các màu sắc của cầu vồng. Nhưng khác với 7 sắc cầu vồng, cờ Phật giáo chỉ có 5 màu là xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Mỗi màu này tương đương với một sọc trên cờ. Sọc thứ 6 là gồm 5 màu trên gộp lại. Sáu cột này tượng trưng cho lục đạo (sáu đường tái sinh, sáu thể dạng của chúng sinh trong cõi luân hồi).

Năm màu sắc của lá cờ lần lượt có ý nghĩa như sau: xanh lam – tượng trưng cho tình yêu thương, hòa bình và lòng bác ái; vàng – trung đạo, tránh cực đoan, sống khổ hạnh; đỏ – thực hành, thành tựu, trí tuệ, đức hạnh, vận mệnh và phẩm giá; trắng – Phật Pháp, sự giải thoát khỏi không gian và thời gian; cam – giáo huấn của Đức Phật, trí tuệ. 

Dải màu thứ sáu ở ngoài cùng gồm cả 5 màu đầu tiên, đại diện cho sự kết hợp của các màu trong quang phổ của vầng hào quang.

Lá cờ biểu tượng cho sự hòa bình, từ bi, trí tuệ, không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt giữa con người và những sự sống khác. Lá cờ này đã phất lên ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. 

Ngày 24/2/1951, thượng tọa Tố Liên, đại diện Ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam, đi dự hội nghị Colombo đã đích thân đem lá cờ này về Việt Nam.

Theo nhiều Phật tử, lá cờ ngũ sắc này chỉ là một biểu tượng. Tuy nhiên với nhiều người, họ nhìn lá cờ và thấy tâm thức bỗng bừng lên ánh hào quang của Phật, rạng rỡ và muôn màu. Với một số người, họ nhìn thấy lá cờ và thấy tâm thức bị kích động mãnh liệt bởi lòng từ bi vô biên và mong ước được gieo tình thương trên khắp sáu nẻo của luân hồi. Nhiều người tin rằng, chỉ khi nào cảm nhận được như thế, chúng ta mới mong có đủ sức mạnh để hiểu được hết ý nghĩa thực sự của lá cờ Phật giáo là gì.

Nguồn: Vnexpress.net