Trang chủ Du lịch nước ngoài

Du lịch nước ngoài

Du lịch nước ngoài, tin tức du lịch nước ngoài, các tour du lịch nước ngoài, các địa điểm du lịch nước ngoài hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đăng tin hàng ngày cho quý khách tham khảo và lựa chọn những tour du lịch nước ngoài ưng ý nhất

Thái Lan phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững

Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững. Điều này sẽ góp phần bảo đảm ngành công nghiệp không khói mang lại lợi ích cho cả du khách quốc tế và người dân Đất nước nụ cười.


Một góc chợ nổi Damnoen Saduak. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ngành du lịch được xem là một trong những động lực để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Dựa trên những thành quả ấn tượng trong năm 2024, ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút tới 39 triệu du khách và mang lại hơn 3 nghìn tỷ baht doanh thu từ cả khách nội địa và quốc tế trong năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, từ đầu năm nay, Thái Lan đã khởi động chiến dịch “Năm du lịch và thể thao Thái Lan tuyệt vời 2025”.

Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức trong năm 2025, nổi bật như lễ hội té nước Maha Songkran, lễ hội Muay Thái… Chiến dịch này nhằm quảng bá các di sản văn hóa, trải nghiệm du lịch phong phú và các sự kiện thể thao tầm cỡ tại Đất nước nụ cười.

Chiến dịch này được kỳ vọng ​​sẽ gặt hái nhiều thành quả cho các lĩnh vực, như kinh tế, du lịch, thể thao và văn hóa, đồng thời củng cố hình ảnh của Thái Lan như một điểm đến năng động, bền vững và là lựa chọn hàng đầu đối với du khách quốc tế.Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thái Lan gặp phải một số khó khăn, như dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng từ trận động đất hồi tháng 3… Cũng bởi vậy, Thái Lan đã có những điều chỉnh về mục tiêu, cũng như các kế hoạch nhằm tăng cường thu hút du khách quốc tế.

Thái Lan đang tăng cường nỗ lực thu hút du khách chi tiêu cao và tái cấu trúc ngành du lịch theo hướng tăng trưởng bền vững. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, khoảng 16,61 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan từ ngày 1/1 đến 29/6. Các thị trường cung cấp khách hàng đầu là Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc.

Tại một sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế mang tên Thailand Travel Mart Plus (TTM+) 2025 diễn ra ở thành phố Chiang Mai, đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã nêu bật chiến lược, những dịch vụ và sản phẩm du lịch mới của Thái Lan.

Theo TAT, hướng đi của ngành du lịch Thái Lan trong năm nay là tạo ra những trải nghiệm bắt nguồn từ văn hóa, sức khỏe và tính bền vững. Điều này sẽ góp phần bảo đảm cả du khách và cộng đồng địa phương đều được hưởng lợi.

Du khách mua sắm dọc theo chợ nổi Damnoen Saduak. (Ảnh: Xuân Sơn)

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của Thái Lan là những khu chợ nổi, có ở nhiều tỉnh, thành phố của Thái Lan. Chợ nằm dọc theo các con kênh hay con sông nhỏ, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với sông nước.

Nổi tiếng nhất trong các chợ nổi tại Thái Lan là chợ nổi Damnoen Saduak, nằm dọc theo kênh nhỏ có tên Ton Khem thuộc huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi, cách Bangkok hơn 100 km về phía tây nam.

Chợ nổi có tên là Damnoen Saduak do Vua Rama V đặt tên và là chợ nổi đầu tiên ở Thái Lan. Năm 1866 Vua Rama IV cho đào kênh Damnoen Saduak nối sông Tha Chin với Sông Mae Klong.

Kênh được đào hoàn toàn bằng sức người cho đến triều đại Vua Rama V và là kênh đào dài nhất Thái Lan thời điểm đó. Chợ lúc mới thành lập trải dài tới 32 km dọc theo hệ thống kênh đào với khoảng 200 nhánh sông, tạo thành một khu chợ đông đúc.

Khu chợ hiện nay mà du khách hay đến tham quan được thành lập cách đây khoảng 30 năm, người dân địa phương thì khi giao tiếp, vẫn gọi chợ này là chợ nổi Ton Khem.

Cũng như nhiều chợ nổi khác ở Thái Lan, Damnoen Saduak là nơi du khách được ngồi trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ, lướt nhẹ trên dòng nước và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của khu chợ.

Khách du lịch được ngắm nhìn và thưởng thức đủ loại trái cây, các món ăn truyền thống của Thái Lan, như pad thai, som tam, xôi xoài… được bày bán trên những thuyền của người dân địa phương trong trang phục truyền thống.

Du khách cũng có thể mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, từ những món đồ gỗ chạm khắc tinh xảo đến những chiếc khăn lụa đầy màu sắc hoặc rẽ vào tham quan một số vườn trồng hoa, quả của người dân ở gần đó. Tại chợ nổi Damnoen Saduak, ngoài việc ngồi trên thuyền máy hay thuyền chèo bằng tay, đi dọc theo các tuyến chợ ven kênh để mua sắm, du khách có thể dạo quanh chợ nổi trên đất liền để thêm cảm nhận về ngôi chợ đã có từ nhiều năm này.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bày bán dọc theo chợ nổi. (Ảnh: Xuân Sơn)

Lênh đênh dọc theo chợ nổi, thăm quan những ngôi chùa cổ kính hay tham gia các lễ hội truyền thống tại Thái Lan, du khách quốc tế hiểu thêm về đất nước và con người nơi đây. Mong muốn khám phá của khách thập phương cũng đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, như thúc đẩy thương mại và tạo việc làm, cùng với đó góp phần bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của Thái Lan.

Xuân Sơn – Minh Thắng/Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan

 

Nguồn: Dulichvn

Vẻ đẹp của Kuang Si – thác nước quyến rũ nhất ở Lào

Ẩn mình giữa núi rừng xanh thẳm, cách cố đô Luang Prabang khoảng 30km, thác Kuang Si là điểm đến khiến mọi du khách say đắm ngay từ ánh nhìn đầu tiên.


Cách trung tâm Luang Prabang khoảng 30km về phía Nam, Kuang Si là thác nước lớn và nổi tiếng nhất của Lào. Từ thành phố, du khách mất khoảng 45 – 60 phút đi xe qua những con đường đồi núi quanh co để đến được nơi này – một hành trình xứng đáng cho mọi tín đồ thiên nhiên.

Thác chính của Kuang Si cao tới 60m, dòng nước đổ xuống tạo thành bức màn trắng xóa giữa rừng xanh. Đây là nơi du khách thường dừng lại lâu nhất để chụp ảnh lưu niệm hoặc đơn giản chỉ để ngắm nhìn thiên nhiên trong sự choáng ngợp.

Kuang Si nằm trong khu bảo tồn động thực vật Lào, được bao quanh bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Điểm đặc biệt nhất của Kuang Si là hệ thống tầng thác đổ xuống như những bậc thang đá tự nhiên. Nước chảy từ trên cao, len lỏi qua các tầng đá vôi tạo thành nhiều hồ nước nhỏ tuyệt đẹp – vừa mang vẻ hùng vĩ, vừa mềm mại nên thơ.

Càng đi sâu theo các lối mòn ven thác, du khách càng bị cuốn vào vẻ đẹp nguyên sơ của rừng núi và tiếng nước chảy róc rách. Những khúc cua, bậc gỗ và cây cầu nhỏ tạo nên cảm giác như đang bước trong một khu vườn cổ tích nhiệt đới.

Một số hồ nước dưới chân thác cho phép bơi lội, trở thành điểm dừng chân lý tưởng để du khách đắm mình giữa làn nước mát lạnh. Cảm giác được thả trôi giữa thiên nhiên, lắng nghe tiếng rừng và tiếng nước vỗ về thật sự khó quên.

Mặc dù có khu vực bơi lội, một số nơi gần thác chính được đánh dấu biển “cấm bơi” do độ sâu và dòng chảy mạnh. Du khách nên tuân thủ hướng dẫn để đảm bảo an toàn và giữ gìn cảnh quan chung.

Thời gian lý tưởng nhất để khám phá Kuang Si là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), khi lượng nước từ thượng nguồn dồi dào, dòng thác cuồn cuộn chảy và bầu không khí trong lành, mát mẻ hơn bao giờ hết.

Bên cạnh cảnh quan, Kuang Si còn là nơi gắn liền với hành trình trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa: leo thác, nghe tiếng chim rừng, ngồi thiền bên dòng suối… Mỗi người đến đây đều có thể tìm thấy một khoảnh khắc riêng để lặng lại và kết nối với đất trời.

Nước thác Kuang Si có màu xanh ngọc bích nhạt, cuốn hút mọi ánh nhìn của du khách. Đứng ở trên cây cầu gỗ bắc qua thác, du khách còn có thể tận mắt thấy rất nhiều cá bơi lội bên dưới.

Từ người già đến trẻ nhỏ, Kuang Si là nơi lý tưởng để thư giãn và kết nối với thiên nhiên. Du khách có thể mang theo đồ ăn nhẹ, ngồi nghỉ bên các ghế gỗ ven hồ nước.

Cảnh sắc mùa mưa tại Kuang Si – khi thác đạt lưu lượng nước lớn nhất và đẹp nhất.

Một nhánh thác nhỏ xen lẫn giữa rừng già, nước chảy nhẹ qua thảm rêu và đá tảng.

Từng hồ nước nhỏ nối nhau tựa bậc thang thiên nhiên, tạo nên cấu trúc tầng tầng lớp lớp độc đáo.

Rời Kuang Si, du khách không chỉ mang về những tấm ảnh đẹp mà còn mang theo cảm giác thanh thản, tươi mới sau khi hòa mình vào thiên nhiên. Đây không chỉ là một điểm đến, mà là một trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá đất nước Lào hiền hòa.

Hoàng Phạm

Nguồn: Dulichvn

Cách Indonesia đưa Bali trở thành điểm đến du lịch y tế hàng đầu

Indonesia đã chính thức ra mắt Trung tâm Dịch vụ du lịch y tế cao cấp trong Khu kinh tế đặc biệt Sanur ở Bali. Tuy vậy, kế hoạch tham vọng để Indonesia trở thành điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực du lịch y tế cũng đối mặt với không ít thách thức.


Đưa Bali thành điểm đến hàng đầu cho du lịch y tế

Ngành du lịch y tế phát triển mạnh phụ thuộc vào một số yếu tố chính, từ cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các cơ sở hiện đại, công nghệ y tế tiên tiến và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có tay nghề cao.

Khu kinh tế đặc biệt Sanur tại Bali dự kiến thu hút khoản đầu tư hơn 600 triệu USD và tạo ra hơn 43.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Cơ sở chăm sóc y tế nằm ở trung tâm của The Sanur, một dự án trị giá khoảng 1 tỷ USD nhằm phát triển “khu kinh tế đặc biệt” đầu tiên của Indonesia dành cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp và các dịch vụ liên quan tại một khu phức hợp rộng 41,26 ha có bờ biển dài 2 km.

Khu kinh tế đặc biệt Sanur tại Bali được đầu tư để phát triển du lịch y tế. Nguồn: Antara

Theo chính phủ Indonesia, các trang thiết bị y tế hoàn chỉnh và hiện đại cùng các dịch vụ tốt nhất đã sẵn sàng phục vụ tối ưu cho bệnh nhân tại Trung tâm Dịch vụ du lịch y tế cao cấp, trong Khu kinh tế đặc biệt Sanur ở Bali. Bệnh viện giống như một khách sạn, với sàn đá cẩm thạch có 250 phòng và được trang bị công nghệ tiên tiến để điều trị trong nhiều lĩnh vực, từ ung thư đến thần kinh học. Các bác sĩ chuyên khoa nước ngoài cũng được mời đến đây làm việc.

Kế hoạch này không chỉ là một phần trong nỗ lực của chính phủ “nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả công dân của mình, mà còn đưa Bali lên bản đồ toàn cầu như một điểm đến hàng đầu cho du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe”. Là điểm đến du lịch hàng đầu của đất nước, Bali đã chào đón 6,3 triệu du khách quốc tế vào năm 2024. Chính phủ có kế hoạch sao chép mô hình Sanur ở các khu vực khác để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành chăm sóc sức khỏe Indonesia.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã nỗ lực cải cách lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ và hạn chế người Indonesia ra nước ngoài tìm kiếm phương pháp điều trị. Khoảng từ 1 – 2 triệu người Indonesia đang tìm kiếm dịch vụ điều trị y tế ở nước ngoài mỗi năm, chi tiêu lên tới 10 tỷ USD, hay khoảng 1 % tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Indonesia. Hầu hết những người được hỏi đều nêu lý do là mong muốn có dịch vụ toàn diện và chất lượng, độ chính xác của chẩn đoán và nhân viên y tế phục vụ chu đáo hơn.

Bali là địa điểm được nhiều du khách quốc tế yêu thích tại Indonesia

Tuy nhiên để dự án triển khai hiệu quả và lâu dài, Indonesia coi các vấn đề tài chính là thách thức lớn nhất, đặc biệt là trong việc đảm bảo đầu tư tài chính trong dài hạn. Dự án Bali và dự án thứ hai gần Singapore đã thu hút một loạt các đối tác nước ngoài, bao gồm từ Đức, Ấn Độ và Malaysia, ngoài các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt với sự tham gia của Quỹ đầu tư quốc gia Danantara, sẽ đảm bảo cho dự án trong các hoạt động đầu tư bền vững. Chính quyền cũng lên kế hoạch đơn giản hóa quy trình cấp phép và quản lý để thu hút các nhà đầu tư, chẳng hạn như miễn hoặc giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu đối với thiết bị y tế. Indonesia cũng thuyết phục người dân Indonesia rằng chất lượng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe được cung cấp ngang bằng với các cơ sở ở nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, cũng như chỗ ở và khả năng tiếp cận dễ dàng.

Xây thương hiệu riêng cho du lịch y tế tại Indonesia

Xây dựng Trung tâm Dịch vụ du lịch y tế cao cấp là một kế hoạch đầy tham vọng của Indonesia – không chỉ hướng tới người dân trong nước mà còn thu hút du khách nước ngoài. Tuy nhiên, với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe như vậy, tâm lý thông thường của mọi người là khá thận trọng. Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã trở thành điểm đến nổi tiếng của du lịch y tế, Indonesia cũng cần có các chiến lược để tạo ra sức hút và cạnh tranh riêng.

Bên trong Bệnh viện quốc tế Bali. Nguồn: Dimas Ardian/Nikkei

Trước hết hiểu rõ nhu cầu khách hàng, khi tìm kiếm phương pháp điều trị y tế, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, các chuyên gia y tế giỏi và thiết bị y tế hiện đại, là những cân nhắc chính trước mong muốn đi du lịch. Cần có chuyên môn hóa một lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe mang thương hiệu Indonesia, so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan được biết đến với các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, trung tâm cho các phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Singapore là trung tâm hàng đầu về dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến, thu hút những bệnh nhân cần điều trị chuyên khoa và các thủ thuật phức tạp. Malaysia đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và nhắm mục tiêu đến những người có thu nhập trung bình từ các thành phố của Indonesia và Trung Quốc, bằng cách đưa ra mức giá thấp hơn tới 80% so với các quốc gia có chi phí cao…

Thứ hai là thiết lập quan hệ đối tác giữa các bệnh viện nước ngoài và trong nước, bao gồm các chuyên gia y tế nước ngoài và trong nước, đặc biệt là để chuyển giao công nghệ và kiến ​​thức.

Thứ ba là hợp tác với các công ty bảo hiểm y tế toàn cầu được sử dụng rộng rãi để tiếp nhận bệnh nhân từ nước ngoài nhằm mở rộng thị trường.

Thứ tư, xét đến thị trường mục tiêu là tầng lớp trung lưu thượng lưu, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chỉ giới hạn ở nhu cầu chữa bệnh mà còn liên quan đến sức khỏe và lối sống lành mạnh như các phòng khám thẩm mỹ và phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm… Phát triển và quản lý tốt, cùng với việc liên tục nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là với các nước láng giềng sẽ là chìa khóa thành công của các trung tâm du lịch và chăm sóc sức khỏe tại Indonesia.

Phạm Hà

 

Nguồn: Dulichvn

Triều Tiên mở khu du lịch đẳng cấp thế giới hút hồn du khách

Wonsan Kalma, được Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mô tả là “nơi nghỉ dưỡng văn hóa du lịch tầm cỡ thế giới”, có sức chứa khoảng 20.000 khách.


Khu nghỉ dưỡng bãi biển mới mở cửa tại Khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma của Triều Tiên vào ngày 24.06.2025. Ảnh: KCNA

Lễ khánh thành khu du lịch ven biển Kalma của CHDCND Triều Tiên vừa được tổ chức rất long trọng với sự tham dự của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong tuần trước.

Ông Kim Jong Un đã đích thân cắt băng khánh thành một khu nghỉ dưỡng mới được truyền thông nhà nước ca ngợi là “thành phố du lịch đẳng cấp quốc gia”.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng mô tả đây là thị trấn nghỉ dưỡng ven biển theo phong cách riêng và không nơi nào sánh bằng. Nơi đây bao gồm các tiện nghi để bơi lội, chơi thể thao, mua sắm và tổ chức sự kiện văn hóa, giải trí quanh năm.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khai trương khu nghỉ dưỡng ven biển Kalma rộng lớn với các công viên nước, khách sạn cao tầng và chỗ nghỉ cho khoảng 20.000 khách.

Khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma nằm trên bờ biển phía đông của Triều Tiên. KCNA đưa tin sẽ mở cửa cho khách trong nước sẽ bắt đầu vào ngày 1.7, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về điều kiện hoặc phương tiện đi lại.

Đầu tháng 6, Triều Tiên cũng đã công bố việc khai trương nhà ga xe lửa Kalma.

Nhà ga được xây dựng để “đảm bảo mức độ tiện lợi cao cho du khách đến khu du lịch ven biển. Khu nghỉ dưỡng bãi biển Kalma nằm cạnh một sân bay quốc tế, được xem là dự án thu hút ngoại tệ khổng lồ.

Năm ngoái, một nhóm nhỏ khách du lịch Nga đã đến thăm Triều Tiên trong ba ngày ở khu nghỉ dưỡng Maskiryong.

Truyền thông Triều Tiên cho biết khu nghỉ dưỡng sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch nước ngoài, trong đó chủ yếu là du khách Nga.

Cho đến nay, người Nga dường như là nhóm du lịch nước ngoài duy nhất được phép vào khu nghỉ dưỡng bãi biển này.

Vostok Intur, một công ty lữ hành có trụ sở tại Vladivostok, đang quảng bá ba gói du lịch – một vào tháng 7 và hai vào tháng 8 – có giá khoảng 1.840 đô la.

Theo trang web của công ty, chuyến du lịch đầu tiên dự kiến bắt đầu vào ngày 7.7 và sẽ kéo dài tám ngày. Du khách sẽ bay từ Bình Nhưỡng đến Wonsan, nghỉ bốn đêm tại khu nghỉ dưỡng và ghé thăm Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong gần đó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh khu nghỉ dưỡng tại Kalma sẽ được sử dụng để phát triển “các khu du lịch và văn hóa quy mô lớn đầy hứa hẹn” ở các khu vực khác của đất nước.

Sự đầu tư của Triều Tiên vào dự án du lịch này có thể nhìn thấy thông qua ít nhất bảy chuyến thăm tới công trường xây dựng Kalma, nơi Kim Jong-un đã đưa ra những gì mà phương tiện truyền thông nhà nước gọi là “hướng dẫn tại chỗ” và thúc đẩy các tiêu chuẩn “đẳng cấp thế giới”.

Dưới chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un, việc hoàn thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp lần này được coi là một chiến thắng quan trọng và là cơ hội để thể hiện sự phát triển trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt.

Các kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng lần đầu tiên được công bố vào năm 2013 như một phần trong tầm nhìn rộng lớn hơn của ông Kim nhằm biến Wonsan, một thành phố cảng có ý nghĩa lịch sử, thành trung tâm của các hoạt động kinh tế và giải trí.

Triều Tiên trước đó cũng có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.

Mặc dù đóng cửa và khá khép kín, nhưng những địa danh như Trường Bạch Sơn, Núi Kim Cương, tháp Chủ Thể, Ngọn núi thơm bí ẩn, Cung điện Kumsusan, Khải Hoàn Môn tại thủ đô Bình Nhưỡng, khu nghỉ mát Masikryong Ski Resort… là những điểm đến đẳng cấp trên bản đồ du lịch, không chỉ của Triều Tiên, mà của cả thế giới.

Công trình này được coi là xuất phát điểm cho sự mở cửa trở lại của Triều Tiên với cú hích đầu tiên của ngành du lịch, hứa hẹn mang lại những thành tựu vượt ngoài mong đợi.

Hồng Nhung

HỒNG NHUNG

Nguồn: Dulichvn

Indonesia ra mắt Trung tâm du lịch y tế đầu tiên tại Bali

Indonesia vừa ra mắt Trung tâm Dịch vụ du lịch y tế cao cấp trong Khu kinh tế đặc biệt Sanur ở Bali. Dự án đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực của chính phủ Indonesia nhằm phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới kết hợp với du lịch.


Tại lễ ra mắt, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ca ngợi Khu kinh tế đặc biệt Sanur là một sáng kiến ​​mang tính đột phá, là đặc khu kinh tế đầu tiên tại Indonesia dành riêng cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ông Prabowo cho biết Khu kinh tế đặc biệt Sanur không chỉ là một diện mạo mới cho ngành du lịch Bali mà còn là biểu tượng cho sự hồi sinh của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe quốc gia. Chính phủ Indonesia muốn người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế đẳng cấp thế giới mà không cần phải ra nước ngoài.

Tổng thống Indonesia Prabowo phát biểu trong lễ ra mắt đặc khu kinh tế du lịch y tế Sanur ở Bali (Nguồn: Antara)

Dự án này nhằm mục đích định vị Bali là điểm đến du lịch y tế hàng đầu, thu hút không chỉ bệnh nhân trong nước mà còn cả du khách quốc tế. Trung tâm đã hợp tác với các tổ chức y tế hàng đầu từ Đức, Nhật Bản và Mỹ, cũng như Đại học Udayana, để tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Với diện tích hơn 41 ha, Khu kinh tế đặc biệt Sanur dự kiến ​​sẽ thu hút khoản đầu tư hơn 600 triệu USD và tạo ra hơn 43.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Khu kinh tế đặc biệt Sanur là dự án trọng điểm của quỹ đầu tư quốc gia Indonesia, để đẩy mạnh cam kết của chính phủ trong việc chuyển đổi các ngành du lịch và chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Chiến lược nhằm thu hút du khách quốc tế tham gia vào du lịch y tế ở Indonesia, cũng như hạn chế người dân ra nước ngoài điều trị y tế. Dự kiến ngành du lịch y tế của Indonesia sẽ đóng góp tới 1,36 nghìn tỷ Rp vào GDP hàng năm của nước này.

Tuấn Dũng

Nguồn: Dulichvn

Nga xúc tiến triển khai chương trình du lịch theo nhóm không cần thị thực với Việt Nam

Ngày 24/6, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga cho biết, Nga đang xúc tiến cơ chế trao đổi du lịch theo nhóm không cần thị thực với Việt Nam.


Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga đang hoàn thiện dự thảo thỏa thuận liên chính phủ về vấn đề này. Thỏa thuận được soạn thảo theo đề nghị từ phía Việt Nam và hiện đang trong quá trình tham vấn với các cơ quan liên quan trước khi chuyển giao cho Việt Nam trong thời gian tới.

Nga xúc tiến triển khai chương trình du lịch theo nhóm không cần thị thực với Việt Nam.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng cho biết, việc triển khai cơ chế này sẽ cần thời gian do phụ thuộc vào sự phối hợp giữa hai bên. Mục tiêu của chương trình là đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân hai nước trong hoạt động du lịch.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân Nga với thời gian lưu trú lên đến 45 ngày. Ngược lại, công dân Việt Nam có thể xin thị thực điện tử để nhập cảnh Nga với thời hạn không quá 30 ngày.

Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác du lịch đến năm 2030, nhằm tăng cường lượng khách du lịch giữa hai nước. Đây là bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trên lĩnh vực du lịch và giao lưu nhân dân.

Thu Hà

 

Nguồn: Dulichvn

Indonesia thúc đẩy du lịch y tế tại các điểm đến nổi tiếng

Bộ Y tế Indonesia ước tính, mỗi năm ước tính có gần 2 triệu người đi nước ngoài điều trị, chăm sóc y tế, dẫn đến tổn thất khoảng 163 nghìn tỷ Rp (Rupiah – 10 tỷ đô la Mỹ). Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải phát triển du lịch y tế chất lượng cao tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin, chính phủ nước này đang xem xét các điểm đến nổi tiếng để phát triển ngành du lịch y tế, nhằm giảm số lượng công dân ra nước ngoài điều trị y tế. Hàng năm có khoảng từ 1 đến 2 triệu người Indonesia đến Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mỹ để điều trị y tế. Cùng với đó là khoản ngân sách lên đến 163 nghìn tỷ Rp (10 tỷ đô la Mỹ) chảy ra nước ngoài, tương đương gần 1% tổng sản phẩm quốc nội. Do đó nhu cầu cấp thiết hiện nay là phát triển du lịch y tế chất lượng cao tại Indonesia, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nước.

Thủ đô Jakarta, Indonesia.

Bộ trưởng Y tế Indonesia nhấn mạnh, việc phát triển du lịch y tế tại các điểm đến nổi tiếng như Bali, Labuan Bajo không chỉ đưa du khách tận hưởng bãi biển, văn hóa nghệ thuật trong kỳ nghỉ, mà còn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Chiến lược này cũng có thể giúp thu hút du khách quốc tế tham gia vào du lịch y tế ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia ước tính ngành du lịch y tế có tiềm năng sẽ đóng góp tới 1,36 nghìn tỷ Rp vào GDP hàng năm, đóng góp cũng ​​sẽ tăng khi tuổi thọ và dân số già hóa ở Indonesia ngày một gia tăng.

Hiện chính phủ Indonesia đã hợp tác với các tổ chức y tế hàng đầu từ Đức, Nhật Bản và Mỹ để thành lập một trung tâm cao cấp trong Khu kinh tế đặc biệt Sanur ở Bali. Đây sẽ là khu phức hợp du lịch y tế đầu tiên của Indonesia, sau khi hình thành có thể trở thành khu phức hợp lớn nhất thuộc loại hình này ở châu Á, dự kiến doanh thu sẽ đạt 20 nghìn tỷ rupiah vào năm 2045. Trong khi Khu kinh tế đặc biệt Batam dự kiến ​​sẽ mở cửa vào năm 2026 và đặt mục tiêu thu hút đầu tư gần 7 nghìn tỷ rupiah vào năm 2032.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực mở rộng học bổng, chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho bác sĩ. Bởi hiện nay có đến 34% các bệnh viện đa khoa ở Indonesia không đáp ứng được 7 yêu cầu tối thiểu về chuyên môn y tế, tỷ lệ bác sĩ bình quân trên đầu người ở Indonesia cũng thuộc diện thấp nhất thế giới.

Tuấn Dũng

 

Nguồn: Dulichvn

New Zealand đặt mục tiêu tăng gấp đôi nguồn thu từ ngành du lịch

Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, New Zealand tiếp tục đầu tư cho ngành du lịch, với tham vọng nâng gấp đôi mức đóng góp của ngành này vào nền kinh tế vào năm 2034.


Chính phủ New Zealand vừa công bố khoản chi trị giá 35 triệu NZD cho giai đoạn đầu nhằm tăng gấp đôi mức đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế nước này. Theo kế hoạch này, New Zealand đặt mục tiêu đưa lượng khách nước này sẽ tăng lên 4,78 triệu lượt người, cao hơn mức trước đại dịch Covid-19, qua đó, nâng mức đóng góp của ngành du lịch lên tới 19,8 tỷ NZD vào năm 2034.

Trường quay Hobbiton, một điểm đến yêu thích của khách du lịch khi đến New Zealand. Ảnh: Việt Nga/VOV

 Bộ trưởng Du lịch New Zealand Louise Upston cho biết, trong khoản ngân sách vừa công bố, nước này sẽ chi 6 triệu NZD cho các chiến dịch marketing để thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á; chi 4 triệu NZD để cải thiện các trải nghiệm của khách du lịch và cải tạo đường sá, giảm ách tắc giao thông; 3 triệu NZD để thu hút nhiều sự kiện kinh tế diễn ra tại nước này và 5 triệu NZD để tổ chức các sự kiện lớn.

Kế hoạch nhằm tăng gấp đôi nguồn thu cho ngành du lịch được chia làm 3 giai đoạn, gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kế hoạch chi tiết sẽ được nghiên cứu cụ thể hơn trong thời gian tới, trong đó mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng lao động trong ngành du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo dựng và quản lý các khu du lịch theo vùng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành du lịch.

Từ năm ngoái, New Zealand đã tăng lệ phí thị thực và các khoản thu đối với người nước ngoài, giúp nước này tăng gần gấp 3 lần nguồn thu từ lĩnh vực này, khiến cho New Zealand có thêm nguồn ngân sách để đầu tư trở lại cho du lịch.

Việt Nga

 

Nguồn: Dulichvn

Australia ban hành khuyến cáo du lịch đến Bali

Australia ban hành khuyến cáo cho công dân nước này khi đi du lịch Bali, Indonesia. Cảnh báo này được đưa ra sau các sự cố xảy ra tại một số điểm đến phổ biến mà khách du lịch Australia thường xuyên đến thăm.


Trang web Smartraveller, một nền tảng chính thức của chính phủ liên bang Australia đã công bố chỉ thị yêu cầu công dân tuân thủ các khuyến nghị du lịch mới nhất. Theo đó, chính phủ Australia khuyến cáo các vụ việc công dân Australia bị đuối nước ở các vùng ven biển do biển động và dòng chảy xiết tại các bãi biển du lịch nổi tiếng, bao gồm cả Bali. Ngoài ra, nhiều bãi biển không có người tuần tra.

Bali với cảnh đẹp thu hút nhiều du khách Australia đến thăm. Ảnh: VOV

Ngoài vấn đề an toàn trên biển, khuyến cáo cũng bao gồm lời cảnh báo cho khách du lịch về việc lựa chọn đồ uống, nêu rõ khả năng đồ uống có cồn và ngộ độc methanol. Các trường hợp ngộ độc methanol trong đồ uống đã từng được cảnh báo ở Indonesia, bao gồm cả Bali và Lombok. Trang web Smartraveller cũng kêu gọi khách du lịch nước ngoài nên đọc các khuyến nghị do Chính quyền tỉnh Bali ban hành trước khi đi du lịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu các quy định về thị thực hiện hành và các yêu cầu nhập cảnh, xuất cảnh cụ thể đối với Indonesia.

Theo đó, chính quyền Indonesia có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với hộ chiếu bị hư hỏng và du khách đã bị từ chối nhập cảnh vào Indonesia với hộ chiếu bị ngấm nước, rách nhẹ hoặc rách trang. Ngoài ra, du khách được khuyến khích tôn trọng luật pháp và chuẩn mực văn hóa địa phương. Hành vi xúc phạm không tôn trọng văn hóa, tôn giáo, nơi thờ cúng và nghi lễ truyền thống địa phương có thể dẫn đến hình phạt hình sự hoặc trục xuất.

Phạm Hà

 

Nguồn: Dulichvn

Bảo tồn di sản văn hóa ở Nga

Di sản lịch sử và văn hóa là một phần không thể thiếu của nền văn hóa nhân loại toàn cầu, tham gia vào quá trình hình thành, phát triển trí tuệ, xã hội của dân tộc của loài người, và là nơi lưu giữ ký ức lịch sử. Nó cho phép chúng ta theo dõi mối liên hệ chặt chẽ của thời gian, từ quá khứ đến hiện tại.

 


Rất nhiều báu vật được trưng bày tại Hermitage ở thành phố Saint Petersburg. (Ảnh: Thùy Vân)

Đến nước Nga ngày nay, có thể thấy các di sản văn hóa hiện diện khắp mọi nơi, từ ngay trong các công trình phục vụ dân sinh hằng ngày đến các di tích lịch sử đã được xếp hạng. Điều đáng nói, sự trầm tích của các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn một cách bền vững đã bồi đắp nên một “đế chế” văn hóa mà ai đã đến đây đều bị “khuất phục” bởi bản sắc văn hóa Nga.

Kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa ở Nga đã trải qua nhiều thế kỷ. Bắt đầu từ sắc lệnh đầu tiên của Peter Đại Đế, quá trình xác định và ghi chép cổ vật, trong đó bao gồm cả các báu vật quốc gia Nga đã bắt đầu. Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, quá trình này có những đặc điểm riêng, nhưng hiệu quả của nó luôn phụ thuộc vào nỗ lực của nhà nước và xã hội.

Học sinh đến tham quan khu nhà nghỉ của Sa hoàng ở Kolomenskya. (Ảnh: Thùy Vân)

Theo các chuyên gia Nga, việc bảo tồn di sản phụ thuộc vào hiệu quả của pháp luật bảo vệ di tích, vào hình thức sở hữu, cũng như vào sự linh hoạt của chính sách văn hóa của nhà nước, dựa trên các lực lượng khoa học có thẩm quyền. Tình hình chính trị trong nước và trình độ văn hóa xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn các di sản văn hóa. Các yếu tố chủ quan cũng rất quan trọng: sở thích khoa học, tính chuyên nghiệp và đặc điểm cá nhân của các nhà nghiên cứu, người phục chế và nhân viên bảo tàng.

Đối với nước Nga ngày nay, việc bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã hội và nhà nước. Hiến pháp Liên bang Nga bảo đảm quyền của mọi công dân được tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các thiết chế văn hóa và tiếp cận các giá trị văn hóa. Nhưng đồng thời, theo Phần 3 của Điều 44 Hiến pháp Liên bang Nga, mọi người có nghĩa vụ bảo vệ di sản lịch sử và văn hóa, bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa.

Theo đó, việc bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa không chỉ là trách nhiệm của công dân mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

Nhà thờ Issac ở thành phố Saint Petersburg có vô vàn các báu vật quốc gia Nga. (Ảnh: Thùy Vân)

Trong tầm nhìn bảo tồn di sản văn hóa của thành phố St. Petersburg, một trong những cái nôi văn hóa của nước Nga đã xác định: “Sự mất mát các giá trị văn hóa là không thể khắc phục và không thể đảo ngược. Bất kỳ sự mất mát nào về di sản lịch sử và văn hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống của các thế hệ hiện tại và tương lai, dẫn đến sự nghèo nàn về tinh thần, đứt gãy ký ức lịch sử và sự nghèo nàn của toàn xã hội. Chúng không thể được bù đắp bằng sự phát triển của nền văn hóa hiện đại hoặc bằng việc sáng tạo ra những tác phẩm mới có ý nghĩa. Sự tích lũy và bảo tồn các giá trị văn hóa là cơ sở cho sự phát triển của nền văn minh”.

Chính những nền tảng tư duy như vậy qua rất nhiều thế hệ, đã khiến cho việc bảo tồn các di sản, di tích văn hóa, lịch sử của Nga đã trở thành một “bản năng tự nhiên” trong xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng tri thức xã hội cũng đóng góp phần quan trọng. Các em bé từ khi nằm trong nôi đã thường xuyên được bố mẹ đưa đi bảo tàng, do thói quen yêu thích tìm hiểu nghiên cứu của người Nga. Từng đoàn học sinh từ nhỏ đến lớn đến tham quan học tập là hình ảnh quen thuộc có thể nhìn thấy ở tất cả các bảo tàng.

Cung điện Ekaterina ở Moskva cho phép du khách trải nghiệm không gian thực tế với các dịch vụ chuyên nghiệp. (Ảnh: Thùy Vân)

Không những vậy, đối với công tác bảo đảm an ninh cho các di tích, báu vật quốc gia cũng luôn được coi trọng. Luật quy định đến cả những chi tiết cụ thể. Như phòng hổ phách ở Cung điện mùa thu ở Saint Petersburg, việc kiểm soát an ninh, phân luồng khách tham quan cũng như việc hạn chế chụp ảnh cũng là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho báu vật. Hay như tại các khu vực bảo tàng có nhiều hiện vật quý hiếm ở Moskva, các phòng triển lãm, trưng bày và các cơ sở khác đều được giám sát bằng video.

Để bảo đảm an toàn, lực lượng an ninh (lính gác) của Bảo tàng có quyền giám sát du khách và hành lý xách tay của du khách bằng cả hình ảnh và bằng máy dò kim loại cùng các thiết bị, dụng cụ đặc biệt khác. Quy trình làm việc và trách nhiệm của cán bộ Bảo tàng trong việc bảo đảm an toàn và văn hóa phục vụ du khách được xác định theo luật hiện hành của Liên bang Nga và các đạo luật địa phương của Bảo tàng.

Ngai Sa hoàng trong Hernitage. (Ảnh: Thùy Vân)

Theo đó, hệ thống quy định của pháp luật trong vấn đề bảo tồn di sản hướng tới giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của di tích, hay báu vật thông qua hoạt động vận hành và bảo trì một cách chuyên nghiệp, loại bỏ các khiếm khuyết làm suy yếu kết cấu; cấm sử dụng vật liệu không phù hợp và có hại trong việc phục hồi, bảo tồn và sửa chữa; giám sát bằng video, trung tâm điều khiển; xây dựng biện pháp phòng cháy chữa cháy có hệ thống; mua bảo hiểm rủi ro do mất mát, phá hủy, hư hỏng hay trộm cắp di sản văn hóa…

Có thể nói, công tác bảo tồn di sản ở Nga cho thấy họ luôn đi trước một bước. Các quy định của Bộ Văn hóa Liên bang Nga đưa ra về bảo tồn di sản còn quy định chi tiết đến từng thời hạn chất liệu của từng báu vật, qua đó có các bảo tàng có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Chúng tôi đã từng rất ngạc nhiên khi biết một nhà hóa học lại là biên chế làm việc ở Bảo tàng Hermitage. Ở đây có cả một phòng chuyên về phục chế và bảo dưỡng các cổ vật, và việc xử lý bảo tồn các cổ vật phải được thực hiện đúng quy trình khoa học, từ phân tích chất liệu, đến phục chế mỹ thuật, mỗi công đoạn phải là các chuyên gia của từng lĩnh vực liên quan đảm nhiệm.

Các cổ vật trưng bày trong Hermitage. (Ảnh: Thùy Vân)

Ngày nay, nhiều di tích lịch sử ở Nga bên cạnh các phương pháp truyền thống bảo tồn di sản văn hóa, các phương pháp mới với sự hỗ trợ của công nghệ cao để ghi chép và phục hồi di tích đã xuất hiện. Nhiều dự án bảo tồn được số hóa và sử dụng lưu trữ đám mây – chuyển đổi các hiện vật sang định dạng kỹ thuật số để dễ truy cập và bảo quản. Chúng tôi cũng đã được xem mô hình 3D là các bản sao kỹ thuật số chính xác của các hiện vật lịch sử ở một số bảo tàng.

Theo các các chuyên gia bảo tàng, các công nghệ hiệu quả nhất là phương pháp ảnh trắc địa và quét laser. Các phương pháp này được sử dụng độc lập hoặc kết hợp, bảo đảm tính chân thực và chi tiết cao. Bên cạnh đó, các phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích và tái tạo diện mạo lịch sử của các di tích; thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR), tạo ra các mô hình tương tác cho phép tham quan các điểm tham quan từ xa. Thí dụ như trong bảo tàng toàn cảnh “Trận chiến Borodino” cho phép người xem cơ hội để đắm mình vào bối cảnh lịch sử.

Các hiện vật được bảo vệ trong lồng kính với các điều kiện nhiệt độ được bảo đảm. (Ảnh: Thùy Vân)

Ngoài ra có thể kể đến rất nhiều dự án đã được ứng dụng các phương pháp hiện đại để bảo tồn di sản văn hóa ở Nga như dự án số hóa các di tích Ki tô giáo ở các làng Nizhny Novgorod; Số hóa các di tích cổ của Dagestan: làng Kala-Koreysh, Nhà thờ Hồi giáo Derbent Juma và Đền Datun. Tạo mô hình 3D của quần thể Kizhi Pogost, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Kết quả của công trình là di tích kiến ​​trúc gỗ của Nga đã được chụp lại với độ phân giải cao với mọi chi tiết. Đây là những biện pháp nhằm bảo lưu các hiện vật cổ trong những trường hợp bất trắc bị phá hủy bởi các yếu tố khôn lường do thiên nhiên hoặc do bản thân con người tác động.

Việc thực hiện thành công các dự án như vậy chứng tỏ những thành tựu của khoa học hiện đại đang trở thành trợ thủ đáng tin cậy trong việc bảo vệ di sản của nước Nga.

Thùy VânPhóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT