Lễ hội cầu ngư là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt. Đây là một lễ hội được đánh giá có quy mô và sức lan tỏa lớn không những ở huyện Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Lễ rước Long Châu thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương
Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội cầu ngư ở vùng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay xuất hiện từ thời Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh. Lễ hội cầu ngư được tổ chức thường xuyên hằng năm vào các ngày từ 21 đến 24/2 âm lịch, do toàn bộ nhân dân xã Ngư Lộc tham gia.
Nghệ nhân Phạm Văn Hùng cho biết: Trong các công việc chuẩn bị cho lễ hội thì việc làm Long Châu là quan trọng hơn cả vì đây là vật thiêng dùng để cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Long Châu thực chất là một chiếc thuyền rồng, được làm bằng luồng, nứa, giấy màu, xốp và phẩm màu, được sử dụng như một chiếc thuyền thờ hình rồng mô phỏng chức năng và quyền lực của các thần vùng sông biển và chứa đựng những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, mong phù hộ cho họ trong cuộc sống trên biển khơi.
Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, sáng ngày 21/2 âm lịch, tại các đền, chùa ở trong xã đều lần lượt được mở cửa, bắt đầu các thủ tục thắp hương dâng lễ, các đội tế vào tế. Đến sáng hôm sau (22/2), các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng, trưởng các dòng họ đã có mặt tại đền Thánh Cả để làm thủ tục rước kiệu. Đoàn rước được tổ chức khởi kiệu rất sớm từ đền Thánh Cả đến bãi “đất Phúc” (nay là trung tâm văn hóa xã). Sau khi làm lễ tế cầu mát, cầu an tại đây, các dòng họ, nhân dân và du khách thập phương lần lượt vào cúng lễ và chiêm bái, cho đến chiều ngày 24/2 thì kết thúc bằng lễ hóa tiễn Long Châu về biển. Trong các ngày diễn ra lễ hội, đồng thời với việc tổ chức lễ tế, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với nhiều trò diễn như: Trò câu mực, thi đan lưới, thi hò đối, thi đánh cờ người…
Lễ hội cầu ngư là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt. Đây là một lễ hội được đánh giá có quy mô và sức lan tỏa lớn không những ở Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, được thể hiện rõ nét trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục, tập quán của ngư dân lấy việc đánh cá làm nguồn sống chính của mình. Ngoài ý nghĩa lịch sử, lễ hội còn chứa đựng nội dung sâu sắc về mặt văn hóa – xã hội. Đây cũng là dịp để nêu cao tinh thần làng xã, kết nối cộng đồng. Phần hội không chỉ là các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là dịp để người dân thể hiện tài năng giữa các thôn trong làng, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm, biểu dương lực lượng, sức mạnh của cư dân nhằm gắn kết cộng đồng làng xã. Lễ hội là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần, phật. Đồng thời còn là dịp để người dân gửi gắm vào đó những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, được gió lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng, về cuộc sống thanh bình cùng với ước mong được các vị thần phật phù trợ, che chở, gia ân công đức, ban phúc cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng cổ ven biển, tái hiện các phong tục tập quán cũng như các nghi thức, nghi lễ truyền thống của người dân cùng các trò chơi dân gian, văn hóa dân gian và các tri thức dân gian khác…
Hằng năm, lễ hội cầu ngư thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự, với 81 dòng họ, 450 chiếc tàu đánh cá của xã Ngư Lộc đều về tham gia lễ hội, với đám rước dài khoảng 2 km và hàng trăm hương án của nhân dân bái lạy Long Châu suốt dọc đường rước về lễ đài, thể hiện lễ hội này là của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, hưởng thụ, thực hành tín ngưỡng với lòng ước mong có cuộc sống tốt đẹp. Bên cạnh đó, lễ hội thể hiện khát vọng của người dân làng Diêm Phố với triết lý “sống hòa – người với biển” mà bao đời cha ông truyền lại. Lễ hội còn phản ánh tín ngưỡng tâm linh và sắc thái văn hóa biển cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong cuộc sống hôm nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Từ khi ra đời đến nay, lễ hội cầu ngư có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân Diêm Phố xưa và Ngư Lộc ngày nay. Nhận thức được điều này, chính quyền và người dân địa phương đã không quản công sức và tâm huyết cùng với các ngành chức năng của tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và cũng là biện pháp tốt nhất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội cầu ngư.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn