‘Lời thì thầm’ từ châu Á và chuyện chàng trai viết sách, xuất bản ở Mỹ

0
103

Tác giả cuốn sách du ký tiếng Anh “Through Asia: A whisper from the East” chia sẻ những trải nghiệm xê dịch, cho rằng không nên đi với cái túi rỗng và “gap year” là việc nên làm.


Tác giả cuốn sách du ký tiếng Anh “Through Asia: A whisper from the East” chia sẻ những trải nghiệm xê dịch, cho rằng không nên đi với cái túi rỗng và “gap year” là việc nên làm.

Từng đối mặt với những chông chênh ở tuổi 30, từng mắc kẹt với sự lựa chọn chưa bao giờ đơn giản “từ bỏ hay tiếp tục”, Nguyễn Huy Tâm đã tìm thấy cho mình lời giải đáp, cùng với những chuyến đi.

Anh đi nhiều, đông tây đủ cả, và đã cho ra đời 2 cuốn Bước qua thành phố lạ và cuốn sách du ký mới nhất viết bằng tiếng Anh Through Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông).

Những câu chuyện của anh không đánh động người đọc ở kho hình ảnh đồ sộ, cũng không phải là kiểu Wikipedia tràn ngập thông tin, càng không phải kiểu Lonely Planet mang tính chỉ dẫn. Đó là những quan sát rất tỉ mỉ, những cảm nhận rất sâu sắc và những góc nhìn rất khác biệt, được thể hiện qua lối viết giản dị như chính anh.

30 tuổi bắt đầu đi

– Gần đây, travel blogger nổi lên như là một nghề rất “hot”, và dường như danh xưng này rất hợp với anh.

– Tôi thấy travel blogger thực ra chia làm hai nhóm, một nhóm là đi để kiếm tiền, còn một nhóm là đi để có được trải nghiệm. Trải nghiệm đó có thể giúp ích cho công việc, có thể giúp họ thành công hơn, nhưng cũng có thể chỉ là để làm giàu vốn sống của họ. Cả hai nhóm tồn tại song song với nhau trong một thị trường rất sôi nổi như hiện giờ. Còn tôi thì có thể xếp vào một nhóm khác, đơn giản tôi chỉ muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình mà thôi.

tac gia nguyen huy tam anh 1
Nguyễn Huy Tâm là tác giả 2 cuốn Bước qua thành phố lạ và cuốn sách du ký mới nhất viết bằng tiếng Anh Through Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông).

– Anh đã đặt chân đến những nơi nào?

– Ra trường đi làm, sau 30 tuổi rồi tôi mới bắt đầu đi. Tôi bắt đầu từ những nơi gần trước như Campuchia, Thái Lan rồi đến những nơi xa hơn như Hong Kong, Nhật Bản rồi đến châu Âu. Xong rồi đi Mỹ. Rồi lại tiếp tục đi những nơi xa xôi ít thân thuộc hơn như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Cuba.

– Như tôi thấy thì thế hệ 9X, 10X hiện nay, các bạn đã bắt đầu xê dịch từ rất sớm. Còn anh thì sau khi đã lăn lộn với cuộc sống rồi mới bắt đầu xê dịch?

– Ừ, ngày xưa có những khó khăn về thông tin, về địa lý, về kinh tế. Và gia đình tôi cũng không phải là quá khá giả để tôi có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn. Tôi đã phải mất bảy năm đi làm mới có chuyến đi đầu tiên, đến Campuchia. Lúc đó mình còn mù màu về thế giới lắm, lúc nào mình cũng bị người ta răn đe là sẽ cực kỳ rủi ro khi đi một mình. Sau 30, tôi mới cảm thấy đã được chuẩn bị đầy đủ, nhất là về tiền nong, rồi đến sự dũng cảm để đi đây đó.

– Vậy thì không thể nào nói theo kiểu là đi du lịch với một cái túi “rỗng” đúng không? Tôi vẫn nghe đâu đấy người ta nói rằng cứ xách balo lên và đi, xem chừng việc đông đi tây cũng đơn giản thôi.

– Tôi sẽ không có quyền bài bác một ý tưởng nào hết. Nhưng chuyện vác balo lên và đi nghe thì tưởng chừng đơn giản nhưng thiệt ra nó không đơn giản như vậy. Tôi không ủng hộ chuyện “làm ăn mày” ở một đất nước xa lạ. Tại sao? Khi các bạn đi đến nước khác mà không chuẩn bị đủ về tài chính, kiến thức cũng như dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống địa phương thì điều đó khiến các bạn giống như ăn mày vậy đó. Điều đó là không nên.

Chúng ta cầm tấm hộ chiếu Việt Nam bước ra thế giới là chuyện rất tốt, song chúng ta cũng nên tìm kiếm cho mình những trải nghiệm đáng quý, và đi xong rồi có thể biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Đi để có những trải nghiệm để giúp ích cho công việc, để mình thăng hoa, chứ không phải đi để về không biết phải làm cái gì tiếp theo hết, tương lai mờ mịt. Tôi nghĩ là đó là đi có trách nhiệm, đi để có tri thức, để giúp mình trở nên tốt hơn mình của ngày hôm qua.

– Quay lại chuyến đi nước ngoài đầu tiên, anh còn nhớ điều gì nhất về lần xuất ngoại đó của mình?

– Trước khi có chuyến đi đầu tiên, tôi có quen một cô bạn người Pháp. Cô ấy còn trẻ nhưng đã đi rất nhiều nơi. Cô ấy nói là nếu tôi đang cảm thấy “mắc kẹt”, thì hãy cứ đi đi, cố ấy sẽ chỉ cho nhiều nơi đẹp. Và lúc đó tôi “mắc kẹt” thật, cảm thấy nếu mình không đi thì mình sẽ bị mắc kẹt lại đây mãi và có khi sẽ chết ở đây luôn. Thế nên tôi quyết tâm đi.

Chuyến đi đầu tiên là đi Campuchia, gần và rẻ thôi. Nhưng cái quan trọng đối với mình không phải là rẻ hay mắc nữa, mà là mình nhìn thấy được những thứ khác biệt. Càng đi xa càng đi nhiều thì mình càng tôn trọng những sự khác biệt đó. Những thứ đang xảy ra hàng ngày có muôn hình vạn trạng. Những thứ ấy làm cho thế giới quan của mình trở nên sinh động hơn, và mình cảm thấy mình hạnh phúc hơn.

– Thế còn chuyến đi nào là anh thấy mình liều lĩnh nhất từ trước đến nay?

– Chuyến đi đến châu Phi. Đó là những ngày không tưởng tượng được luôn. Tôi sống một mình trong một căn lều ở giữa safari, không có ngăn cản với loài thú. Thú có thể đi xung quanh mình vậy đó. Rồi tôi đi đến những vùng có rất nhiều người có H, mà đối tượng nguy hiểm nhất ở đó lại là cảnh sát. Họ có thể bắt mình để tống tiền.

Trải nghiệm là tích lũy giá trị nhất

– Chuyến đi đó có thể xem là bước ngoặt đối với nhận thức của anh về thế giới và về con người chưa?

– Không, tôi nghĩ đó là chuyến đi Mỹ. Có thể nói, sau chuyến đi dài hơn hai tháng ở Mỹ, con người tôi thay đổi hết luôn. Lúc đó tôi đến Mỹ là để tìm việc. Tôi đi liên tục tới rất nhiều thành phố trong tháng đầu tiên. Sau đó thì tôi về Cali (bang California, Mỹ), làm việc trong một nhà hàng Việt Nam, rồi ở đó tôi gặp người này người nọ, họ giới thiệu công việc rồi tôi đi làm.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ là làm ở đâu cũng được, chỉ đơn giản là được làm ở nơi không ai biết đến mình hết. Song sau đó thì mọi thứ thay đổi. Khi mà những cái mới mẻ qua đi, những thứ khác xâm chiếm. Buồn, nhớ nhà. Và điều kinh khủng nhất là tôi thật sự không biết mình là ai khi ở đấy.

Ở Việt Nam, mình có một chỗ đứng vững chắc, nhưng khi sang đây, không ai biết đến mình, mình chỉ là một hạt cát trên sa mạc. Như một người vô danh vậy đó. Mình đi ra ngoài, trên đường phố có thể có rất nhiều người “say hello” với mình, nhưng mình thật sự không biết ai cả. Cảm giác như mình bị lạc mất nguồn gốc của mình, và điều đó thật sự kinh khủng. Sau đó, tôi quyết định sẽ về Việt Nam. Về không phải là vì tôi trụ không nổi ở đó, mà vì tôi tự hỏi “ở lại để làm gì” mà thôi.

– Chuyến đi ấy là lúc anh bao nhiêu tuổi?

– 33 tuổi.

– 33 tuổi, tức đã qua cái tuổi mà các cụ hay gọi là “tam thập nhi lập” rồi, nên “ổn định” rồi. Song tôi nghĩ đó cũng là tầm tuổi mà người ta hay thấy chông chênh với mọi thứ. Có vẻ như anh đã cũng đã từng chông chênh khi bước sang tuổi 30?

– Tôi nghĩ những năm từ 30 đến 33 tuổi là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Khó khăn không phải là công việc mình làm không được hay sao, mà là ở chuyện mình tự hỏi, mình có đang đi đúng hướng không, mình là ai và bên ngoài như thế nào. Đó là giai đoạn mà mình mù mờ về mọi thứ, về chính bản thân mình.

Lúc đó, tôi cứ tự hỏi là mình đang làm một công việc một ngày 8 tiếng, một năm tăng 5% lương, vậy thì 10 năm nữa mình sẽ ra sao. Và tôi cực kì cực đoan với chuyện đó. Không biết nghề có phù hợp với mình hay không, tương lai nghề sẽ ra sao, mình sẽ đi về đâu. Chính những chuyến đi đã giải đáp những câu hỏi đó, giúp tôi cân bằng cuộc sống và công việc.

“Tôi nhận ra chuyện kiếm tiền rất quan trọng, nhưng tích lũy có giá trị nhất trong một đời người là kiến thức, là trải nghiệm”.

– Lời giải đáp mà anh nhận được là gì?

– Tôi nhận ra chuyện kiếm tiền rất quan trọng, nhưng tích lũy có giá trị nhất trong một đời người là kiến thức, là trải nghiệm. Trong những năm đi làm, mình có tiền rồi thì nên dùng tiền đó để học những cái mới mẻ, đi những nơi mình muốn đi.

Những trải nghiệm có được, ngược trở lại, sẽ có thể giúp mình trong sự nghiệp. Nhìn từ bản thân tôi, chuyện trải nghiệm nhiều, có nhiều kiến thức cũng giúp tôi được tăng lương.

Có những người sẽ thích những bạn có trải nghiệm hơn là những bạn cần cù chăm chỉ. Thời buổi này là thời buổi của thông tin, nên các bạn đi nhiều, thu thập nhiều thông tin thì các bạn sẽ thắng thôi.

Vả lại chuyện băng qua biên giới đã không còn khó nữa. Tôi nghĩ bây giờ biên giới nằm ở chỗ thông tin chứ không phải nằm ở mặt địa lý. Và khi thông tin phát triển thì biên giới càng ngày bị xóa mờ đi. Và nếu chúng ta có đầy đủ thông tin thì có thể kiểm soát việc đó. Biên giới lớn nhất là biên giới trong đầu của mỗi người. Mình tự ngăn mình lại. Mình ngăn cản bản thân mình tiếp cận với thế giới thì đó còn đáng sợ hơn cái biên giới thật ở ngoài kia.

– Vậy thì anh nghĩ gì về việc nghỉ việc một thời gian, chẳng hạn sáu tháng một năm để đi đây đi đó, giống như “gap year” vậy?

– Theo tôi, “gap year” là việc cực kì cần thiết. Và tôi cũng đang áp dụng nó trong cuộc đời mình bằng cách là làm việc thật chăm chỉ rồi sau đó sẽ đi. Đi không phải là để đi chơi, mà là đi để học. Sau mỗi lần “gap year” đó, mình học hỏi được nhiều thứ, thế giới mỗi ngày đều thay đổi. Đó cũng là cơ hội để mình tìm thấy bản thân mình nữa.

– Giả sử có một người khuyên anh là nếu không thấy thích thú với công việc hiện tại nữa thì hãy từ bỏ, dù là bao nhiêu tuổi, anh nghĩ như thế nào về việc này?

– Từ trải nghiệm cá nhân của tôi thì tôi thấy nếu bạn không còn đam mê với chuyện đấy nữa thì nên thay đổi. Nhưng lúc đó nếu mình đưa ra bất cứ quyết định nào thì cũng dễ mắc sai lầm, vì nó có thể chỉ là cái cớ để mình trốn tránh hiện tại mà thôi. Có thể chúng ta nên đến những nơi nhẹ nhàng, thư giãn để có thêm thời gian dành cho bản thân, suy nghĩ rồi hãy quyết định có nên đổi việc hay không.

– Nhưng “vùng an toàn”, đúng như tên của nó, không phải là nơi để ai đó có thể dễ dàng bước ra như những lời khuyên, đúng không? Rốt cuộc thì phần lớn chúng ta đều muốn được bình yên…

– Cái gì thì cũng có được và mất. Thoát ra được vùng an toàn chưa chắc sẽ giúp bạn tốt hơn. Nhưng nếu không thoát ra thì mãi mãi sẽ bị mắc kẹt trong đó, và chắc gì bạn sẽ bình yên? Thế giới này có người này có người kia, có người mạnh mẽ có người yếu đuối, có người thích an toàn, có người thích mạo hiểm. Và tôi thấy điều này thú vị mà.

Tìm thấy bản thân

– Vậy để có thể bước ra khỏi vùng an toàn một cách có hiệu quả thì anh nghĩ chúng ta nên chuẩn bị những gì?

– Có ba yếu tố chính để đưa ra được một quyết định. Thứ nhất, là tài chính, một vấn đề cực kì quan trọng. Muốn đi thì phải có tiền mà đi. Thứ hai, là kiến thức. Đi phải dùng cái đầu chứ không phải đôi chân. Khi mình có đủ kiến thức về một nơi nào đó thì mình sẽ sẵn sàng cho những tình huống có thể gặp phải. Thứ ba là sức khỏe. Khỏe thì mới đi được.

“Tôi vẫn ngày ngày làm công việc chuyên môn, còn chuyện xê dịch chỉ là khoản cộng thêm không thể thiếu mà thôi”.

– Liệu đã bao giờ anh nghĩ anh sẽ từ bỏ công việc hiện tại để trở thành một travel blogger chuyên nghiệp, cũng là một cách để bước ra khỏi vùng an toàn của anh?

– Thực ra trở thành travel blogger chuyên nghiệp cũng không phải dễ đâu, cũng phải cần nhiều điều kiện hội tụ lắm. Không phải một ngày thức dậy là mình thành travel blogger đâu. Song tôi không hướng theo con đường đó vì bản chất tôi biết gốc rễ mình nằm ở đâu và gốc rễ tôi là dân tài chính. Tôi vẫn ngày ngày làm công việc chuyên môn, còn chuyện xê dịch chỉ là khoản cộng thêm không thể thiếu mà thôi.

Tôi nghĩ làm cái gì thì làm, một khi đi lạc rồi thì không quay lại được nữa, bởi vậy nên hiểu rõ gốc rễ của mình ở đâu. Cá nhân tôi không chọn đi con đường đó vì tôi biết tôi sẽ không sẵn sàng hy sinh đánh đổi một số thứ, tôi sẽ không chịu được những áp lực trên con đường đó.

– Nhưng người ta bỏ tiền cho mình đi, không phải cũng rất đáng thử sao?

– Tôi không rõ người khác nhưng với tôi, đi chỉ là để tìm thấy bản thân mình thôi. Tôi không yêu cầu gì nhiều ở những nơi mình đi hết và càng không muốn bị ai đó hay điều gì đó chi phối. Đi đâu cũng được, chỉ là công cụ để mình tìm thấy bản thân mình, khi mình nói chuyện với người địa phương chẳng hạn. Có người cứ nghĩ đi chơi là phải ghê gớm lắm, phải đi nước ngoài, đi những chỗ nổi tiếng. Không, tôi chỉ là tách mình ra khỏi những gì quen thuộc. Tôi muốn đi nước ngoài vì tôi không muốn nghe tiếng Việt nhiều trong lúc mà mình suy nghĩ.

– Travel blogger, sở dĩ trở thành xu hướng, là vì thời nay việc lên mạng xã hội cho biết mình đã “check-in” chỗ này, bay đến chỗ kia, cũng là một sự cám dỗ. Anh nghĩ sao?

– Tôi nghĩ là tùy mục đích của từng người trong chuyến đi đó thôi, mà thường thì họ thiếu cái gì thì họ sẽ khoe cái đó. Cái khát khao chứng minh bản thân mình lớn hơn tất cả những khát khao khác. Giả dụ như họ chưa bao giờ giàu có, khi họ giàu rồi họ muốn khoe ngay. Họ chưa bao giờ đi du lịch, rồi họ được đi thì họ muốn cho cả thế giới biết điều đó.

Còn tôi thì không, với tôi đi là trải nghiệm. Tất nhiên là việc chụp hình check-in là chuyện cơ bản trong chuyến du lịch, ai cũng làm chuyện đó chứ ko riêng gì mấy bạn “sống ảo”. Nhưng điều đáng nói là, người ta đi nhiều hơn, trải nhiều hơn, cái tôi của họ lắng xuống.

tac gia nguyen huy tam anh 9
Đi đâu cũng được, chỉ là công cụ để mình tìm thấy bản thân mình.


Châu Á là nhà

– Chuyến đi Mỹ, như anh nói, rất quan trọng đối với thế giới quan của anh. Châu Phi lại có vẻ rất hợp và mới mẻ để viết sách du ký. Tại sao anh chọn viết về châu Á trong cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của mình?

– Lý do cũng đơn giản. Sách hướng đến đối tượng độc giả phương Tây thì tôi nghĩ tôi nghĩ họ sẽ quan tâm châu Á hơn là Âu hay Mỹ. Hai là tôi muốn viết về nhà của mình hơn. Đơn giản vậy đó. Tôi là người châu Á, nhà của tôi là nhà châu Á, tôi chỉ muốn giới thiệu với mọi người tôi có một cái nhà vừa bí hiểm, vừa đẹp, vừa nhiều thứ để khám phá. Nếu đã quen thuộc với Âu Mỹ rồi thì hãy đến nhà tôi chơi.

– Trong những nước châu Á anh đi qua, anh ấn tượng nhất những nước nào và những điểm gì?

– Mình nói về Bhutan đi. Đó là một nước khá xa lạ với thế giới, người ta ăn chay và người ta sống dựa vào thiên nhiên, đạo Phật được tôn sùng, và người ta hạnh phúc nhất thế giới vì người ta không suy nghĩ gì hết. Tuy nhiên đó chỉ là mặt phải thôi, còn mặt trái vẫn có những vấn đề về bạo lực gia đình, về phụ nữ, cái nghèo. Tôi thích nước này lắm vì quá đẹp, nhưng quan trọng hơn là thích cách người dân họ nhìn nhận về sự nghèo khổ và đối diện với nó.

Tôi cũng thích Lào vô cùng. Thành phố mà tôi muốn đến nhất và đến nhiều lần thì vẫn là một trong những thành phố của Lào. Tại vì bây giờ trong khi những nước khác bị khai thác du lịch quá nhiều, Lào còn khá bí ẩn. Cách người ta làm du lịch ở Lào rất gắn kết với tự nhiên. Người ta hạn chế làm du lịch hoành tráng, chỉ là một cái phao bằng ruột xe, bơm phồng, nằm trên đó trôi tám cây số trên một dòng sông yên bình lặng lẽ, thưởng thức chai bia và ngắm nhìn hai bên là núi rừng, mây giăng khói tỏa.

– Từ “Bước qua thành phố lạ” cho đến “Through Asia: A whisper from the East” thì anh thấy bản thân mình thay đổi như thế nào?

– Cuốn Bước qua thành phố lạ tôi viết cho tôi nhiều hơn. Và tôi đã luôn nghĩ đó là cuốn sách duy nhất trong cuộc đời tôi. Cuốn đó tôi viết cho mình, nên dư luận khen chê gì tôi không quan tâm lắm. Đó như là quyển nhật ký cá nhân, lưu giữ hành trình mình đi qua vậy đó.

Song qua cuốn Through Asia, tôi có một mục tiêu khác, tôi viết cho người ta. Tôi viết để những người bạn trên thế giới biết về châu Á, biết về Việt Nam. Và đặc biệt, tôi muốn cho người ta thấy là, thế hệ trẻ Việt Nam giỏi lắm, chúng tôi đã trải chiến tranh, đói nghèo, và bây giờ có thể đi ra thế giới. Đó là hình ảnh về Việt Nam tôi muốn giới thiệu.

tac gia nguyen huy tam anh 10

Sách Through Asia: A whisper from the East được xuất bản tại Mỹ vào tháng 2/2020. Ảnh: NVCC.

Và tôi cũng muốn cho các bạn trẻ thấy là, nếu các bạn lao động nghiêm túc, luôn có con đường cho các bạn. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm sao để xuất bản được một cuốn sách ở Mỹ, vì tôi đi con đường đó để có thể chỉ lại được cho các bạn, chứ không hẳn là chỉ vì bản thân mình. Nếu không có những thứ này, tôi vẫn làm việc, vẫn sống và vẫn tiếp tục đi. Nhưng tôi muốn chứng minh là chúng ta có mọi cách để làm, có người đi trước thì có người đi sau, và nhiều người vẫn có thể làm được.

Không phải là cũng có tiền và nổi tiếng nữa sao?

– Tôi sẽ có được 10% giá bìa cho mỗi cuốn bán ra (cười). Sách tôi được bán ở nhiều hiệu sách lớn và cả trên Amazon. Và có thể đi được một chuyến khác nữa nhờ vào tiền bán sách này.

– Có những người cũng đi nhiều, chụp ảnh đẹp nhưng khi chia sẻ lại khiến người ta cảm thấy là khoe khoang hơn là truyền cảm hứng. Nếu anh tự nói về văn phong của mình, anh sẽ nói gì?

– Cách tiếp cận của tôi là cách tiếp cận gần gũi và mang đến thông điệp tích cực. Chẳng bao giờ tôi chê trách một cái gì cả, bởi vì cái gì cũng có hai mặt của nó, và quan trọng là cách tiếp cận của mình. Bản thân chuyện đi du lịch cũng là gần gũi như chuyện ăn uống ngủ thôi. Và mình cũng chẳng phải là một nhà văn chuyên nghiệp – đơn giản mình là người thích đi và thích chia sẻ vậy thôi.

– Anh viết như thế nào?

– Tôi không bao giờ viết liền ngay lúc đi. Sau chuyến đi một tuần hay một tháng tôi ngồi lại, cái gì còn lại trong đầu mình chính là thứ ấn tượng nhất, cái gì trong mặt bằng nó trồi hẳn lên trên luôn, thì đó chính là thứ tôi ghi lại. Tôi tiếp cận theo hướng: cảm xúc nào nhiều hơn cảm xúc khác, và con người nào trong chuyến đi đó đặc biệt hơn cả thì tôi chọn ghi lại.

– Thời gian từ khi liên lạc với nhà xuất bản ở Mỹ cho đến khi sách ra đời kéo dài bao lâu?

– Tôi phải gửi đi ít nhất là 70 email cho 70 đối tác ở Mỹ, Canada và Anh. Và cho đến khi cuốn sách được ra mắt thì mất hai tháng. Tất nhiên là quá trình này không hề đơn giản.

– Sắp tới anh sẽ ra mắt một cuốn sách nữa chứ?

– Sau Through Asia, tôi muốn dành một chút thời gian để nghỉ ngơi, tìm kiếm các ý tưởng mới và các địa điểm thú vị. Nhưng tôi sẽ tiếp tục viết để chia sẻ nhiều hơn với mọi người.

– Một lần nữa chúc mừng anh với cuốn sách mới và cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn