Một cậu con trai bỏ lỡ cuộc gọi cuối cùng của mẹ trước khi mất, một người chồng đau đáu vì không thể cho vợ một cuộc sống đủ đầy hơn… Nỗi nhớ nhung còn mãi trong tim người ở lại.
Đã là nỗi đau thì không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào, chỉ khác cách người ta đón nhận và bước qua. Những câu chuyện dưới đây chỉ là một phần nhỏ trong nỗi đau chung của rất nhiều gia đình có người thân tử vong trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM.
Cuộc gọi cuối cùng
Em tên là Huỳnh Anh Khôi, mẹ em mất ngày 11/8, trước đó không lâu bà ngoại cũng mất vì Covid-19.
Ban đầu chú em bị nhiễm nhưng không biết nên lây cho bà ngoại, sau khi bà mất, thì tất cả các thành viên trong nhà đều nhiễm bệnh.
Ngày 23/7, hai cha con em đi cách ly, còn mẹ được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe chuyển biến xấu. 9 ngày trong khu cách ly với em là 9 ngày ác mộng. Em thường xuyên nhắn tin để hỏi thăm tình hình của mẹ.
Một hôm em nhận được dòng tin nhắn từ mẹ: “Nếu mẹ có chuyện gì, mẹ có để lại mấy triệu đồng, hai cha con lấy mà xoay xở”. Em sợ lắm! Lúc bà ngoại mất, mẹ từng nói với em người sắp chết thường có linh cảm đặc biệt.
Đêm 10/8, vào lúc 20h25 mẹ gọi cho em nhưng em đã không nghe máy. Lúc sau, nhìn thấy cuộc gọi nhỡ, em tự nhủ sáng mai sẽ gọi lại cho mẹ. Nhưng em đâu biết đó là cuộc gọi cuối cùng của mẹ.
Sáng hôm sau, mẹ em qua đời tại bệnh viện.
Nhiều tuần sau đó em không muốn nói chuyện với ai, chỉ muốn ở một mình. Trước đây, mỗi lần đi chơi xa, em thường mua quà tặng cho mẹ. Khi là con gấu bông, khi là cái sợi dây đeo cổ. Có lần em hỏi mẹ: “Ủa, cái ví con mua cho mẹ đâu?”. Mẹ cười, nói: “Xấu quá ai thèm xài”. Lúc mẹ mất, em mở tủ của mẹ ra, những món quà em tặng được mẹ cất kỹ không thiếu món nào.
Ngày thành phố nới lỏng giãn cách, ba chở em đến chùa thăm mẹ. Đi qua từng nẻo đường thành phố, những ký ức của mẹ lại hiện về. Em nhớ cảm giác được ngồi phía sau mẹ. 16 năm qua, mẹ hy sinh cho em quá nhiều.
Chiều 23/7, xe cấp cứu đến nhà đưa mẹ đi, hôm đó trời đổ mưa lớn. Lúc đi ra, mẹ ngoảnh lại nhìn em, đó là lần cuối em được nhìn thấy mẹ.
Tuyết ơi!
Tôi tên là Phạm Minh Dũng, vợ tôi qua đời ngày 27/6 vì nhiễm Covid-19.
Giữa tháng 6 nhiều hộ dân trong hẻm bị nhiễm Covid-19, gia đình tôi 4 thành viên phải vào bệnh viện thu dung điều trị. Ban đầu, tôi và vợ được nằm cùng một phòng, nhưng sau khi trở nặng, vợ tôi được đưa xuống phòng cấp cứu.
Một ngày sau đó tôi cũng được đưa vào phòng cấp cứu. Kể từ thời điểm đó tôi mất liên lạc với vợ. Khi sức khỏe dần hồi phục, tôi tìm đến từng phòng trong bệnh viện để hỏi thăm tin tức của vợ. Nhưng vô vọng.
Mãi đến khi tôi khỏe hẳn và được trở về nhà, chị dâu mới nói cho tôi biết vợ tôi đã qua đời trong bệnh viện. Lúc đó, tôi đã không muốn sống nữa. Bà con lối xóm động viên, họ nói tôi phải ráng sống để lo cho hai đứa nhỏ.
Đau lắm! Tôi khóc hoài. Tôi cạo sạch tóc cho nhẹ đầu nhưng lòng vẫn nặng trĩu.
Nhà tôi nghèo. Từ lúc cưới nhau, hai vợ chồng chỉ biết làm lụng nuôi con, ngày lễ hay kỷ niệm tôi đâu có gì tặng cho vợ. Ba năm trước tôi xin đi làm bảo vệ, tích góp 11 tháng tiền lương, tôi mua một chiếc xe máy tặng cho vợ. Đó là món quà lớn nhất, cũng là duy nhất kể từ lúc cưới nhau.
Lúc nhận quà cô ấy mừng lắm. Vợ tôi còn nói giỡn: “Mai mốt không có xin chạy ké xe nhen!”
Tuyết ơi! Tôi chỉ muốn nói cảm ơn bà vì đã đến bên đời tôi. Và, xin lỗi vì đã không thể cho bà một cuộc sống sung túc hơn.
Mẹ đang ở đâu?
Tôi tên là Trần Thị Thu Ngân, mẹ tôi qua đời vào ngày 27/7 vì nhiễm Covid-19.
Trung tuần tháng 7, tôi và mẹ bị nhiễm Covid-19 và phải tự điều trị tại nhà vì y tế quá tải. Mẹ tôi năm nay đã 76 tuổi rồi, bà mang bệnh tiểu đường nên tôi rất lo lắng. Nhiều hôm ăn uống không nổi, tôi nôn hết thức ăn nhưng phải ráng chống chọi để chăm cho mẹ.
Cầm cự ở nhà được một tuần thì mẹ tôi trở nặng. Nỗ lực gọi cho y tế, cuối cùng, mẹ con tôi cũng được nhập viện.
Đêm trước khi vào viện, mẹ tôi lâm vào tình trạng mê sảng. Chốc chốc bà lại gọi: “Ngân ơi, mẹ đói quá!”, “Ngân ơi, sao lần bệnh này mẹ mệt quá!”. Tôi vừa động viên mẹ, vừa phải tự trấn an bản thân rằng hai mẹ con rồi sẽ ổn.
Ba ngày sau điều trị, tôi được xuất viện, còn mẹ vẫn nằm ở phòng. Tôi xin bác sĩ cho phép ở lại chăm bà, nhưng không thể. Trước lúc ra về, tôi đứng ngoài hành lang nhìn vào dãy phòng, trong lòng mơ hồ, không biết mẹ nằm ở đâu, sức khỏe ra sao?
Chiều 11/8, phía bệnh viện gọi thông báo mẹ tôi đã qua đời.
Có lần hai mẹ con ngồi tâm sự với nhau, mẹ nói vu vơ: “Không biết mẹ còn sống được bao lâu với con cháu”. Tôi cười xuề xòa: “Mẹ còn khỏe lắm, còn sống lâu lắm”. Mẹ lắc đầu nói: “Cuộc đời đâu biết trước được, nhiều khi nay mẹ còn ngồi đây, mai mẹ đã đi xa”.
Ngôi nhà giờ đây lạnh lẽo và trống trải.
Bước tiếp
Tôi tên là Nguyễn Thị Nhiều, 3 người em ruột và 2 người cháu của tôi đã qua đời vì Covid-19.
Đầu tháng 7, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp, tôi đành dọn về ngôi nhà của mẹ ở quận 4 để sống cùng các anh chị em. Không lâu sau đó cả nhà chúng tôi đều nhiễm bệnh.
Chúng tôi, mỗi người được đưa đến một nơi để chữa trị. Được tin em gái qua đời, tinh thần tôi suy sụp.
Ít ngày sau, tôi lại đón tin dữ, một người em gái và em trai cũng không qua khỏi.
Đau lòng nhất là hai mẹ con cháu gái, em bé mới sinh ra 4 ngày đã qua đời, 2 tuần sau người mẹ cũng trút hơi thở cuối tại bệnh viện.
Tất cả đều ra đi trong đơn độc, không người thân bên cạnh, không một lời trăn trối cuối cùng.
Nỗi đau chồng nỗi đau, có lúc tôi nghĩ mình đã không thể vượt qua nỗi. Tôi cố quên thực tại khốc liệt này nhưng mỗi trở về nhà, nước mắt không kìm được. Dịch bệnh quá tàn nhẫn.
Nhìn những đứa cháu phải bơ vơ không ai nương tựa, tôi tự nhủ mình phải sống để thay các em nuôi nấng tụi nhỏ thành người.
Lần cuối ngồi bên nhau
Tôi tên là Phạm Thị Hồng Hạnh, ngày 27/7, cha tôi qua đời. Một ngày sau, mẹ tôi cũng ra đi vì Covid-19.
Gia đình tôi trọ cùng nhau trong một con hẻm ở quận 4. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, ba và mẹ đều có biểu hiện ho sốt, nhưng ban đầu chúng tôi không biết nhiều thông tin về dịch Covid-19. Tôi cứ tưởng ba mẹ chỉ cảm sốt thông thường nên đi mua thuốc.
Sau lần đột quỵ, sức khỏe của cha tôi yếu dần. Không chống chọi được bệnh tật, ông trút hơi thở cuối vào ngày 27/7.
Đêm hôm đó dù rất mệt, mẹ vẫn cố lê từng bước sang phòng của cha, mẹ ngồi cạnh cha lần cuối, không nói lời nào.
Sáng hôm sau, tôi gọi điện nhờ y tế đến đưa mẹ đi bệnh viện vì sức khỏe bà đã quá yếu. Thế nhưng, mẹ đã không thể đợi được xe cấp cứu đó.
Tôi làm một khung ảnh chung cho cha, mẹ và tự an ủi bản thân rằng dẫu đau đớn nhưng cuối cùng cha, mẹ cũng được ở cạnh nhau.
Nguồn: News.zing.vn