Công việc đối diện với không ít rủi ro, mỗi ngày bà Linh vẫn tìm cách hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các gia đình có F0, F1 đang tự điều trị và cách ly tại nhà.
Sáng sớm ngày 8/9, trong lúc chuẩn bị sang quận 7 hỗ trợ cho một gia đình F0, bà Mỹ Linh nhận được cuộc điện thoại của chị Nương – người hàng xóm ở khu trọ đối diện.
– Chị Linh ơi, cha chồng em mất rồi!
Giọng người phụ nữ nghẹn lại, dần mất bình tĩnh. Thời điểm đó, chồng chị Nương vẫn đang phải thở máy trong bệnh viện dã chiến, chị vừa khỏi bệnh được vài hôm. Không có bà con thân thích ở gần, người phụ nữ chưa biết xoay xở thế nào.
– Giờ em phải làm sao đây chị? Em rối quá.
– Em bình tĩnh. Bây giờ, chị sẽ giúp em liên hệ với phường, nếu ông mất vì Covid-19 thì bên quân đội sẽ lo phần mai táng. Em đừng quá lo lắng! – Bà Linh cố gắng trấn an người hàng xóm.
Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng
Một lúc sau, cơ quan chức năng có mặt tại dãy nhà trọ nằm trong khu dân cư Dân An (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Xác định cha chồng chị Nương dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng quân đội đã nhanh chóng khâm liệm và đưa thi thể đến trung tâm hỏa táng.
Chiếc bàn thờ được lập tạm giữa mùa dịch. Trong tình cảnh khó khăn, các gia đình F0 rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ hàng xóm. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Bàn thờ được dựng tạm trong căn trọ chật hẹp. Thắp một nén hương cho cha, chị Nương ngồi thẫn thờ một lúc lâu. Từ khi dịch bệnh bùng phát, tai ương liên tiếp xảy đến, vợ chồng chị mất việc làm, đứa con gái phải nghỉ học vì không còn tiền đóng học phí. Hôm nay, cha vừa qua đời, chồng chị vẫn đang giành giật sự sống trong bệnh viện.
“Nếu không có chị Linh giúp đỡ, tôi không biết phải làm sao. Tôi ít học, chữ nghĩa không biết, tới khi gặp chuyện cũng không biết liên lạc với y tế bằng cách nào”, chị Nương nói.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (54 tuổi) là kỹ thuật viên châm cứu, từ ngày dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP.HCM, phòng khám tạm ngừng hoạt động, người phụ nữ dành thời gian hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và những gia đình F0 điều trị tại nhà.
Mỗi ngày, bà Linh đều tất bật với công việc, khi thì chăm sóc cho cụ già neo đơn mắc Covid-19, lúc chạy đi mua lương thực, sữa, thuốc men tiếp tế cho các F0 đang điều trị tại nhà…
Bà Linh còn phối hợp cùng tổ dân phố phân phát lương thực, vật tư y tế cho các hộ khó khăn trong khu phố. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Túi rác nào của F0 thì em ghi ở bên ngoài cho anh chị thu gom rác biết nhé!”.
“Cố gắng giữ tinh thần lạc quan và giữ nhà cửa thông thoáng”.
“Chị gửi 2 chai cồn, mọi người để ở bên ngoài dãy trọ, ra vào thì nhớ xác khuẩn”.
Đó là những lời dặn dò bà Linh liên tục lặp lại trong những chuyến viếng thăm của mình. Mỗi lần đến hỗ trợ gia đình nào, bà Linh đều thăm hỏi tình hình sức khỏe và cẩn thận hướng dẫn người dân các biện pháp để phòng dịch.
Công việc đối mặt với nhiều rủi ro lây nhiễm, vì vậy, người phụ nữ này luôn bảo hộ kỹ lưỡng và giữ khoảng cách an toàn. Với những ca tiếp xúc gần, cuối ngày bà sẽ ghé trạm y tế phường để xét nghiệm trước khi về nhà.
“Những hôm tiếp xúc gần với F0, sau khi về đến nhà, tôi sẽ đi thẳng vào phòng, tránh tiếp xúc với các con. Ngày hôm sau, tôi sẽ tự xét nghiệm nhanh trước khi rời khỏi nhà”, bà Linh chia sẻ.
Sống để thương nhau
Khoảng thời gian trước khi thành phố siết chặt giãn cách, mỗi ngày bà Linh đều đặn nấu các suất ăn gửi đến lực lượng tuyến đầu và tình nguyện viên ở các chốt kiểm dịch. Toàn bộ chi phí bà tự chi trả bằng tiền cá nhân.
“Mình có bao nhiêu thì hỗ trợ cho bà con bấy nhiêu. Chừng nào không đủ sức nữa thì ngừng, chứ kêu gọi quyên góp nghĩa là phải có trách nhiệm và đôi khi là áp lực với số tiền đó”, bà Linh chia sẻ.
Chiến sĩ công an Văn Minh (công an phường 5, quận 3) luôn nhiệt tình giúp đỡ bà Linh trong công tác hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Sau ngày 23/8, bếp thiện nguyện của bà Linh tạm ngừng hoạt động. Người phụ nữ chuyển sang hỗ trợ nhu yếu phẩm cho y bác sĩ và bệnh nhân. Đều đặn mỗi tuần, bà Linh chuẩn bị một số lương thực và nhu yếu phẩm gửi đến bệnh viện điều trị Covid-19 ở huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Vốn là mẹ đơn thân, vừa chăm lo trong nhà, vừa làm việc ngoài xã hội, bà Linh đã quen với áp lực. Việc hỗ trợ F0 hay lực lượng tuyến đầu đôi khi chiếm trọn thời gian của bản thân, nhưng người phụ nữ luôn cảm thấy hạnh phúc vì được góp sức chống dịch.
“Lúc sinh thời, mẹ tôi thường giúp đỡ các cô chú khó khăn trong xóm. Mẹ luôn dạy chúng tôi rằng sống là để thương nhau”, bà Linh tâm sự.
Thấy mẹ nhiệt huyết với công tác thiện nguyện, các con của bà Linh không khỏi lo lắng. Có lần, họ giấu chìa khóa xe để bà tạm ngừng công tác tình nguyện một thời gian.
Trong bữa cơm gia đình, người con bộc bạch: “Mẹ lớn tuổi rồi, ra đường vào thời điểm này rất nguy hiểm”. Bà Linh nhẹ nhàng giải thích: “Để mẹ con mình được bình an ở trong nhà, có rất nhiều người đang ngày đêm làm việc đến kiệt sức. Vậy, nếu có thể giúp được gì, thì nên làm phải không con?”.
Ngày hôm sau, người con đem chìa khóa xe đến phòng trả cho mẹ, và góp thêm một ít tiền để mẹ hỗ trợ người dân.
“Nhưng với điều kiện mẹ phải luôn đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người nhé!”, người con dặn dò mẹ trước khi bà tiếp tục rời nhà, thực hiện công việc tình nguyện của mình.
Nguồn: News.zing.vn