2020 là một năm buồn với du lịch. Sang đến năm 2021, mọi thứ vẫn đang như vậy. Vẫn những công ty vật vờ thoi thóp, những sân bay vắng lặng, những địa điểm quạnh quẽ.
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, với khả năng lây lan và mức độ nghiêm trọng là cực kỳ báo động.
Gần như ngay lập tức, toàn bộ tuyến di chuyển quốc tế giảm hẳn lại. Các quốc gia đóng cửa biên giới, hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ, trong khi nhiều thành phố lớn bước vào phong tỏa. Số ca nhiễm gia tăng, mạng sống con người mất dần qua từng ngày. Nhưng cùng với đó còn là kế sinh nhai của nhiều người bị ảnh hưởng – đặc biệt là những ai phụ thuộc vào du lịch.
Đây cũng là điều dễ hiểu, khi lưu lượng chuyến bay quốc tế tới các sân bay của Mỹ giảm tới 98% trong tháng 4/2020 so với cùng kỳ năm trước đó, rồi đóng băng ở mức này suốt nhiều tháng liên tiếp. Còn theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, nền kinh tế du lịch toàn cầu dự tính sẽ giảm tới 80% khi số liệu năm 2020 được công bố đầy đủ.
Và khi nhìn vào những địa điểm nổi tiếng của ngành du lịch thế giới, chỉ còn lại những câu chuyện đau lòng.
Le Van Hung bước đi chậm rãi, trước căn nhà sương gió dưới rặng dừa thẳng tắp ven biển Hội An với những nỗi niềm riêng. Nhìn về mặt biển tĩnh lặng sau những tháng giông bão, anh hiểu rằng mình có thể đẩy chiếc thuyền thúng ra khơi để bắt cua cá, kiếm chút tiền nuôi sống gia đình.
Người đàn ông 51 tuổi từng là một ngư dân kỳ cựu trên những con tàu cỡ lớn. Nhưng năm 2019, anh quyết định từ bỏ để hỗ trợ con gái vận hành nhà hàng trên cồn cát ven biển khai trương năm 2017 ở Hội An. Nhưng rồi đại dịch đến, du lịch Hội An gặp một cú sốc nặng nề. Cuối tháng 11/2020, một trận bão lớn cũng cuốn nhà hàng của gia đình về với biển khơi.
Giờ đây, giống như rất nhiều ngư dân Hội An từng bỏ nghề để phục vụ du lịch, anh Hùng quay trở lại biển, về với cái nghề anh gắn bó phần lớn thời gian cuộc đời, để kiếm ăn qua ngày.
6 cái miệng trông vào một chiếc thuyền thúng, gia đình của người đàn ông nhỏ thó chỉ vừa đủ kiếm ăn qua ngày. Nhưng nào đã hết. Trận bão cuồng bạo tháng 9/2020, rồi những đợt biển động thời gian gần đây cũng khiến anh Hùng chẳng thể ra khơi, vì sợ chiếc thuyền thúng bé nhỏ chẳng thể chịu nổi.
Ngước mắt nhìn làn sóng vỗ rì rào, anh Hùng tự nhủ: ngày kia là có thể ra khơi được rồi.
Anh Hung sinh ra và lớn lên ở Hội An – thành phố miền Trung Việt Nam, vốn có truyền thống nghề biển trong hàng thế kỷ. 15 năm qua, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đã rót hàng tỉ USD để xây dựng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng sang trọng, trong khi dân địa phương cũng lũ lượt mở nhà hàng, cửa hiệu trong lòng thành phố cổ kính.
Âu cũng bởi, lượng du khách quốc tế đến với thành phố này là cực kỳ đông đảo, khiến bãi biển và khu phố cổ luôn kín người. Năm 2019, 4 triệu du khách đến với Hội An là từ nước ngoài. Và cũng vì quá phụ thuộc vào du khách nước ngoài, đại dịch ập đến đã tạo nên một cú sốc quá lớn.
Khách sạn mọc lên như nấm xung quanh nhà anh Hung tại biển Tân Thanh gần phố cổ. Theo dòng xu hướng, gia đình anh cũng vay mượn mua lại một số địa điểm ven biển để mở ra một nhà hàng lộ thiên ngay cồn cát sau nhà.
Hong Van (23 tuổi), con gái anh Hung, ngày ngày chuẩn bị nguyên liệu phía sau. 2 con trai anh phụ trách nấu nướng, trong khi anh Hung phụ dọn rửa. Công việc bận rộn khiến anh quyết định từ bỏ nghề ngư dân đã gắn bó với mình suốt cuộc đời, với mộng tưởng về cuộc sống tốt đẹp hơn đến từ lượng du khách rất ổn định.
“Tôi đã từng hạnh phúc hơn thật,” – anh Hung trả lời phỏng vấn với New York Times. “Làm việc ở nhà cho tôi một sự thư thái bên gia đình.”
Làm ngư dân, anh Hung kiếm được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Còn mở nhà hàng, thu nhập của anh tăng gấp 5 lần.
Nhưng rồi đại dịch đến, nhà hàng của gia đình anh vắng lặng, trong đợt phong tỏa toàn quốc hồi tháng 4/2020. Dập dịch thành công nhưng chưa kịp tận hương, tháng 7 Việt Nam lại có thêm một làn sóng dịch mới tại Đà Nẵng. Sự vắng lặng tiếp tục quay trở lại.
Tiền tiết kiệm mòn dần, anh Hung hiểu rằng đã đến lúc phải ra khơi. Tháng 8/2020, anh đẩy chiếc thuyền thúng nhỏ bé vượt sóng đánh bắt hải sản. Số tôm cá bắt được, một phần để gia đình ăn, phần còn lại được con gái anh đăng bán trên một trang mạng xã hội. Nhưng biển khơi từ trước đến nay vẫn luôn là nơi đầy rủi ro, nhất là vào mùa mưa.
Bình minh một ngày tháng 3, anh Hùng đẩy thuyền ra khơi, giăng một mẻ lưới chan chứa hy vọng. Anh chỉ thu về một chút cá và cua cỡ nhỏ. Biển cả hôm đó có vẻ keo kiệt, nên anh quyết định chèo thuyền về.
“Cũng chỉ là hy vọng thôi, nhưng cũng chẳng thể biết được biển sẽ cho ta thứ gì.”
Trước kia, nhà hàng Aux Lyonnais là một nơi kinh điển cho giới kinh doanh thành đạt tại Pháp, vì sự thoải mái và khung cảnh sang trọng. Nằm ngay sát Sàn Chứng khoán Paris và tòa soạn báo Le Figaro, nhà hàng hơn 100 năm tuổi mỗi ngày tiếp đón rất nhiều doanh nhân, nhà báo và cả quan chức nhà nước, những người muốn tận hưởng bữa ăn theo phong cách cổ điển nhưng cũng đầy hoa mỹ đặc trưng của Pháp.
Aux Lyonnais của hôm nay, mặt tiền màu đỏ máu trông vẫn vậy, nhưng bên trong thì vắng lặng. Những chiếc bàn gỗ sồi bên trong trống trơn, không lọ hoa, không ly rượu, cũng không có bồi bàn. Một số ghế thậm chí còn được cất vào trong kho.
Quầy bar kim loại sáng trưng, chẳng bày biện thứ gì. Những chiếc gương ngoại cỡ có viền kem được lau sạch, chờ đợi đến thời khắc các nhà hàng của Paris được phép mở cửa trở lại.
Và Alain Ducasse – chủ của nhà hàng – trông có vẻ rất hoài niệm. Nhiều năm qua, các nhà hàng của Ducasse đều được tặng sao Michelin. Nhưng 40 – 60% khách hàng đến với các nhà hàng của ông chủ yếu là khách du lịch.
Đại dịch đã khiến thế giới của ông đảo lộn, mà đúng hơn là khiến ngành ẩm thực tinh tế của Pháp trở nên hỗn loạn. Nhà hàng và tiệm cafe khắp cả nước đều đóng cửa, không biết khi nào mở lại.
Giống như nhiều bếp trưởng khác, ông Ducasse (64 tuổi) phải chuyển sang hình thức giao hàng mang đi, dù không giống bình thường. Ông phải tạm thời chuyển Aux Lyonnais thành phong cách “naturaliste” – tạm hiểu là gần gũi với thiên nhiên nhất có thể. Khu bếp từng một thời rất sang trọng, nay chuyển sang hình thức “lành mạnh” hơn rất nhiều: không thịt, muối, đường hoặc sữa. Họ tập trung vào cá, đậu nành và rau củ quả thôi.
Các đơn hàng mang đi hiện cũng khá nhiều – 100 – 150 hộp mỗi ngày, xếp hàng dài trước bức tường của quán.
Bếp trưởng Marvic Medina Matos
Marvic Medina Matos – bếp trưởng 25 tuổi từ Peru của nhà hàng có tên “Naturaliste” cũng chuyển thực đơn nhà hàng thành những món ăn có thể chuẩn bị từ trước, nhằm phục vụ cho các đơn giao hàng tại nhà.
Từ 9h sáng, đội của Matos – 6 người – bận đồ và bắt đầu phân chia công việc. Một đầu bếp chuẩn bị món khai vị, đầu bếp trẻ khác làm món chính, nước dùng với hành và cà rốt, thái củ cải và chuẩn bị đậu lăng. Một người khác lo làm tráng miệng, từ bánh mì, bột gạo kết hợp cùng mứt và trái cây.
Quy trình làm việc được đẩy lên rất nhanh. Khi có đơn hàng, Matos sẽ hét lên thông báo, đội của cô tiếp nhận và chuẩn bị mọi thứ chỉ trong 3 – 4 phút.
Tất cả các món sẽ được đặt trong hộp làm từ bã mía. Dao và nĩa/dĩa – đúng với tôn chỉ hướng đến thiên nhiên – cũng được làm bằng tre trúc. Quản lý nhà hàng đóng gói, giao lại cho bên giao hàng.
Chuyển đổi phục vụ giao hàng ít nhất đã giúp ông Ducasse giữ lại nhân viên, và mang đến chút thu nhập. Nhưng nó không đúng với ẩm thực Pháp. Dùng bữa tại Paris, thứ quan trọng không chỉ là đồ ăn, mà còn là “le partage” – nghĩa là trải nghiệm về không gian.
“Khi có 6 người dùng bữa tại một bàn trong một nhà hàng Pháp, sẽ có những trải nghiệm rất riêng,” – ông Ducasse chia sẻ. “Đầu tiên là mở champagne, rồi tất cả cùng thảo luận họ sẽ dùng thứ gì. Rồi bạn gọi món, các món ăn dọn lên cũng sẽ là một chủ đề để thảo luận, cả trước và sau bữa ăn. Rồi các bạn sẽ nói về những thứ mình sẽ ăn trong tuần sau đó. Người ta muốn ngồi với nhau thưởng thức một chai rượu ngon, ngắm những cô gái đẹp trong những bộ trang phục tinh tế, thay vì đơn giản là dùng bữa.”
“Bữa ăn được giao tới tận nơi không phải là ẩm thực đúng nghĩa.”
Trước đại dịch, du khách Trung Quốc gần như lấp đầy mọi chuyến xe bus đến các nhà hàng ở Vịnh Apollo (Úc) – một thị trấn biển nho nhỏ phía Đông Nam nước Úc, là điểm dừng chân nổi tiếng của các tour du lịch khu vực này.
Các nhà hàng ở đây – như Apollo Surfcoast, thường xuyên phục vụ tới 200 khách mỗi lần. Nhưng giờ, mọi thứ trở nên vắng vẻ – ngay cả vào giờ cao điểm lúc trưa. Những chiếc bàn gỗ lớn đặt tên vỉa hè, nay đóng bụi vì chẳng có ai ngồi.
Apollo Surfcoast là nhà hàng của Michelle Chen, được mở từ năm 2012 ở một địa điểm cô cảm thấy ưng bụng về tiềm năng. Với lượng khách Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, cô cảm thấy đó là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn. Cô đã không sai, cho đến khi đại dịch xuất hiện.
Ở Úc, du khách Trung Quốc có đóng góp lớn nhất cho thị trường du lịch vào năm 2017. Tại bang Victoria, nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc lên tới 2,4 tỉ USD, chiếm 40% tổng thu từ du khách quốc tế. Cũng trong năm 2017, 45% khách Trung Quốc tại bang này ghé đến đường Great Ocean – con đường dài gần 200km, nơi Apollo Surfcoast tọa lạc.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các nhà hàng Trung Quốc mọc lên như nấm, thuê cả nhân viên người Hoa để phục vụ. Nhưng khi đại dịch đến vào tháng 2/2020, khi hàng không quốc tế đóng cửa vào tháng 3, khu vực này trở nên tĩnh lặng đến kỳ lạ.
“Việc kinh doanh của tôi mất đi gần như 100% doanh thu,” – Chen chia sẻ. Chỉ trừ thời điểm Giáng sinh năm ngoái, còn nhà hàng đã ngưng hoạt động toàn thời gian kể từ tháng 3.
Phía xa hơn dưới con đường Great Ocean là Twelve Apostles, một danh lam của khu vực, nơi luôn luôn kín đặc du khách đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán của châu Á. Nhưng đó là trước dịch thôi. Đóng cửa biên giới, phong tỏa thành phố cùng các khu cách ly bắt buộc, những địa điểm phụ thuộc vào du khách nước ngoài ở Úc phải gồng mình chịu đựng một cú sốc quá lớn.
Công ty du lịch Extragreen Holidays – vận hành từ năm 1994 – ước tính du khách Trung Quốc chiếm phân nửa số khách hàng của họ trong các mùa cao điểm, với 16 – 20 chuyến mỗi tuần. “Giờ thì may mắn lắm được 1 – 2 tour, mỗi tour dưới 10 người,” – Tom Huynh, giám đốc Extragreen chia sẻ.
Theo anh Huynh, công ty anh đã phải hủy đăng ký và bảo hiểm cho khoảng 20 chiếc xe đang “đắp chiếu” trong bãi. Từ cuối tháng 2/2021, công ty đã bước vào giai đoạn đóng cửa, cắt giảm toàn bộ nhân sự, bao gồm cả chính anh.
Tiệm bánh Apollo Bay cũng điêu đứng dịp này. Sally Cannon – chủ tiệm cho biết đã gỡ bỏ các tấm biển hiệu có chữ Trung Quốc ngoài cửa, sau khi lệnh cấm du lịch được ban hành. May mắn là sau lệnh phong tỏa ngắn hạn hồi tháng 2, du khách – chủ yếu là trong nước – đang dần trở lại, cải thiện phần nào hiệu quả kinh doanh của bà.
Bilby Travel – công ty du lịch do Max Zaytsev cai quản, với lượng khách chủ yếu từ Đông Nam Á và Mỹ – thì không có thời gian để thích nghi. Công ty của Zaytsev sở hữu 4 chiếc xe bus hạng sang được mua bằng tiền vay mượn, với khoản tiền lãi khá đắt đỏ phải trả mỗi tháng. Bởi vậy, anh buộc phải chuyển sang hình thức kinh doanh khác – giao hàng, dù khoản kiếm được chẳng phải quá nhiều.
“Bạn biết tôi có những lựa chọn công việc như thế nào không? Không có gì cả, tuyệt đối không,” – anh cho biết. “Thế nên tôi phải làm mọi thứ có thể.”
Giống như nhiều ngành nghề khác điêu đứng vì đại dịch, Zaytsev nhận được một khoản hỗ trợ khoảng 1000 AUD từ chương trình JopKeeper của chính phủ mỗi 2 tuần. Tuy nhiên, khoản này đã hết hạn từ cuối tháng 3.
“Chúng tôi vẫn tồn tại được nhờ vào khoản tiền của JopKeeper,” – ông ngậm ngùi nói. “Chúng tôi như những công ty xác sống vậy, vật vờ và thoi thóp.”
Buổi sáng của tháng 3 tại sân bay Changi, 6 người ngồi trong phòng chờ Changi Lounge sang trọng, laptop để trên đùi. Họ ngồi cách khá xa nhau, vì ở giữa là những chiếc ghế dán bảng bắt buộc phải để trống, nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Bữa buffet nhẹ cũng bị loại bỏ. Thay vào đó, phục vụ sẽ mang bánh và nước đến tận nơi.
Alyss Leow – nhân viên phòng nhân sự, tới phòng chờ này để làm việc mỗi 2 hoặc 3 tuần. Cứ 3 tháng một, cô trả cho họ 200 USD.
“Có những ngày tôi không muốn làm việc tại nhà, nên đây thực sự là một nơi tuyệt hảo,” – Leow cho biết.
Nhưng trước kia, Leow sẽ khó mà làm được điều đó một cách thoải mái. Cách đây 2 năm, sân bay Changi thực sự đông đúc. Nơi đây sở hữu hệ thống cửa hàng trị giá 1,3 tỉ USD, mở những khu phức hợp giải trí – bao gồm cả rạp phim và một thác nước trong nhà cao nhất thế giới. Changi còn được bình chọn là sân bay tuyệt nhất thế giới suốt 7 năm liên tiếp, và đón nhận 63,8 triệu lượt khách vào năm 2019 – một kỷ lục của quốc gia.
Thế rồi Covid-19 xuất hiện, lượng khách tới Changi giảm 83%, lợi nhuận giảm đi 36%, chỉ còn khoảng 327 triệu USD. Việc xây dựng nhà ga thứ 5 cũng bị hoãn lại. Hồi tháng 1/2020, có 33.000 chuyến bay khởi hành từ Changi. Sau 1 năm, nó giảm còn 7.500 chuyến.
Để đối phó với sự sụt giảm tất yếu, sân bay này tập trung vào thị trường duy nhất mà họ có lúc này: khách hàng nội địa. Trước dịch, nhiều người bản địa vẫn đến sân bay Changi để ăn uống, mua sắm, học tập và làm việc. Để thích nghi với dịch bệnh, nhà vận hành sân bay đã mở ra một số dịch vụ khá thú vị, đồng thời chuyển Changi Lounge thành chỗ làm việc lý tưởng. Họ mời các bậc phụ huynh mang con đến để trải nghiệm thử các dịch vụ, bao gồm ngủ qua đêm và các tour học tập.
Các nhà phân tích nhận định, những biện pháp như vậy có thể hỗ trợ sân bay đôi chút cho đến khi du lịch mở cửa trở lại, nhưng sẽ không thể cải thiện được doanh thu một cách đáng kể.
“Mọi thứ đang trong trạng thái ngủ đông,” – Brendan Sobie, nhà phân tích của công ty tư vấn hàng không Sobie Aviation. “Với Changi, 2021 có thể còn tệ hơn 2020.” Bởi lẽ, việc sân bay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế khiến nó trở nên đặc biệt khó khăn trong quá trình phục hồi.
Việc hàng không “ngủ đông” cũng khiến các sân bay phải nghĩ lại về vai trò của mình thời kỳ hậu Covid. Vốn nắm giữ vị trí không thể thay thế, nhưng giờ họ phải nghĩ theo một hướng khác: Liệu các sân bay có thể thu hút khách hàng thông thường đến trải nghiệm mà không cần phải đi máy bay?
Các nhà vận hành bắt đầu hướng đến việc liệu người Singapore có thể đến đây chỉ để trải nghiệm Jewel – khu phức hợp mua sắm khổng lồ cao cấp của họ – theo một cách khác, như ý kiến của Jayson Goh – giám đốc quản lý của Changi. Chẳng hạn, Goh đưa ra ý tưởng đặt 10 chiếc lều trong khu mua sắm, hướng mặt về phía thác nước. Khách hàng sẽ cần phải trả ít nhất 240 đô cho một đêm ngủ ở đây – giải pháp kinh doanh từng khiến cư dân mạng phải bật cười, vì chẳng ai “điên” mà bỏ khoản tiền lớn để ngủ dưới sàn gạch, mà chẳng có nổi một phòng tắm riêng.
“Nó khá là nực cười. Giống như việc người ta trả tiền để biến mình thành đồng vật trong sở thú, cho mọi người ngắm họ ngủ vậy,” – Jason Chua, một luật sư nhận xét. Nhưng bất chấp sự cười cợt của mọi người, chương trình kéo dài 1 tháng này bán hết sạch vé chỉ trong vòng 24h.
Nói về Changi Lounge – phòng chờ hạng sang dành cho hành khách trước chuyến bay, nay chuyển thành chỗ làm việc cho những người muốn thay đổi. Theo học giả Nitin Pangarkar, giải pháp này khó mà thay thế được ngành hàng không đúng nghĩa. Đúng là nó có thể mang lại chút doanh thu, nhưng không đáng kể và cũng không thể trong dài hạn.
Sân bay Changi những tháng gần đây đang dần tiếp đón nhiều du khách hơn, nhưng vẫn khá dè dặt. Một số người còn mặc đồ bảo hộ kín người. Nhưng nhìn chung, các nhân viên tại đây dành mỗi ngày làm việc một cách buồn chán, gõ điện thoại, chờ đợi những hành khách chẳng bao giờ xuất hiện nữa.
Nguồn: New York Times
Nguồn: KENH14.VN