Mùa con nước đỏ

0
Mùa con nước đỏ

Không nhiều sản vật, cũng chẳng mênh mông những con nước tràn bờ, nhưng thật lạ, với những cư dân lâu đời miệt châu thổ, đặc biệt là phía thượng nguồn, mùa con nước đỏ lại là một dấu hiệu vô cùng đặc biệt: dấu hiệu bắt đầu một mùa nước nổi mới, bắt đầu của sự sinh sôi, của tất thảy những gì trù phú nhất còn lại của mảnh đất Cửu Long Giang này.

mùa nước nổi Đồng bằng sông Cửu Long

 

Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ ràng mùa nước đỏ cách đây chưa lâu, trong một buổi chiều nền trời đã thẫm màu, sóng lẫn trong nắng loang loáng đuổi theo nhau ở bến phà Chợ Thủ, gần thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, An Giang) chạy qua phía Thanh Bình (Đồng Tháp), một bến phà bình thường như hàng trăm bến phà ngang qua sông Tiền hay sông Hậu và những chi lưu của nó.

 

Ông Cúc – một lão ngư đã 50 năm gắn bó với quãng sông này, nhìn về phía thượng nguồn bảo năm nay con nước ngàu ngàu, xô dạt những đám cỏ rậm rạp ven bờ như vầy sẽ không nhiều cá. Phải khi con nước đỏ chảy thật nhanh, cuộn sôi cả mặt sông đỏ ối phù sa nhưng chừng năm ba bữa là hết, thì năm đó, mùa nước nổi mới lớn, mới mang về bao sản vật quý giá, nuôi sống dân cư cả mấy tỉnh và đem lại sự màu mỡ cho vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Rồi ông giải thích: “Nước đỏ tức là những con nước đầu tiên của mùa nước nổi. Khi ấy, từ phía thượng nguồn, nước xuôi về, cuốn theo nhiều đất phù sa, tạo thành màu đỏ. Với những người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn con nước là biết mùa nước nổi sẽ lớn hay nhỏ. Nếu con nước đỏ đậm màu, chảy nhanh thì mùa nước năm đó sẽ lớn, sản vật tất nhiên sẽ dồi dào, và ngược lại. Như năm nay, con nước lờ lững đầu mùa thì chắc là nước về ít, cá tôm cũng chẳng có nhiều”.

 

Nhìn đôi mắt đượm buồn trên gương mặt đen sạm vì nắng gió, có cảm giác rằng một điều gì đó đang rời xa ông.

 

Rồi trong câu chuyện về những mùa nước nổi lão ngư kể, nước đỏ là mùa nước có nhiều cái lạ, lạ nhất là mùa của cá linh non. Cá linh non trước đây nhiều như nước đỏ tràn về vậy. Những ngày đầu mùa nước, khắp cả vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đâu đâu cũng là cá linh non. Bắt cá linh non dễ như hái bông điển điển, bông súng vậy.

 

Ngày ấy, chỉ thả lưới một đoạn sông hay đoạn kênh là chiếc xuồng đầy ắp cá linh. Mà không chỉ ở kênh lớn, giữa những cánh đồng đầu mùa nước cũng dày đặc cá linh non. Con nào con nấy bé như đầu đũa nhưng thịt mềm mà thơm vô cùng. Thế mà cá linh non hiếm dần, cả bông điên điển, bông súng giờ cũng ít.

 

Con nước đỏ còn cho biết trước nhiều thứ. Nếu mùa nước năm đó lớn, phải sửa ghe, sắm ghe, mua thêm lưới, đan thêm lọp… Dân quê vùng châu thổ mong chờ những con nước đỏ là vậy. Với những cư dân ở sâu trong miệt đồng, nhìn con nước đỏ còn cuộn chảy là có thể cơi thêm nhà, đắp thêm bờ hoặc chuyển gia đình vào nơi cao ráo.

 

Kể về chuyện này, bà Năm ở thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) nói: “Vùng này năm nào cũng vậy, là nơi đón con nước đỏ đầu tiên vì sát biên giới, ngay kia là con sông Sở Thượng rộng lớn. Mấy chục năm trước, mỗi khi con nước đỏ về là gia đình tôi lại lo chuẩn bị xuồng, lưới bắt cá bán, bán không hết thì làm mắm. Nhiều năm nước lớn quá, phải đưa mấy đứa con về nhà ngoại bên Tam Nông tránh nước. Đấy là ngày xưa, giờ thì con nước đỏ đến và đi vô chừng, còn mùa nước nổi thì nước chỉ lấp ló phía sau con kênh kia”.

 

Nếu mùa nước nổi xuất hiện từ khoảng cuối tháng 8 âm lịch, thường kéo dài vài tháng thì con nước đỏ chỉ xuất hiện chừng dăm bảy ngày hay nửa tháng, mà cũng hạn hẹp hơn, thường không quá xa biên giới Campuchia, chủ yếu ở lưu vực biên giới An Giang, Đồng Tháp, báo trước cho cư dân châu thổ về mùa nước nổi sắp tới để có thời gian chuẩn bị mưu sinh.

 

Tôi đã may mắn được đi qua những mùa con nước đỏ, những mùa nước nổi cùng bà con nông dân lam lũ quanh năm bám đồng, bám đất. Ở đó, khi con nước đỏ về, trên mỏng manh những chiếc xuồng ba lá, giữa cuồn cuộn con nước, bên lê thê những mành lưới, giữa những cánh đồng An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự, Tân Hồng, hàng trăm con người hối hả bước vào mùa mưu sinh.

 

Mặc dù đợi cả năm con nước mới về nhưng những người dân phía thượng nguồn luôn ý thức rằng, nước đỏ là khởi nguồn tất thảy sự sinh sôi của miệt đồng bằng nên người ta chỉ dùng những loại ngư cụ không tận diệt thủy sản, như lưới mành, trúm, lờ hay câu để cá tôm còn lớn khi nước bạc tràn bờ.

 

Đó là một trong những cách bảo vệ sản vật cho mùa nước nổi dưới hạ lưu, và cũng là để kiếm sống trong những con nước sau. Hiểu đơn giản hơn, cả mùa nước nổi ở châu thổ Cửu Long Giang đều đi qua con sông Tiền, sông Hậu, nên nếu cư dân ở đó khai thác quá mức, sẽ chẳng có loài thủy sản nào còn tồn tại để mà sinh sôi, để mà tràn đồng. Vì thế, đa số bà con mưu sinh trên sông, trên đồng đều có ý thức đánh bắt tôm cá vừa phải.

 

Mùa con nước đỏ, mùa nước nổi ngày càng hiếm, thậm chí đã trở thành hoài niệm của nhiều người, nhiều đứa trẻ chưa biết ngập lụt là gì. Nhưng cuộc sống ngày nay ít bị phụ thuộc vào thiên nhiên, nên nhiều khi, chỉ trong vài ngày, nước đâu trên thượng nguồn tràn về, dòng sông trước nhà nước tràn bờ lúc nào chẳng ai hay, những cánh đồng ngút tầm mắt mênh mênh mang mang làm ngỡ ngàng cả một vùng dân cư.

 

Mong sao sự bất ngờ ấy lại đến với Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa mưa năm nay…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn