Muôn kiểu ‘đối phó’ khách say trong bar

0
123

Josie phải can khách đánh nhau, dọn dẹp bãi nôn của những người lạ say khướt ngồi lại sau khi quầy bar đóng cửa.

Hồi tưởng lại quãng thời gian còn làm bartender, Josie, 27 tuổi, cho biết: “Khi say, người ta thật lố bịch”. Cô gái Anh này bắt đầu công việc trong bar từ năm 18, cứ nghỉ rồi quay lại trong 6 năm. Suốt thời gian đó, Josie hiểu sự tử tế với khách tại quầy bar, học cách phục vụ chuyên nghiệp dù đầu óc đang “biêng biêng” vì vừa uống vài ly khách hoặc đồng nghiệp mời.

Khi đến quán bar hàng đêm, những bartender như Josie biết mình sẽ phải đối mặt với đủ kiểu người khi họ đang trong tình trạng tồi tệ nhất: say mờ mắt, đầu óc không bình thường, chỉ muốn động tay động chân... Ảnh: Hold Your Shoe.

Khi đến quán bar hàng đêm, những bartender như Josie biết mình sẽ phải đối mặt với đủ kiểu người khi họ đang trong tình trạng tồi tệ nhất: Say mờ mắt, đầu óc không tỉnh táo, chỉ muốn động tay chân… Ảnh: Hold Your Shoe.

Josie là một trong hàng nghìn người Anh từng lao động trong nền kinh tế ban đêm tạo ra 66 tỷ bảng (hơn 86 tỷ USD) một năm. Cô từng làm trong một bar LGBT tại Brighton. Nhiều khách đến đây để tán tỉnh những người lesbian. “Có gã từng ném cả cốc thủy tinh vào cặp lesbian trong quán của tôi. Tôi phải đá anh ta ra ngoài, và bị ném cả cái ghế khiến chảy máu đầu. Hôm đó là ngày Valentine”, Josie nhớ lại.

Robyn Harris, một bartender khác tại Brighton, cho rằng điều sốc nhất cô từng chứng kiến là khi mới đi làm năm 2012, quán rượu đón 150 người đến tiệc tùng. Nhiệm vụ của cô là kiểm tra toilet trong đêm ấy. Khi bước vào, cô cứ nghe thấy tiếng “shhh” lặp đi lặp trong một phòng khóa kín – từ kinh nghiệm của mình, cô nghĩ họ đang hít thuốc.

“Cho đến lúc nghe thấy một giọng đàn ông vang lên, tôi lập tức thông báo họ có 10 giây để mở cửa trước khi gọi bảo vệ. Khi cửa mở, một cô gái trẻ và một chàng trai bước ra”, Robyn nói. Cô phải dọn dẹp phòng vệ sinh ngay sau đó để không ảnh hưởng đến những vị khách khác.

Bartender phải biết khéo léo khi phục vụ khách say xỉn. Ảnh: istock.

Bartender phải biết khéo léo khi phục vụ khách say xỉn. Ảnh: istock.

Với Robyn, thái độ khinh thường của vài vị khách say xỉn với nhân viên quán bar là điều cô bất bình. “Họ tỏ như thể họ không tin đó là một công việc ‘thực sự’, trong khi liên tục đòi hỏi, phe phẩy tiền, hét lên từ phía bên kia của quầy bar”, cô bày tỏ. Đồng tình với Robyn, Beth, đến từ London, nói: “Tôi không thể hiểu vì sao người ta có thể búng tay để gọi bartender – họ nghĩ nó sẽ có ích gì chứ? Tương tự những lời khen hay tán tỉnh khiếm nhã, chuyện đó sẽ chẳng đi đến đâu cả”.

Những bartender dày dặn kinh nghiệm luôn có bài để xử lý khéo léo khi khách mất kiểm soát trong cơn say. Collette Mclafferty, đến từ New York (Mỹ), tiết lộ: “Nếu khách bắt đầu say, tôi sẽ mời họ một cốc bia không cồn và nói “đó là của quán mời”. Khi họ uống hết bia, tôi sẽ thủ thỉ: ‘Này tôi nhờ chút nhé, hết cốc này hãy uống một ly nước, tôi không muốn anh xỉn quá đâu’. Thường lúc đó, họ sẽ nhận ra mình đã quá chén và ra về”.

Collette luôn áp dụng cách này để mời khách về, vì nếu nói thẳng họ sẽ nài nỉ thêm rượu. Bartender này cố gắng từng bước thuyết phục rằng đã đến lúc khách về nhà, chứ không phải cô yêu cầu.

Trong khi đó, Michael Chan, sống tại Portland (Mỹ), vẫn pha rượu cho những vị khách uống quá sức – chỉ thay đổi công thức. Anh sẽ đổ hỗn hợp cocktail như bình thường và chỉ thêm một chút rượu lên trên cùng để khách đang ngà ngà nghĩ họ vẫn đang uống. Như thế, Michael không cần phải thẳng thừng nói khách nên ra về, họ vẫn uống nhưng lượng cồn nạp thêm không đáng kể.

Bảo Ngọc (Theo Independent)

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn