Mường So một thoáng

0
127

Ở ngay thị trấn Phong Thổ có một khách sạn, xây theo lối lâu đài cổ của thổ ty người Thái, nơi chúng tôi ngồi nhâm nhi ly café Trung Nguyên. Một vẻ sang trọng thâm trầm. Một nốt nhấn vào không gian khi Tây Bắc chưa tới mùa ban nở.

 

Một vẻ đẹp rất riêng

 

Khách trọ đêm lúc này hoặc đã đi làm việc hay ba lô trên vai trèo núi. Đoàn thám sát du lịch người Anh từng bay qua rừng núi Lai Châu, bay đi rồi bay lại, đã nói với các vị chức sắc Lai Châu rằng, họ đã bay qua hầu hết núi rừng của các nước trên thế giới, nhưng không núi ở đâu đẹp như núi Lai Châu. Còn tôi thì giản dị hơn với một niềm tin chắc chắn rằng, khi đã ngắm đá Hà Giang, đã trèo núi Lai Châu thì thấy đá và núi nơi khác chỉ còn là hòn non bộ. Núi Lai Châu điệp trùng, san sát, mỗi núi mỗi vẻ, như được nhà điêu khắc tạo hóa sáng tạo trong một lần thăng hoa đầy hứng khởi.

 

Giữa “thập vạn đại sơn” ấy các thung lũng của Phong Thổ được phù sa của hai dòng suối Nậm Na và Nậm Hùm bồi đắp, tạo nên những cánh đồng lớn và phì nhiêu, cánh đồng Mường So rộng hàng trăm hecta, nổi tiếng gạo ngon lúa tốt.

 

Suối Nậm Na chẳng những làm nên cánh đồng Mường So trù phú, mà còn là nguồn cá vô tận, tạo nên cả một tập quán sinh hoạt của người Thái với món cá nướng đặc sản. Dân du lịch bảo nhau ra khỏi Hà Nội thì không nên ăn phở, nhưng phở chua ở Mường So thì ngon một vị mà dân Hà Nội không thể biết nổi.

 

Đi qua chợ Mường So, qua một cây cầu mà đầu cầu là cái nhà sàn bê tông để xe máy sơn các màu bóng lộn trắng đỏ xanh vàng tím, một cái biển đề đập vào mắt: “Bản văn hóa mới Vàng Pheo”. Đó là cái cầu đường bộ, đi dọc đường làng rải bê tông với hai bên là nhà sàn gỗ lợp ngói, lợp tranh, nhà mái bằng san sát như đi dọc một phố huyện miền trung du, không phân trâu bò, gà vịt chó lợn chạy quẩn chân du khách nhưng đường vẫn sạch sẽ phong quang, cái này thì ăn đứt những làng quê dưới xuôi.

 

Lững thững dọc đường bản, ta còn bắt gặp một cây cầu nữa, cầu treo giây văng bắc qua dòng suối Nậm So trong xanh uốn lượn. Các cô gái người Thái đang ngồi giặt áo trên những phiến đá cuội, trên bãi cát vàng là trẻ con chơi, phía hạ lưu là mấy cái xe máy chở những bao cát về xây công trình phụ. Bây giờ đến Mường So, không còn một mảy may dấu tích cũ; trên nền đồn bốt xưa là Trường tiểu học Mường So bán trú y hệt trường bán trú Hà Nội, nghĩa là hàng mấy trăm ngàn học phí cộng tiền ăn mỗi tháng nhưng ở đây không có trẻ con bỏ học do nhà nghèo. Chiều mùa đông hanh nắng, các cháu tập thể dục, đúng là trẻ em Thái năng khiếu múa có từ trong bụng mẹ, tập thể dục mà chúng cứ như múa tập thể, cả con trai lẫn con gái, khiến sân trường chiều ngập tràn nhịp điệu.

 

Những món ăn đầy quyến rũ

 

Buổi trưa, người ta sắp xếp để chúng tôi ăn nghỉ tại một nhà người Thái, ông Lò Văn Tiến. Đây là một nhà trung lưu, ông Tiến là Phó bí thư thường trực của Mường So còn vợ ông là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà Lò Thị Đối. Đó là ngôi nhà gỗ sâng khang trang, sàn gỗ vách gỗ, mầu nâu thẫm vừa đẹp vừa có ý khoe sức chống chịu thời gian của nó. Nhưng đầu hồi xưa, nơi đặt sích nước và nấu nướng thì lại xây lát gạch hoa, có nhà tắm riêng và toilet tự hoại. Khoảng 40% số nhà ở Vàng Pheo có toilet tự hoại như vậy. Nhà tắm có dầu gội, có xà phòng OMO, có sữa tắm nhãn hiệu quen thuộc, văn minh như mọi nhà bình dân Hà Nội. Ông Tiến mời cả Chủ tịch xã Lò Văn Phằn sang ăn cơm, một người trung niên, sắp hơn 50 nhưng thân hình thon gọn, nhanh mồm miệng, cứ bảo tôi ăn ít uống ít thì sức đâu lo cho dân. Thôi thì đành say vậy.

 

Ông Phằn kể bản xã ông mới gượng lại được hơn mười năm nay, chứ trước mất đến mươi mười lăm năm Phong Thổ thành chiến địa, dân đào hầm, chạy sơ tán lẩn sâu vào núi, gian khó đủ bề, cơm không có ăn. Ơn Đảng đổi mới mở mang, cho văn hóa khởi phục, xã bản khang trang no ấm, dân ra đường ra suối cứ rộn ràng khăn áo đẹp.

 

Một bữa cơm nhà người Thái thật ngon với nhiều món lạ. Thịt băm ướp gia vị gói lá lốt vùi than củi. Món cá nướng truyền thống ướp mắc khén (hạt tiêu rừng) để lại một dư vị lạ lùng, thơm miệng suốt buổi chiều. Món lạp xưởng bùi ngậy, giòn như ăn sụn non. Có lẽ ở đây củi nhiều, nhiệt sấy lúc nào cũng no nê? Lại một món canh cá nấu cà dại chua đắng, nó có tên Thái nghe thuận tai lắm mà khi say tôi quên mất, vị vừa chát vừa chua; thấy tôi cứ nức nở khen, bà chủ nhà soạn cho đến chục quả, đựng trong cái giỏ đan tinh tế, cứ kín đáo thơm suốt dặm dài trở về Hà Nội, đem về nhà định nấu canh cá kiểu Thái, mà nó không ra vị Thái.

 

Bữa ăn của người Thái hàng chục món, ướp cả chục gia vị khác nhau, riêng món nộm tai và da lợn trộn lá nhội đã có tới năm bảy thứ lá gia vị khác, như là món rau luộc phải tinh lắm mới nhận ra vị thịt. Như thế thì cần ăn chậm, ăn lâu. Lại say như tôi nữa, nên cảm thấy trong người mình như có cả một thiên nhiên hoặc thấy mình với thiên nhiên đã tan thành khí vị.

 

Thức dậy trong chăn ấm nệm êm nhà người Thái, tôi nghe từ thẳm sâu một khấn nguyện: Người Thái đang hăm hở đồng hành cũng cả nước vào thị trường, xin hãy văn minh nữa, văn minh mãi nhưng hãy giữ lại bữa ăn Thái, những điệu xòe Thái. Chúng có tự ngàn xưa. Nhưng sẽ mới đến muôn đời.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn