Với mục đích đánh giá đúng giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An để làm rõ những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế, ngày 8.5, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản”.
Hội thảo khoa học thu hút đông đảo các nhà quản lý, khoa học
Trên địa bàn Nghệ An hiện có trên 2.600 di tích, danh thắng, với 429 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, gần 300 di tích cấp tỉnh và trên 2000 di tích chưa được xếp hạng. Theo đánh giá Nghệ An nằm trong vùng văn hóa xứ Nghệ với bản sắc riêng, không trộn lẫn với các tiểu vùng văn hóa khác. Tuy tiềm năng rất lớn nhưng tại nhiều nơi, các di sản văn hóa – lịch sử đang ngày một xuống cấp, nhiều di sản đang bị lãng quên. Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản” nhằm mục tiêu đánh giá lại đúng giá trị, tiềm năng của hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Làm rõ những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát triển di sản. Đề xuất các giải pháp phù hợp để khai thác, phát huy giá trị di sản nhằm hiện thực hóa nguồn tài nguyên này cho sự phát triển du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển văn hóa, xã hội và các ngành kinh tế khác.
Tại hội thảo đã có 37 tham luận tập trung làm rõ 3 nội dung chính gồm: Giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa tỉnh Nghệ An; Kinh tế di sản – động lực mới cho phát triển; Một số định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An. Nhiều tham luận đã đưa ra những quan điểm tiếp cận mới trong công tác quản lý di sản như: Phát triển kinh tế di sản nhìn từ góc độ di tích danh thắng ở nhiều địa phương trong cả nước; Thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Quản lý, bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ học, hiện trạng và giải pháp; Bảo tồn, phát huy không gian và hình thức trình diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong thời kỳ cách mạng 4.0; Sông Lam, tiềm năng hấp dẫn về văn hóa du lịch ở Nghệ An…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trình bày quan điểm tiếp cận mới trong phân tích giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hoá tỉnh Nghệ An cũng như chỉ rõ kinh tế di sản – động lực mới cho phát triển. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia: Muốn phát triển văn hoá thì tất yếu phải thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững di sản văn hoá thông qua việc thiết lập một cơ chế quản lý phù hợp, tạo dựng được việc bảo tồn bền vững di sản về mặt xã hội, kinh tế, môi trường. Phát triển theo hướng nào cũng phải coi môi trường tự nhiên-di sản văn hóa và con người như những hạt nhân trung tâm, đây là phương thức hữu hiệu nhất bảo đảm điều kiện cho việc bảo tồn bền vững di sản văn hóa với phát triển du lịch có trách nhiệm ở Nghệ An.
Theo ông Trương Đình Tuyển – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An: Phát huy giá trị kinh tế di sản không chỉ là trách nhiệm riêng của cán bộ quản lý văn hoá mà còn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nói chung và của cộng đồng. Điều cần thiết đó là phái đổi mới tư duy, trách nhiệm của người lãnh đạo, người làm công tác quản lý di sản, ngành văn hóa. PGS.TS Trần Đình Thiên, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế, xã hội tỉnh cho rằng: Nghệ An có kho tàng di sản rất phong phú nhưng chưa phát triển được. Việc “ứng xử” với tài sản di sản văn hoá cần phải đổi mới, có cách tiếp cận hoàn toàn khác, không chỉ dừng lại việc nâng cấp, tu sửa. Đây không chỉ là khó khăn thách thức riêng của Nghệ An mà của nhiều tỉnh trong cả nước. Và theo ông cần phải định nghĩa đúng về kinh tế di sản, xác định được nguồn lực và thể chế để phát triển kinh tế di sản. Gợi ý về phát triển kinh tế di sản, ông cho rằng phải có từng cách tiếp cận khác nhau đối với những di sản đang còn có thể bảo tồn, những di sản đã mất đi muốn bảo tồn. Với Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Kim Liên phải có những giá trị khác biệt, đặc biệt hơn so với những làng quê Việt Nam khác; cần cách điệu hóa, nghệ thuật hóa để đạt được giá trị nghệ thuật và tính linh thiêng cao hơn…
Bà Nguyễn Việt Hà đến từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về việc một thực tế các bảo tàng chưa thu hút được khách tham quan. Để giúp cải thiện được tình trạng này phải đổi mới từ tư duy, nhận thức đến việc lựa chọn chủ đề, thiết kế trưng bày, tổ chức hoạt động truyền thông…
Nói về kinh tế di sản- một động lực tăng trưởng mới, bà Lê Nguyên Phương, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Mỹ, thuộc liên danh MQL và các đối tác cho biết: Chìa khóa thành công nằm ở hành động thực tiễn và nhấn mạnh sáng kiến cộng đồng, cùng tham gia, gắn trách nhiệm và quyền lợi. Cần phải xác lập vị thế của kinh tế di sản; hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện một số phần việc mà chủ yếu theo 3 giai đoạn. Đó là: Hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu; nhân rộng mô hình “mỗi di sản một quần cư”, “mỗi quần cư một sản phẩm”, “mỗi sản phẩm một cảnh quan”, “mỗi di sản một phong cách”…; từng bước thực hiện phần việc xã hội hoá hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng các ý kiến, các bài tham luận tại Hội thảo đều là những ý tưởng mới; các giải pháp đề ra đều thiết thực, PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ tin tưởng các cơ quan liên ngành tỉnh Nghệ An sẽ được hiện thực hoá để bảo tồn bền vững và phát huy giá trị cũng như phát triển kinh tế di sản Nghệ An trong thời gian tới.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn