Chính sách vốn được áp dụng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục nay trở thành rào cản của nhiều nữ sinh Nhật Bản. Họ vẫn bị đánh trượt dù đủ điểm thi đầu vào.
Nhật Bản có một lịch sử lâu dài về sự phân biệt giới tính tại các trường học và nữ giới học kém hơn nhiều so với nam giới đồng trang lứa.
Do đó, hậu Thế chiến 2, nhiều trường công lập ở Tokyo đã đề ra chính sách mới nhằm đảm bảo sự bình đẳng. Cụ thể, mỗi lớp học phải duy trì đúng 50% nữ và 50% nam, theo VICE.
Ban đầu, chính sách này có tác dụng. Phụ nữ được học cùng đàn ông, tham gia các lớp khoa học và toán học nhiều hơn thay vì chỉ những lớp may vá.
Trước đó, dưới thời Đế quốc Nhật Bản, nữ giới bị tước bỏ nhiều khả năng do xã hội duy trì các vai trò giới nghiêm ngặt.
Dần dần, các nữ sinh bắt đầu đạt điểm cao hơn nam sinh trong bài thi tuyển sinh. Tình trạng diễn ra ngày càng phổ biến, đến mức trong những năm gần đây, các trường phải đánh trượt nhiều nữ sinh hơn để duy trì trạng thái cân bằng tỷ lệ giới tính trong lớp học.
Nữ sinh Nhật Bản vốn phải chịu nhiều quy định khắt khe, vô lý ở trường học, chẳng hạn chỉ được để tóc đen, phải mặc đồ lót màu trắng… Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP. |
“Hệ thống trường công lập Tokyo không muốn có quá nhiều học sinh nữ. Do đó, họ chủ ý nâng điểm sàn đầu vào của nữ sinh cao hơn nam sinh”, Yasuko Sasa, thuộc nhóm luật sư kêu gọi chấm dứt chính sách này, nói với VICE.
“Giới tính không nên liên quan đến kỳ thi tuyển sinh trung học. Nhưng giờ đây, nó trở thành yếu tố quan trọng để cân nhắc xét tuyển học sinh hay không”, bà nói.
Uu tiên nam giới
Chính sách đảm bảo cân bằng tỷ lệ giới tính ở các trường công lập Tokyo lần đầu tiên được thực thi vào năm 1950, là một phần cải cách của Nhật Bản sau Thế chiến 2 nhằm mang lại nhiều cơ hội giáo dục hơn cho phụ nữ.
Trước chiến tranh, giáo dục chủ yếu phân biệt giới tính. Trẻ em gái có ít trường học để lựa chọn và thường nhận được chất lượng giáo dục thấp hơn. Họ hiếm khi được tham gia các lớp học ngoại ngữ. Bài tập khoa học, toán học của họ đơn giản hóa đáng kể so với các nam sinh.
Hậu chiến tranh, bình đẳng giới trong giáo dục được đề cập trong hiến pháp Nhật Bản do các nước khối Đồng minh soạn thảo. Sau đó, chính phủ đặt ra yêu cầu về việc tăng số lượng nữ sinh tại các trường học.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chỉ tiêu tuyển sinh cũng được phân chia đồng đều theo giới tính. Khi chính sách lần đầu tiên được thông qua, một số trường vẫn phân bổ chỉ tiêu trúng tuyển cho nam cao hơn nữ, thậm chí với tỷ lệ 3 chọi 1.
Tokyo là tỉnh duy nhất ở Nhật Bản áp dụng chính sách cân bằng tỷ lệ giới tính ở trường học. Ảnh: Kyodo/AP. |
Công khai thiên vị
Ngày nay, hơn 1/2 trường trung học công lập ở Tokyo duy trì tỷ lệ giới tính 50-50, theo Ủy ban Giáo dục Tokyo. Một số trường chọn 10% học sinh không dựa trên giới tính, phần còn lại vẫn chia đôi theo tỷ lệ nam nữ.
Thế nhưng, mọi người đều thấy rõ định kiến đối với nữ sinh.
“Trẻ em trai được coi là chuẩn mực trong giáo dục. Giáo viên và hiệu trưởng, hình mẫu của các học sinh ở Nhật Bản, đều là nam giới, chiếm áp đảo. Điều này không giống các quốc gia khác, nơi có nhiều nhà giáo dục nữ”, Yasuko Muramatsu, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Phụ nữ Nhật Bản phi lợi nhuận, nói với VICE.
“Ngoài ra, vị trí lãnh đạo thường chỉ dành cho nam giới cũng là kiểu hình ảnh được phản ánh ở các trường học”, bà cho biết.
Theo bà Muramatsu, sự thiên vị dành cho nam giới còn thể hiện công khai đến mức trong khi điểm danh, các giáo viên sẽ luôn tên các nam sinh trước nữ sinh.
Giáo dục được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhằm quyết định địa vị xã hội của một người ở Nhật Bản. Thế nhưng, đạt được giáo dục bậc đại học vẫn là một mục tiêu rất nam tính.
Năm 2018, ĐH Tokyo chỉ có 20% sinh viên là nữ. Khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn ở các cơ sở giáo dục chuyên về toán học và khoa học.
Một kỳ thi tuyển sinh ở Nhật Bản. Hiện nhiều trường công lập ở Tokyo đã chủ ý nâng cao điểm sàn của nữ sinh để loại bớt các em. Ảnh: Yomiuri Shimbun/AP. |
Hiện nay, chính sách từng được áp dụng nhằm thúc đẩy cân bằng tỷ lệ giới tính trong lớp học đang khiến nữ giới phải đạt điểm thi cao hơn nhiều so với các bạn nam đồng trang lứa để trúng tuyển.
Trong một số trường hợp, nữ sinh cần thêm 243 điểm để đỗ trong kỳ thi tuyển sinh vốn đã hoàn hảo – một nhiệm vụ bất khả thi.
Những trẻ em gái không đáp ứng được yêu cầu này phải học ở trường công lập hạng thấp hơn, hoặc nhập học tại một trường tư thục mà gia đình phải tự bỏ tiền túi chi trả.
Hơn nữa, sự không rõ ràng của hệ thống tuyển sinh đồng nghĩa rằng phụ huynh không biết con gái của họ thi trượt là do chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên giới tính của nhà trường.
Không đồng tình bãi bỏ
Bà Muramatsu tin rằng chính sách đảm bảo cân bằng tỷ lệ giới tính trong lớp học là một giải pháp tốt cho Nhật Bản ở thời kỳ hậu chiến tranh. Tuy nhiên, đáng lẽ nó phải được bãi bỏ khi phụ nữ Nhật Bản đã được tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Sự do dự trong bước bãi bỏ chính sách này xuất phát từ quan điểm một số nhà quản lý trường học. Họ lo lắng rằng số nữ sinh sẽ trở nên áp đảo, gây nguy hiểm đến việc học tập của các nam sinh.
Trong một cuộc khảo sát do Ủy ban Giáo dục Tokyo thực hiện năm ngoái, 61,6% hiệu trưởng trường THCS không có vấn đề gì với hệ thống cân bằng tỷ lệ giới tính, và khoảng 82,7% hiệu trưởng cảm thấy duy trì chính sách là cần thiết.
“Chúng tôi phải giữ chính sách này để đảm bảo chỗ học cho nam sinh”, tờ Asahi Shimbun trích lời một hiệu trưởng trường trung học.
Sự phản đối thay đổi cũng đến từ các nhà giáo dục trường tư thục. Họ lo ngại rằng nếu chính sách được bãi bỏ, tỷ lệ nhập học tại trường tư, phần lớn là trường nữ sinh sẽ giảm, kéo theo lợi nhuận của nhà trường.
Chính sách vốn để cân bằng tỷ lệ giới tính trong lớp học đang trở thành rào cản của các nữ sinh. Ảnh: Yomiuri Shimbun/AP. |
Kêu gọi thay đổi
Những lời kêu gọi hành động từ các nhóm quyền bình đẳng giới, chẳng hạn Hiệp hội Giáo dục Phụ nữ Nhật Bản, đã thúc đẩy Ủy ban Giáo dục Tokyo thực hiện thay đổi. Ủy ban ước tính lượt nữ sinh nhập học sẽ tăng 3% nếu chính sách được bãi bỏ.
Theo trợ lý giáo sư Onodera, sự suy giảm của dân số Nhật Bản, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tổng số sinh viên nhập học, sẽ thúc đẩy các nhà giáo dục nhìn lại toàn bộ hệ thống giáo dục.
“Trường học không phải để con người đắm chìm trong hoài niệm, quá khứ. Đó là nơi hoạt động với mục đích vì sự tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Và các nhà hoạch định chính sách đã cản trở điều đó”, bà nói.
Bà Onodera đề xuất rằng học sinh có thể độc lập chọn trường tư thục hoặc công lập. Trên tất cả, quyền tự do lựa chọn của học sinh đối với những vấn đề liên quan đến giáo dục là dấu hiệu bình đẳng thực tế nhất.
Nguồn: News.zing.vn