Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường có sức khỏe, hệ miễn dịch yếu. Do đó, họ cần được khám sàng lọc và tư vấn kỹ trước khi tiêm chủng vaccine Covid-19.
Người thân của tôi đang bị ung thư giai đoạn cuối. Bà có được tiêm vaccine Covid-19 không và phải lưu ý điều gì?
Thanh Nga, Hà Nội.
Bộ Y tế
Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Theo văn bản này, người đang bị suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang điều trị hóa trị, xạ trị thuộc nhóm thận trọng khi tiêm chủng. Trước tiêm, họ phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng.
Ngoài ra, nhóm thận trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19 theo quy định mới của Bộ Y tế còn có:
– Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
– Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
– Người có tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu.
– Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
– Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp thở…).
Để chắc chắn và đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, bạn và người thân nên khai báo cho nhân viên y tế các vấn đề sức khỏe, theo dõi kỹ tình trạng trước, trong, sau tiêm.
Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vaccine là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ, sốt, ớn lạnh. Ngoài ra, sau khi tiêm phòng, một số người có thể nổi hạch bạch huyết, thường gặp nhất ở dưới cánh tay.
Ung thư cũng có thể gây ra hạch to. Do đó, người bệnh cần nhận ra đây là tác dụng phụ khi tiêm vaccine, không phải dấu hiệu tế bào ung thư đang phát triển. Trong trường hợp hạch sưng to không giảm sau 3-4 tuần tiêm liều vaccine thứ 2, bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ.
Nguồn: News.zing.vn