Người nước ngoài ở TP.HCM nhớ Trung thu quê nhà

0
34

Trung thu ở Hàn Quốc như Tết của người Việt. Với anh Kim Hyung-il, đó là một dịp hiếm hoi đại gia đình tụ họp, nhưng năm nay thì không được như vậy.

nguoi nuoc ngoai don trung thu anh 1

“Mỗi dịp Chuseok, gia đình tôi tất bật dọn dẹp, nấu ăn, cúng gia tiên và gặp gỡ những họ hàng cả năm chưa thấy mặt”, Kim Hyung-il (28 tuổi) đến từ Seoul nhớ lại.

Với người Việt Nam, Trung thu là Tết Thiếu nhi. Nhưng đối với người dân Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á cùng đón rằm tháng 8 (âm lịch), Trung thu mang ý nghĩa quan trọng.

Ở TP.HCM những ngày giãn cách xã hội, họ đón Trung thu theo cách khác mọi năm, kèm theo hồi ức về Trung thu quê nhà.

Ngày Tết lớn xứ Hàn

Người Hàn Quốc và Triều Tiên đón dịp Chuseok vào rằm tháng 8 (âm lịch) nên cũng coi đây là ngày Tết Trung thu. Đây là Tết lớn chính chức trong năm của quốc gia này, người dân được nghỉ lễ.

Kim Hyung-il đang sống cùng mẹ ở quận Bình Thạnh. Hai năm ở TP.HCM, chàng trai đến từ Seoul từng đón Trung thu cùng người Việt.

Anh Kim nhận xét lễ Chuseok xứ Hàn giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Nhiều hàng quán đóng cửa, mọi người dành thời gian cho gia đình, người dân đổ về quê và đi du xuân. Ai cũng sắm sửa quần áo, tranh thủ diện hanbok.

nguoi nuoc ngoai don trung thu anh 2

Khay bánh songpyeon anh Kim Hyung-il mua được từ siêu thị Hàn Quốc gần nhà. Ảnh: NVCC.

“Tết Trung thu ở Việt Nam không làm lớn như ở nước tôi. Ở Hàn Quốc chúng tôi thu hoạch lúa mỗi năm một lần vào dịp này, do đó tết Trung thu còn mang ý nghĩa quan trọng không kém yếu tố đoàn viên”, Kim nói.

Năm nay, anh chàng cùng mẹ tự tay chuẩn bị một số món ăn truyền thống. Do giãn cách xã hội, dù không làm được đủ đầy “mâm cơm Tết”, song hai mẹ con may mắn mua được bánh songpyeon.

Songpyeon là một trong những món ăn đặc trưng của lễ Chuseok. Bánh làm bằng bột nếp, thường được nặn thành hình nửa mặt trăng và đa dạng hương vị nhân như đậu đỏ, đậu nành, mè…

“Chuseok ngày trước tôi còn ngại ngùng khi nghe những câu hỏi khó xử từ cô, dì, chú, bác, như bao giờ lấy vợ, thu nhập bao nhiêu… Còn giờ chỉ có thể cười vui vẻ khi nghe mấy câu đó qua màn hình điện thoại từ quê nhà”, Kim Hyung-il chia sẻ.

Tiệc thịt nướng đêm rằm Đài Loan

Anh Hsu Chun Ming (Hứa Tuấn Minh) là người Đài Loan sống ở Việt Nam đã 8 năm. Những năm gần đây, anh đón Trung thu cùng vợ con ở TP.HCM.

Không có lễ thả đèn trời như ở quê nhà, không được ra đường chơi, song vợ chồng anh cố gắng cho con ăn tết đoàn viên theo truyền thống xứ Đài trong khả năng.

Anh Hứa Tuấn Minh cho biết dịp này người dân Đài Loan được nghỉ 4 ngày. Còn ở Việt Nam, anh vẫn phải làm việc bình thường, nhưng tối đến không khí trong nhà sẽ rộn ràng hơn. Vợ anh không quên chuẩn bị món thịt nướng.

nguoi nuoc ngoai don trung thu anh 3

Gia đình Đài Loan thường nướng thịt đêm Trung thu, do đó dịp này còn được gọi tên “Tết thịt nướng”. Ảnh minh họa: 中岑 范姜/Flickr.

Người Đài Loan thường tổ chức nướng thịt trong đêm rằm. Thói quen này bắt nguồn từ một chiến dịch quảng cáo nước sốt thịt nướng vào cận kề Trung thu được chiếu trong nhiều năm.

Quảng cáo có hình ảnh gia đình quây quần nướng thịt, các gia đình làm theo, từ đó coi là tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm.

Gia đình anh Hứa Tuấn Minh đang ở chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh). Trung thu năm nay các bé được ban quản lý phát lồng đèn và vui đón Trung thu ngoài ban công.

Bên Đài Loan, Trung thu được xem là Tết đoàn viên, con cái sẽ về sum họp với bố mẹ. Hiện tại con anh chỉ có thể “quây quần” với ông bà ở Đài Nam qua màn hình, với vài chiếc bánh nướng.

Chiếc bánh làm nên Trung thu thời giãn cách

Trung thu cũng là dịp tết lớn ở một số quốc gia Đông Nam Á, có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng người gốc Hoa.

Anh Daniel Tingcungco (người Philippines) cho biết một số đồng hương gốc Hoa của anh đang sống ở TP.HCM cũng nhớ Trung thu quê nhà, dù không mang ý nghĩa Tết đoàn viên.

Ở Manila, người dân trang trí lồng đèn sáng rực khu phố Tàu Binondo, xuống đường đi chơi, tổ chức diễu hành và nhảy múa. Cộng đồng người Philippines gốc Hoa có truyền thống chơi trò xúc xắc và ăn bánh Trung thu đêm rằm.

Nay đang trong giãn cách ở TP.HCM, người bạn gốc Hoa của anh Tingcungco đã cố đặt vài chiếc bánh nướng, xem lại những hình ảnh vài năm trước đón trăng ở Philippines, coi như là vui Trung thu xa quê.

Không may mắn như người bạn của anh Tingcungco, ông Chock Yee Hoong (người Malaysia gốc Hoa) không đặt mua được chiếc bánh Trung thu nào.

“Người Malaysia gốc Hoa thường ăn tối cùng gia đình, trang trí và rước đèn lồng, thắp nến, lên chùa, phá cỗ. Những truyền thống này năm nay tôi chẳng thể thực hiện, có chiếc bánh cũng khó mua vì shipper hủy đơn liên tục và giá thành khá cao”, ông Chock tâm sự.

Trung thu này, người đàn ông 38 tuổi chỉ gọi điện về nước, rồi cùng vợ con ăn tối trong căn hộ ở chung cư Masteri An Phú (TP Thủ Đức). Con ông Chock mới 2 tuổi, vợ chồng ông cũng không muốn bày biện gì nhiều.

Trong 4 năm ở TP.HCM, Chock Yee Hoong thường sum họp cùng gia đình của vợ người Việt vào rằm tháng 8. Ông từng đến khu người Hoa ở đây nhưng không vào dịp Trung thu.

“Sau này nếu không còn Covid-19, khi con lớn hơn, tôi có thể đưa vợ con đi chơi phố Tàu ở TP.HCM, mua lồng đèn, mua bánh Trung thu cho giống không khí quê nhà”, ông Chock chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn