Nhà thiết kế sinh năm 1992 cho hay trong một tháng đi tình nguyện viên, anh thay tã, vệ sinh giúp bệnh nhân Covid-19.
Nguyễn Minh Tuấn cho biết anh vừa trở về Nhà thiếu nhi quận 9, TP.HCM sau 7 tiếng tình nguyện viên chăm sóc F0 tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM. Trò chuyện cùng Zing với gương mặt đẫm mồ hôi, hằn vết khẩu trang, nhà thiết kế quê Bình Dương tâm sự anh hạnh phúc khi được chăm sóc bệnh nhân Covid-19 suốt một tháng qua.
“Tôi thấy bình thường khi thay tã, vệ sinh cho F0”
– Công việc tình nguyện viên của anh trong Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM như thế nào?
– Tôi đăng ký làm tình nguyện viên theo lời đề nghị của người bạn thân. Bạn biết thông tin bệnh viện điều trị Covid-19 cần tình nguyện viên từ chùa Giác Ngộ. Chúng tôi bắt đầu công việc từ ngày 22/7. Một tháng qua, công việc của tôi là lau phòng, thu gom rác ở từng phòng điều trị bệnh nhân. Mỗi ngày, có rất nhiều rác gồm đồ ăn, tã, dụng cụ y khoa.
Ngoài ra, chúng tôi còn hỏi xem bệnh nhân cần gì và giúp đỡ họ. Chúng tôi cũng có thể mang nước, bón cho họ ăn và thậm chí thay tã, lau rửa khi họ đi vệ sinh. Đa số bệnh nhân ở đây đều thở oxy, không thể đi vào nhà vệ sinh.
Nguyễn Minh Tuấn cho biết tham gia tình nguyện viên vì muốn góp công sức vào việc chống dịch. Ảnh: NVCC. |
– Thời điểm đầu làm công việc thay tã, vệ sinh cho bệnh nhân Covid-19, tâm trạng của anh ra sao?
– Khi đăng ký tình nguyện viên nghĩa là bản thân mong muốn được giúp mọi người. Làm công việc đó, nhiều tình nguyện viên, điều dưỡng không chịu nổi, ói ra khẩu trang.
Tôi phải tự trấn an tinh thần của mình. Tôi vốn là người gan lì, từ nhỏ đã học võ nên chuyện nặng nhọc cảm thấy rất bình thường. Gia đình tôi cũng xuất phát điểm nghèo khó nên hầu như không có khó khăn nào khiến mình sợ hãi nữa.
– Đâu là khó khăn nhất với anh khi phải làm công việc tiềm ẩn lây nhiễm và hoàn toàn khác chuyên môn của mình?
– Mặc bộ đồ bảo hộ liên tục trong 6-7 tiếng khiến ai cũng nóng nực, mồ hôi chảy nhiều. Tôi vừa đeo kính cận, kính chống giọt bắn, mồ hôi nhiều làm tầm nhìn bị hạn chế. Nhưng mắt mờ thế nào, tôi vẫn phải làm việc. Đôi khi ngứa mặt, cơ thể, tôi cũng không thể gãi.
Nhưng tất cả điều đó không khó chịu bằng cảm giác thẫn thờ, chết đứng 5 giây khi người bệnh nhân mình mới chăm sóc hôm qua, đến hôm nay đã qua đời.
Các ca bệnh vào Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM đa số nặng, phải thở oxy. Họ bị di chuyển đến những tầng điều trị khác nhau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Nếu người bệnh có tiến triển tốt, họ được đưa lên tầng cao, ngược lại sẽ được chuyển xuống tầng thấp. Trong quá trình di chuyển, họ bị thất lạc quần áo, điện thoại. Hoặc sức khỏe yếu, họ không thể liên lạc được với người nhà.
Tôi biết nhiều người nhà lo lắng, tìm cách liên hệ với bệnh nhân. Vì vậy, tôi và bạn thân tham gia các diễn đàn giúp kết nối giữa người nhà và bệnh nhân. Có trường hợp, tôi tìm được bệnh nhân nhưng đồng thời phải báo tin buồn về gia đình. Trong điện thoại, lắng nghe người thân gào thét đau đớn, tôi cũng khóc, cảm giác như chết lặng.
Tôi bớt mong cầu sau khi tình nguyện viên
– Anh thay đổi cách nhìn cuộc sống thế nào sau khi chứng kiến những chuyện đau lòng đó?
– Ngày đầu tiên đến làm tình nguyện viên, tôi bị sốc. Khi đó, tôi làm việc ở tầng 4 (Bệnh viện có 9 tầng điều trị) phải chứng kiến nhiều bệnh nhân giành giật sự sống. Họ thở thoi thóp, khó khăn. Từ giây phút đó, tôi nghĩ mình nên trân trọng hơi thở, cuộc sống hơn.
Bình thường, tôi nghĩ việc thở là đương nhiên, bản thân luôn quan tâm chuyện ăn ngon mặc đẹp, kiếm tiền… Tôi tự nhủ bản thân cần bớt mong cầu những thứ xa xỉ, tập trung làm những điều ý nghĩa cho người thân, xã hội.
Nguyễn Minh Tuấn cho biết bản thân thay đổi khi đi tình nguyện viên. Ảnh: NVCC. |
– Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân Covid-19, theo anh, đâu là vấn đề trong việc phòng chống dịch của người dân?
– Tôi mong muốn thực hiện một clip hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách. Việc đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng người dân lại chưa làm đúng. Họ đeo nhưng vẫn hở mũi hoặc đưa tay chạm vào khẩu trang.
Không ít người lại có tâm lý chủ quan, không nghĩ Covid-19 nguy hiểm dẫn tới không tuân thủ các biện pháp phòng tránh. Có một bệnh nhân 50 tuổi, nằm ở tầng 7 nói với tôi: “Nếu cô biết vào viện khổ cực thế này, cô sẽ cẩn thận hơn. Lúc đó, ở nhà cho cô ăn cơm với muối một tháng cũng chịu được”.
Dù vậy, tôi vẫn động viên cô lạc quan, suy nghĩ tích cực. Tôi khuyên cô nên cảm thấy may mắn khi mắc Covid-19 ở thời điểm này mà vẫn được vào viện điều trị.
– Một số tình nguyện viên bị mắc Covid-19 có khiến anh lo lắng?
– Nhiều người bạn nói tôi bị điên khi tình nguyện vào chăm sóc F0. Mẹ tôi đã khóc khi biết tin tôi đi tình nguyện viên. Tôi là con một trong nhà nên ở đâu, làm gì đều khiến cha mẹ lo lắng. Mỗi ngày, mẹ tôi đều nhắn tin dặn dò cẩn thận.
Làm tình nguyện viên trong một tháng, tôi không hối tiếc điều gì. Đó là việc làm cần thiết, ý nghĩa, lan tỏa năng lượng tích cực giữa mùa dịch. Tôi hạnh phúc với những gì mình đã làm. Nhưng tôi có một chút chạnh lòng khi để cha mẹ lo lắng cho mình quá nhiều.
Tôi biết một số tình nguyện viên bị dương tính sau thời gian làm việc nhưng bản thân luôn giữ tinh thần lạc quan. Tôi cố gắng chỉn chu và cố gắng làm đúng hướng dẫn về xịt khử khuẩn, mặc và thay đồ bảo hộ.
Nguyễn Minh Tuấn tốt nghiệp thủ khoa khoa Thiết kế thời trang Đại học Hutech 2016. Anh là một trong các nhà thiết kế phụ trách trang phục dạ hội cho thí sinh Miss World Việt Nam 2019, Hoa hậu Việt Nam 2020. Anh từng cộng tác với hoa hậu Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh, H’Hen Niê, Khánh Vân. |
Nguồn: News.zing.vn