Thiết kế Canva, trợ lý online là những ngành nghề mới mẻ, không yêu cầu bằng cấp cao, linh hoạt thời gian và có thể làm việc từ xa nên được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Với Nguyễn Thị Kim Huệ (25 tuổi, quận 12), 4 tháng giãn cách xã hội trở thành khoảng thời gian bận rộn hơn bao giờ hết.
Hàng ngày, cô đều dành ra vài tiếng rèn luyện tay nghề, soạn giáo án, lên kế hoạch tổ chức khóa học thiết kế với công cụ Canva.
“Thiết kế Canva tuy không mới, song gần đây nhận được sự quan tâm của nhiều người. Mình ấp ủ dự định này được một thời gian rồi, nhưng đợt nghỉ dịch tạo động lực và cơ hội để biến ý tưởng này thành hiện thực”, Kim Huệ chia sẻ với Zing.
Chuộng công việc online, linh hoạt
Năm 2019, Kim Huệ lần đầu sử dụng website thiết kế trực tuyến Canva để phục vụ cho công việc. Tới cuối năm ngoái, cô chuyển sang làm freelance và nhận thiết kế cho các cá nhân, cơ sở kinh doanh nhỏ.
Kim Huệ tập trung tâm sức cho khóa học thiết kế Canva của mình trong dịch. |
Kim Huệ nói với Zing rằng gần đây, nhu cầu sử dụng công cụ thiết kế này tăng đáng kể, thiết kế Canva cũng trở thành công việc chính của nhiều người trẻ.
“Đa số sử dụng công cụ này để chỉnh sửa hình ảnh, thiết kế logo, banner… cho cá nhân hoặc các shop nhỏ. Canva dễ sử dụng, linh hoạt và dễ học nên được nhiều bạn trẻ sử dụng trong học tập, công việc”, cô giải thích.
Ban đầu, Kim Huệ vừa mày mò, vừa nhận yêu cầu thiết kế và đăng một số sản phẩm lên các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm, nhận góp ý.
Được nhiều người khen ngợi, khuyến khích mở lớp, Kim Huệ ấp ủ dự định mở khóa học thiết kế Canva. Hồi tháng 5, cô bắt đầu lớp học trực tiếp đầu tiên với khoảng 10-13 người, dự định mỗi tháng duy trì một khóa.
“Khi chuyển lớp học thành online, mình lo sẽ không có người tham gia. Nhưng thực tế, số học viên lại tăng. Các lớp trực tuyến mình dạy có 15-18 người, ai cũng tranh thủ đợt nghỉ dịch học thêm kỹ năng, cải thiện tư duy thiết kế để tự kinh doanh, nhận thêm việc hay xin tăng lương ở công ty”, cô nói.
Trần Thị Trâm vừa học online, vừa nhận thiết kế logo, banner… cho các shop nhỏ nhờ công cụ Canva. |
Kim Huệ cho biết ý tưởng dạy về một lĩnh vực mới mẻ như Canva và công việc freelance giúp cô có mức lương cao hơn thời điểm đi làm văn phòng lúc trước, linh hoạt hơn về thời gian cá nhân.
Việc thiết kế Canva cũng giúp Trần Thị Trâm (19 tuổi, quận Gò Vấp) có kinh phí trang trải vào đợt giãn cách.
Mắc kẹt lại TP.HCM vì dịch, cô chuyển tới nhà người thân sinh sống, vừa học online, vừa duy trì “nghề tay trái” này để mua sắm thực phẩm, sách vở, học thêm các khóa kỹ năng khác.
“Mình bắt đầu nhận thiết kế bằng Canva từ năm 2019, khi mới mở shop kinh doanh mấy món đồ nhỏ. Thấy nhiều người có nhu cầu đặt làm banner, logo, trang trí trang web bán hàng nên mình thử liên hệ và bén duyên với công việc tới tận bây giờ”, Trâm nói.
Cô bạn cho biết bản thân tự học cách sử dụng công cụ này trên Internet, chủ động tìm đối tác qua mạng xã hội.
“Ngày càng nhiều người biết đến Canva và sử dụng nó như một công cụ kiếm tiền chính. Tuy nhiên, mình chỉ có thể nhận một số kiểu yêu cầu thiết kế nhất định vì chưa phải dân chuyên. Song, nó vẫn có nhiều ưu điểm như linh động về nơi làm việc, không yêu cầu bằng cấp và dễ sử dụng”.
Chọn nghề có triển vọng hậu Covid-19
Thay vì lên văn phòng làm việc, Ngô Phương Thy (29 tuổi, quận 1), trợ lý online, chỉ cần ngồi trước máy tính ở nhà, sắp xếp và giải quyết mọi vấn đề của công ty đối tác.
Do đặc thù nghề nghiệp, cô không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gặp khó khi work from home như một số ngành khác.
Chia sẻ với Zing, Phương Thy cho biết cô bắt đầu làm trợ lý online từ cuối năm ngoái. Cô từng nghe đến ngành nghề này, nhưng nghĩ nó chỉ phát triển ở nước ngoài.
“Trợ lý online sẽ xử lý vấn đề hành chính nhân sự cho cá nhân, doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến. Từ những công việc như sắp xếp lịch trình, đặt lịch hẹn cho đến chấm công, tuyển dụng, tính lương… Mình bất ngờ khi biết ở Việt Nam có công ty cung cấp dịch vụ này do nghề còn khá mới lạ”, cô nói.
Công việc của Phương Thy không bị ảnh hưởng quá nhiều trong đợt dịch, đem lại thu nhập ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp. |
Mỗi ngày, Phương Thy sẽ bắt đầu ngày làm việc lúc 8h30 bằng cách liệt kê các đầu việc, giải quyết theo thứ tự ưu tiên mà khách hàng yêu cầu tới 17h30.
Cô đảm nhiệm nhiều đầu việc từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp như book vé, làm visa, quản lý căn hộ, dịch văn bản, thiết kế PowerPoint, xử lý văn bản pháp lý…
Ngoài ra, cô cũng làm việc thêm giờ, luôn có mặt để xử lý vấn đề của khách hàng ngay cả trong ngày nghỉ lễ.
“Mình thấy công việc khá thú vị vì được tiếp xúc với khách hàng trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực. Bản thân mình cũng liên tục nghiên cứu thêm để hoàn thành công việc vì luôn phải giải quyết vấn đề ở các mảng, vị trí khác nhau. Bận rộn là vậy, song mình có thể chủ động thời gian vì làm online”, cô nói.
Nguyễn Thị Nguyệt Quang (36 tuổi), nhà sáng lập công ty dịch vụ nhân sự trực tuyến Em Ơi, cho biết đơn vị này nhận về nhiều đơn xin ứng tuyển và yêu cầu từ khách hàng hơn trong dịch.
Cô cho rằng ngành nghề trợ lý online còn khá mới mẻ ở Việt Nam, song đem lại hiệu quả cao và có tiềm năng phát triển mạnh sau đại dịch.
“Ví dụ ở một công ty có dưới 10 nhân viên, tìm nhân sự online sẽ giảm đáng kể chi phí so với thuê lao động trực tiếp. Còn chủ doanh nghiệp, người kinh doanh đơn lẻ sẽ được hỗ trợ vấn đề từ gia đình cho đến kinh doanh”, nữ founder nói.
Nguyệt Quang chia sẻ các ứng viên có thể chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, song cần có bằng đại học hoặc cao đẳng, vốn ngoại ngữ tốt, thạo công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội thành thạo, linh hoạt, tư duy logic và giao tiếp tốt để làm trợ lý online.
“Dịch bệnh có ảnh hưởng tới hoạt động của công ty một chút, nhưng nhìn chung thì không quá đáng kể. Thách thức còn khá nhiều vì ngành nghề quá mới. Song, đây sẽ là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh hậu đại dịch”, cô nói.
Nguồn: News.zing.vn