Tác giả “Cánh đồng bất tận” nói mỗi nhà văn đều có câu chuyện
của mình, không ai viết thay người khác. Điều đó cũng giống ngôi sao lớn nhất không sáng thay những ngôi sao khác.
Trong tuần qua, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tham gia chuyên mục “Chia sẻ cùng tác giả” trên fanpage của Nhà xuất bản Trẻ. Đây là hoạt động ý nghĩa, kết nối tác giả với bạn đọc trong mùa giãn cách. Hàng trăm câu hỏi được gửi tới nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: Y Nguyên. |
Có câu chuyện muốn kể
Tác giả Cánh đồng bất tận đã chọn ra một số câu hỏi và trả lời bạn đọc. Trong đó, độc giả Phiên An hỏi có bao giờ “chị Tư” đọc một tác phẩm văn học nào đó rồi cảm thấy không muốn viết nữa, vì tác giả mình vừa đọc đã viết quá hay rồi, cảm giác điều mình từng viết hoặc dự định viết là dư thừa khi đứng trước tác phẩm này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói: “Tôi luôn viết dưới bóng những nỗi sợ”. Chị khiêm tốn ví việc tiếp cận nền văn học thế giới giống trèo lên giếng “càng gần miệng giếng, tiếp cận nền văn học thế giới, càng ngộp thở”.
Có những lúc tác giả Gió lẻ cảm thấy mình không nên viết thêm nữa, cố lắm cũng không tới. Nhưng nếu như vậy, hẳn bạn đọc đã không được thưởng thức những Đảo, Sông, Cố định một đám mây, Biên sử nước…
Điều khiến Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục cầm bút bởi trong chị có chuyện muốn kể, những ý tưởng dấy lên trong đầu.
“Những nhà văn khủng mà tôi phục sát đất ấy, mấy ông không viết thay tôi câu chuyện này được. Họ có những câu chuyện của họ. Giống như sao trên trời, ngôi sao lớn nhất không sáng thay cho những ngôi sao khác, mỗi chúng đều có ánh sáng riêng. Tôi nghĩ tự tắt đi ánh sáng của chính mình vì sợ hãi thì thật là hèn nhát, và không thật tự nhiên”, Nguyễn Ngọc Tư phản hồi độc giả.
Một số sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB Trẻ. |
Chúng ta hay kỳ vọng vào người khác
Một số bạn đọc hỏi về công việc viết lách và sự thay đổi văn phong của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Bạn đọc Hữu Hà hỏi: “Chị Tư nghĩ sao khi có độc giả thường xuyên theo dõi mình mà cảm xúc của họ khi đón nhận một tác phẩm mới không còn là niềm hứng khởi, thay vào đó là sự hoài nghi ít nhiều. Đầu họ luôn tự đặt những câu hỏi, liệu trong cuốn này, chất mộc và cái riêng của chị còn như lúc ban đầu”.
Nữ tác giả chia sẻ cảm giác của chị khi đọc tác phẩm của nhà văn mà mình theo dõi: “Tôi cũng vậy hoài, lần lữa bên một tựa sách mới của tác giả mà mình từng dõi theo, sợ cuốn này không bằng mấy cuốn mình từng đọc trước”.
Chị giải thích có cảm giác đó bởi chúng ta hay kỳ vọng vào người khác, không chỉ riêng nhà văn mà còn vào con cái, bạn bè, cả những điều tưởng chừng không liên quan mình như màu sơn của bưu điện (sao nó không vàng rơm mà xanh lè).
“Thật may, ngoài là người đọc, tôi còn viết, nên hiểu được tại sao Gabriel García Márquez vẫn viết những cuốn sách mà chính ông cũng biết sẽ không vượt qua được Trăm năm cô đơn. Hay như Ryū Murakami, nhà văn Nhật mà tôi quan tâm, cũng có cuốn này cuốn khác. Nhưng tôi nghĩ, những thứ tôi không thích thì không phải do nó sai, chỉ là có thể không dành cho mình”, Nguyễn Ngọc Tư nói.
Đối với tác giả Cánh đồng bất tận, những nhà văn ấy thật dũng cảm, thuận tự nhiên, tuyệt đối tự do, khi không đóng khung chính mình vào khuôn khổ nào.
Chị cho rằng “chừng nào chưa vào khuôn thì còn tràn ra, lớn rộng ra, còn giãn nở. Một nhà văn mà người đọc không chút hồ nghi nào, dễ dàng đoán được phong vị một cuốn sách của ông/bà ấy ngay khi chưa mở nó ra, thì người đó thật bất hạnh”.
Nguồn: News.zing.vn