Mỗi gia tộc M’nông sống trong một bon thường làm chung một nhà dài. Nhà dài chứa từ năm, mười hộ cho đến hàng chục hộ, mỗi hộ đều có kho lúa và bếp nấu ăn riêng, của cải tài sản cũng phải quản lý riêng biệt từng hộ.
Không gian nhà ở
Theo quan niệm của đồng bào M’nông, làm nhà dài có nhiều cái lợi: không tốn phên che vách hông, vào mùa mưa đi lại từ hộ này sang hộ khác không bị mưa ướt, bà con dòng họ được sống chung trong một mái nhà, chết sống có nhau, đói rét giúp nhau. Gia đình gốc, tức là thế hệ đầu tiên ở giữa, cai quản các hộ thành viên, những gia đình mới tách hộ ở hai bên.
Cách bố trí không gian trong ngôi nhà dài theo một trật tự được quy định: Kho lúa làm trên gác, phía dưới làm bếp nấu ăn, hai bên làm sạp ngủ, phía trên làm sạp dài liền nhau cả dãy nhà, phía dưới làm sạp từng hộ, để khoảng trống chừng bốn sải để làm cửa và có chỗ để giã lúa khi trời mưa.
Kho lúa của mỗi hộ đặt cuối dãy nhà, nối đuôi nhau. Mỗi kho lúa đều có thang riêng để lên xuống khi cần lấy lúa. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ra ăn.
Ngay cửa ra vào có một bếp lửa dành cho đàn ông và khách. Bếp lửa phía dưới kho lúa dành cho đàn bà con gái nấu ăn. Ngoài ra còn có bếp lửa trong phòng ngủ dành cho đàn bà có con nhỏ. Trong nhà bố trí giường và sạp ngủ cho các thành viên như ông bà, cha mẹ, con gái, con trai, chủ và khách. Trên đầu giường thường để ngay ngắn một hàng ché rượu cần lớn. Phía trên vách còn treo thêm một hàng ché nhỏ, bầu gạo và nồi nấu cơm. Dưới mái nhà ngay cửa ra vào là nơi cất ná và chà gạt. Hai bên cửa ra vào sát giường cha mẹ ngủ bố trí một cái sạp để bầu nước, ngay dưới sạp là nơi chất củi.
Dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt cũng được bố trí theo đúng quy định trong nhà. Bộ cồng chiêng treo sát vách phía trên hàng ché lớn, túi cá nhân treo vào cột nhà. Những vật quý của gia đình thường được giữ trong một chiếc gùi có nắp đặt phía trên đầu nằm của ông bà hoặc cha mẹ. Chén đĩa và thức ăn để trên sạp, gần chỗ con gái và ông bà ngủ. Cối và chày giã lúa cất phía ngoài hai bên cửa ra vào. Những chiếc gùi và nia treo trên bếp lửa. Bàn thờ hồn lúa đặt phía sau kho lúa, ngay cửa ra vào, phía sau nhà có trồng ngải hộ thân. Mỗi khi uống rượu hoặc khi có lễ cúng, trước khi ăn uống phải phết rượu và máu lợn, gà, trâu, bò vào đá bếp, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ đầu dê, đầu vịt và bụi ngải trồng phía sau nhà để cho các Thần phù hộ gia đình.
Bảo tồn nhà ở truyền thống dân tộc M’nông
Tập quán cư trú trong ngôi nhà dài tồn tại từ rất lâu đời của đồng bào M’nông, Mạ, S’tiêng ở tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước. Đây là nét đặc trưng của kiến trúc của cư dân sinh sống trên cao nguyên. Khi thực hiện cuộc sống định canh định cư, tách hộ, nhà dài của người M’nông và các dân tộc khác dường như bị quên lãng, nhà ngắn của gia đình cá thể trở nên phổ biến ở các buôn làng.
Tuy nhiên, với nét kiến trúc và tập quán cư trú độc đáo, một số nhà dài đã được phục hồi nguyên mẫu. Tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên, khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, khu du lịch Thác Bảy Nhánh, các làng du lịch bên Hồ Lắc (Đắk Lắk)… nhà dài truyền thống của dân tộc M’nông được phục dựng, là công trình kiến trúc vừa làm nơi lưu trú cho du khách vừa phục vụ tham quan, tìm hiểu, khám phá nét văn hóa cổ xưa của đồng bào.
Hiện nay, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã phục dựng một vài ngôi nhà truyền thống của người M’nông bên cạnh các loại hình kiến trúc của dân tộc khác. Đây là cách làm hiệu quả để bảo tồn kiến trúc dân tộc M’nông, giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc bản địa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn