Đối với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Bác Hồ là đề tài lớn của thi ca, tuyển chọn thơ về Người vừa là trách nhiệm công dân, vừa xuất phát từ tình cảm chân thành ông dành cho lãnh tụ.
Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà báo nước ngoài, Bác Hồ nói: “Tôi cống hiến cả đời mình do dân tộc”. Sự hy sinh cao đẹp, trọn đời cho Tổ quốc trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ, không chỉ ở Việt Nam mà còn chạm tới trái tim bao nhà thơ đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Tuyển tập Vào cõi Bác xưa tập hợp 141 bài thơ của 115 nhà thơ Việt Nam và nước ngoài viết về Người trong suốt hơn 75 năm qua, kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay, thể hiện muôn vàn tình yêu dành cho vị lãnh tụ.
Cuốn sách ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021). Là một trong hai người nắm giữ nhiệm vụ tuyển chọn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về quá trình làm nên “công trình khoa học vĩ đại” này.
Nguồn tư liệu đồ sộ viết về Bác
– Thời điểm nhà thơ bắt tay vào tuyển chọn những bài thơ viết về Bác là khi nào?
– Sau thành công của tập hồi ký Những người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô cũ (23/5/1950-23/5/2020) do tôi và anh Nguyễn Văn Minh dịch, NXB Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề muốn tôi làm một tuyển tập thơ về những tác giả Việt Nam và nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Vào cõi Bác xưa ra đời vừa là trách nhiệm công dân, vừa là tình cảm chúng tôi dành cho Bác.
Đây là một công trình khoa học lớn về Bác. Tôi và nhà thơ Trần Hậu đặt mục tiêu là đến tháng 3 năm nay phải hoàn thành ấn phẩm này.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. |
– Bác Hồ là đề tài bao la của thi ca. Ông chọn ra 141 giữa hàng nghìn bài thơ dựa trên tiêu chí nào?
– Nhà thơ Vũ Cao có một số vần thơ rất hay, mang hàm ý bao quát: “Người là quê hương, là tình yêu đất nước/ Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn”. Quả thực, Hồ Chủ tịch vừa là người con của đất nước, vừa là đề tài của thi ca.
Đứng trước nguồn tư liệu đồ sộ như vậy, chúng tôi buộc phải tuyển chọn dựa trên hai tiêu chí. Thứ nhất là về mặt nội dung. Phải công nhận một điều rằng bài thơ nào cũng ca ngợi về Bác, về hình ảnh vị cha già dân tộc, tình cảm, lý tưởng của Người…
Tiêu chí thứ hai là nghệ thuật. Thơ là phải hay, phải thể hiện tình người, tình đồng chí, tình cảm dân tộc với hình thức cao đẹp nhất. Nếu tình cảm dành cho Bác không thể hiện bằng ngôn từ đầy nghệ thuật thì không thể chọn được.
– Việc tuyển chọn có phải đã vượt qua nếp quen thường nhật (chỉ chọn những bài thơ của những nhà thơ nổi danh, bỏ qua những tác giả mới xuất hiện) không, thưa ông?
– Chúng tôi chỉ tuyển chọn những tác phẩm đủ hay để đưa vào. Tác phẩm hay – đó là một yêu cầu tối thượng, không căn cứ vào tên tuổi của nhà thơ.
Những nhà thơ sau này như Nguyễn Hưng Hải chẳng hạn, là cây bút trẻ nhưng chúng tôi chọn đến ba bài của anh. Tôi muốn nói rằng tên tuổi, thói quen viết về Bác hay chức danh của tác giả không quyết định tiêu chí tuyển chọn.
Vào cõi Bác xưa tuyển chọn 141 bài thơ của 115 tác giả trong và ngoài nước, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. |
– Tên gọi “Vào cõi Bác xưa” được lấy cảm hứng từ đâu, thưa nhà thơ?
– Rất nhiều đồng nghiệp và cả nhà xuất bản đề xuất chúng tôi đặt tiêu đề sao cho gắn với hành trình của Bác, đồng thời phải thể hiện cội nguồn dân tộc. Cuối cùng, tôi chọn tiêu đề dựa trên một câu thơ trong tập Theo chân Bác: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng, nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa”. Đó là những câu thơ tôi rất tâm đắc.
Cũng trong bài thơ đó, Tố Hữu viết: “Còn đôi dép cũ, mòn quai gót/ Bác vẫn thường đi giữa thế gian”. Theo tác giả, Bác vẫn thường hiện hữu trên cuộc sống này. Thế gian ấy là “cõi”, là “tiên”. Tiêu đề Vào cõi Bác xưa bắt nguồn từ đó. Với tiêu đề này, tôi đã thuyết phục được cả nhà xuất bản và rất nhiều đồng nghiệp.
Tuyển thơ vượt qua mọi rào cản
– 141 bài thơ khi đưa vào tuyển tập được nhà thơ sắp xếp theo bố cục như thế nào?
– Bố cục tác phẩm gồm hai phần: Thơ trong nước và thơ nước ngoài. Tất nhiên, phần thơ trong nước nổi trội hơn, bởi có hàng nghìn bài thơ. Sau khi Bác mất, mỗi số báo hay tạp chí ra đều có vài bài thơ viết về Bác.
Đối với phần thơ nước ngoài đã được dịch, chúng tôi sắp xếp cân đối, hài hòa về dung lượng. Bởi có những tác giả viết rất nhiều về Bác, không thể đưa hết thơ của họ vào, có những bài chúng tôi buộc phải ngắt đoạn.
Về thứ tự sắp xếp, chúng tôi xếp theo thứ tự bảng chữ cái, thơ Việt Nam trước, nước ngoài sau, và sau cùng là phần tiểu sử của từng tác giả.
Tiêu đề tuyển tập được lấy cảm hứng từ bài thơ Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu. |
– Việc tìm kiếm, tập hợp và tuyển chọn chắc hẳn gặp không ít khó khăn khi phần lớn các tác phẩm được sáng tác vào thời điểm chưa có Internet?
– Việc sàng lọc phải dựa trên nhiều tìm kiếm ở thư viện, vì nhiều tác phẩm ra đời trước năm 1975, trên Internet không xuất hiện. Hơn nữa, có những bài thơ có rất nhiều dị bản, đòi hỏi chúng tôi phải tìm ra đúng nguyên bản.
Đặc biệt, ở nhiều thư viện người ta không cho phép chúng tôi đưa sách về. Anh Trần Hậu đã vào thư viện và chụp lại toàn bộ các bài thơ đó, rồi ngồi đánh máy lại, tra tên tác giả, tìm cách liên lạc với họ. Trong số đó, còn có những bài thơ không đề tên tác giả.
Ví dụ, nhà thơ Trinh Đường viết rất nhiều về Bác, nhưng chúng tôi không tìm thấy bài thơ nguyên bản nào của ông. Hay ví dụ khác, một bài thơ vô danh rất hay tôi đọc được từ những năm 70 mà tôi cho rằng tác giả là một chị cấp dưỡng nấu cơm.
Tôi nhớ bài thơ đó viết: “Con từng nghỉ phép về quê Bác/ Học muối tương cà, kho cá ngon […] Bỗng tin Bác mất trời mưa lớn/ Đôi đũa con cầm bỗng sụt rơi […] Cà giòn, tương đậm còn nguyên vại/ Muối xót lòng con lắm Bác ơi”.
Thơ về Bác “còn, sẽ còn mãi với thời gian”
– Trong quá trình tuyển chọn, nhà thơ ấn tượng với bài thơ, tác giả nào nhất?
– Đây là một câu hỏi khó với tôi, vì bài nào cũng hay cả. Tôi như lạc giữa rừng thơ, một khu rừng của những cây đại thụ, khiến tôi ngợp bóng.
Nhà thơ Tố Hữu khi viết về Bác, xét về mặt thi pháp, ông chỉ miêu tả đúng hai chi tiết: Chòm râu và đôi mắt. Ta gặp rất nhiều hình ảnh đó trong bài Sáng tháng Năm: “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười/ Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!”. Hay như câu: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường”. Càng về sau, thơ Tố Hữu viết về Bác càng xúc động, lột tả rõ chân dung, nội tâm, tư tưởng của Bác.
Lúc Bác mất, nhà thơ Thu Bồn còn đang ở miền Nam. Tôi ấn tượng khi ông “ghen” với nhà thơ Cuba vì từ vạn dặm xa xôi, thi sĩ Cuba vẫn đến thăm viếng Bác được, trong khi ông chỉ cách một dòng Bến Hải: “Bạn từ bãi biển Hirôn/ Bạn còn đến kịp để hôn Bác Hồ/ Mà con trông đợi Bác vô/ Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng”.
Thơ về Bác bao giờ cũng là những tác phẩm tự nguyện, “không đặt hàng”, xuất phát từ tấm lòng của những người kính yêu Bác, có những người thậm chí chưa từng gặp Bác.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho biết ông và nhà thơ Trần Hậu phải liên lạc qua Internet hàng ngày để trao đổi công việc tuyển chọn, vì trong quá trình đó, hai nhà thơ cách nhau cả 10 nghìn km. |
– Nguồn cảm hứng nào khiến ông say mê và hoàn thành nhiệm vụ “khó nhằn” này?
– Nhiệm vụ này cũng là nguyện vọng của cá nhân tôi. Sau thành công của cuốn Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có động lực để làm cuốn sách thứ hai về Người.
Làm nên thành công này, tôi nghĩ có nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến sự quan tâm của NXB Thông tin và Truyền thông, đơn vị đã gửi gắm, tin tưởng chúng tôi. Thứ hai, tôi được làm việc với nhà thơ Trần Hậu – một người tỉ mẩn, thẩm thơ giỏi và có trách nhiệm với công việc. Thứ ba, đó là tình cảm. Tôi thuộc hàng trăm bài thơ về Bác, tôi có niềm say mê lớn và tình cảm đặc biệt dành cho lãnh tụ.
– Với sự ra đời của tuyển tập này, ông hy vọng độc giả trẻ sẽ đón nhận ra sao?
– Đa số trong Vào cõi Bác xưa là những bài thơ đã cũ, số lượng bài thơ mới không nhiều. Nhiều người ắt sẽ nghĩ rằng cũ thì không có gì quá hấp dẫn. Nhưng tôi không cho rằng như thế, cái gì còn thì sẽ còn mãi với thời gian. Hơn nữa, phải xét đến yếu tố nhân vật trong tập thơ là ai? Người là Hồ Chí Minh – con người vĩ đại bậc nhất Việt Nam, Người “không thích ngồi ghế cao chót vót/ Cho ai kia cầu nguyện phụng thờ mình”, mà chỉ muốn “ngang tầm cao thấp với chung quanh”.
Đọc thơ về Bác không phải là để tung hô khẩu hiệu, mà đọc phải xuất phát từ tình cảm, để từ đó thấy được sự phát triển, tầm vóc, dấu ấn của thi ca Việt Nam. Tuyển tập này có thể đưa vào làm thành một bản luận án cho sinh viên, đưa vào giảng dạy về vấn đề thi pháp, chức năng của thi ca, hay kinh nghiệm sáng tác…
Tôi tin rằng, nếu cuốn sách này được quảng bá đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó sẽ hấp dẫn và có ý nghĩa với tất cả những ai đọc nó.
Nguồn: News.zing.vn