Nhiều gia đình bất ổn khi bố mẹ và con cái cùng ở nhà

0
49

Nhiều đứa trẻ từng thân thiết với cha mẹ, nhưng kể từ khi đại dịch nổ ra, mối quan hệ giữa họ bị ảnh hưởng vì các vấn đề trong cuộc sống.

Alexis, 17 tuổi ở Mỹ, là một cô bé luôn gần gũi, thân thiết với cha mẹ. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, gia đình cô bắt đầu cãi nhau.

“Đại dịch khiến chúng tôi mắc kẹt trong nhà, những cảm xúc tiêu cực cứ lớn dần lên, xung đột giữa cha mẹ và con cái cũng nhiều hơn”, nữ sinh nói với PBS NewsHour.

Từ tháng 3/2020, cha mẹ Alexis bắt đầu làm việc tại nhà vì dịch bệnh bùng phát. Cùng thời điểm đó, chị gái của nữ sinh, vừa tốt nghiệp đại học, cũng ở nhà vì không thể tìm việc làm. Bà nội của Alexis cũng chuyển đến ở vì điều kiện sống bất ổn.

Alexis từng có phòng riêng và nghĩ rằng cô đang sống trong một ngôi nhà “bình thường”. Nhưng kể từ khi cách ly xã hội, cô nhận ra gia đình mình rất “bất thường” và hay cãi vã.

Mỗi ngày, 5 thành viên trong nhà đều chạm mặt nhau. Tất cả đều cảm thấy bí bách khi ở trong chính ngôi nhà của mình.

“Cha mẹ tôi thay đổi cảm xúc rất nhanh, họ cũng dễ nổi giận vô cớ”, Alexis tâm sự.

Gia dinh xa cach vi dai dich anh 1

Đại dịch khiến áp lực của nhiều gia đình gia tăng. Ảnh: Masala.

Vô số gánh nặng vì Covid-19

Khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, gia đình Alexis bắt đầu khủng hoảng vì mối lo về sức khỏe và tiền bạc. Thậm chí, cha mẹ cô bực bội vì Internet hỏng khi đang làm việc. Lúc đó, không khí trong nhà sẽ thay đổi, giống như một làn sóng tiêu cực bất ngờ thổi vào căn nhà.

Theo thống kê của PBS NewsHour, không chỉ riêng nhà Alexis, cha mẹ của hơn 50 triệu trẻ em trên toàn nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc sống căng thẳng cực độ.

Họ lo lắng về tình trạng sức khỏe, công việc và chăm sóc con cái. Một số khác đang chịu gánh nặng tài chính do thất nghiệp hoặc phải làm việc tại nhà trong thời gian dài.

Việc đóng cửa trường học cũng khiến nhiều cha mẹ áp lực vì phải vừa cân bằng giữa công việc và hỗ trợ con học tập. Nhiều người bày tỏ họ căng thẳng mức độ cao, hay thậm chí trầm cảm vì vấn đề này. Họ bắt đầu tìm cách trút giận lên con cái.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, những người trưởng thành có con đang phải chịu áp lực lớn hơn. Một trong những yếu tố gây ra tình trạng này là vấn đề nuôi dạy con. Gần 3/4 trong số những người làm khảo sát cho biết học trực tuyến là nguồn cơn khiến họ bực bội.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy nhiều phụ huynh mất việc hoặc phải nghỉ việc vì có con học trực tuyến. Sức khỏe tinh thần của họ cũng giảm sút kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Dorina Bekoe, mẹ của hai đứa trẻ 9 tuổi và 12 tuổi, hiểu rõ những sự căng thẳng đó. Bokoe cho biết cô áp lực vì phải cân bằng giữa việc chăm con và làm việc. Hiện, bà mẹ trẻ là một nhà nghiên cứu, công việc đòi hỏi nhiều thời gian.

Mỗi ngày, Bekoe dậy từ lúc 4h30 để hoàn thành các công việc trước khi hai con thức dậy. Đến 22h, khi bọn trẻ đi ngủ, cô mới có thời gian làm nốt công việc. Ngay cả những hoạt động quen thuộc như dùng mạng xã hội, đọc sách, tụ tập bạn bè, cô cũng không có thời gian tham gia.

“Nếu để chọn giữa đọc sách và ngủ, tôi chọn ngủ. Tôi thật sự mệt mỏi”, Dorina Bekoe nói.

Gia dinh xa cach vi dai dich anh 2

Xung đột khiến cha mẹ và con cái bất hòa. Ảnh: Medical Xpress.

Cha mẹ và con cái dần xa cách

Tháng 3/2020, khi dịch bệnh ở Mỹ bắt đầu bùng phát, Đại học Michigan thực hiện khảo sát với những cha mẹ có con dưới 12 tuổi. Kết quả cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội, họ mắng và phạt con nhiều hơn. 61% trong số này từng lớn tiếng với con ít nhất một lần mỗi tuần, 20% từng đánh hoặc tát con.

Một báo cáo khác của Đại học Oregon về những gia đình có con khuyết tật cho thấy, trẻ trở nên lo lắng, cô đơn và trầm cảm hơn trong đại dịch. Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ những cơn giận của cha mẹ.

Byron McClure, nhà tâm lý học học đường ở Washington, cho biết ông thường nhận tư vấn tâm lý cho những học sinh đang gặp vấn đề với cha mẹ trong đại dịch. Nhiều học sinh cho biết các em thường xuyên mất ngủ, thay đổi nhịp sinh hoạt, nổi cáu hoặc khóc vô cớ.

“Đôi khi trẻ không thể nói nguyên nhân, nhưng tôi tin chắc điều này bắt nguồn từ những căng thẳng trong gia đình”, ông Byron nhận định.

Malika, học sinh cuối cấp trung học, hiểu được sự căng thẳng đó. Nữ sinh cho biết cha cô phải làm thêm giờ và thường xuyên cáu kỉnh vì những lý do vặt vãnh. Ví dụ, trước đây, cha của Malika không bao giờ nổi nóng nếu cô không rửa bát đĩa. Nhưng hiện tại, ông thường khó chịu và mắng con gái vì điều này.

Mối quan hệ cha con căng thẳng khiến cuộc sống của Malika trở nên bất ổn. Nữ sinh thất vọng và không thể tập trung học bài. Mỗi ngày, cô mất nhiều thời gian để vào guồng và hoàn thành bài tập được giao. Trong lòng Malika, tình cảm cha con cô đã không còn như trước.

Lisa Sanetti, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Connecticut, cho biết nghiên cứu gần đây của bà và cộng sự cho thấy căng thẳng ở người lớn có thể tác động đến trạng thái thể chất, tinh thần của trẻ.

Sự căng thẳng này làm gián đoạn mối quan hệ của trẻ và người lớn. Nữ giáo sư hy vọng bên cạnh việc chăm sóc trẻ, người lớn cần phải biết điều tiết đời sống tinh thần của bản thân.

Jennifer Greif Green, phó giáo sư tại Wheelock College of Education and Human Development (thuộc Đại học Boston, Mỹ), cho biết hầu hết tương tác của trẻ trong kỳ nghỉ dịch đều là với cha mẹ. Nếu việc tương tác bị gián đoạn, tâm lý và các mối quan hệ của trẻ có thể bị ảnh hưởng.

Trong nhiều thập kỷ qua, phó giáo sư Jennifer và các cộng sự đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Ví dụ, khi các bà mẹ bị trầm cảm, con của họ cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn thông thường. Tương tự với môi trường giáo dục, nếu giáo viên không có tinh thần dạy học, trẻ sẽ không thể học tập tốt.

“Ngay cả khi người lớn che giấu sự căng thẳng, năng lượng này vẫn có thể truyền qua trẻ và ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng. Chỉ khi cha mẹ duy trì năng lượng tích cực, trẻ mới có thể vượt qua những cơn khủng hoảng do Covid-19 gây ra”, phó giáo sư nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn