Những câu nói của khách khiến lễ tân Việt ‘ngậm đắng nuốt cay’

0
Những câu nói của khách khiến lễ tân Việt ‘ngậm đắng nuốt cay’

Khi dỗ con gái, một khách nữ đã chỉ vào lễ tân nói: “Không ăn nhiều lớn lên học dốt,  phải đi làm giống cô kia kìa”.

Đó là câu nói của khách khiến Lê Giang, một lễ tân khách sạn ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, cảm thấy tổn thương nhất. Khi chia sẻ kỷ niệm này cho các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, Giang nhận được sự động viên bởi chính họ cũng nghe lời tương tự từ du khách.

“Một nhân viên giúp khách bê, xách vali lên phòng ở khách sạn tôi cũng nói anh từng nghe câu đó. Ban đầu, anh ấy cảm thấy bị xúc phạm nhưng sau đó nghe nhiều nên chai cảm xúc”, Giang kể. 

Nhiều phục vụ khách sạn cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghe được các câu nói vô tâm từ khách du lịch nói về nghề nghiệp của mình. Ảnh: Get Jobs Daily.

Nhiều phục vụ khách sạn cảm thấy chạnh lòng khi nghe được câu nói vô tâm từ khách du lịch nói về nghề nghiệp của mình. Ảnh: Get Jobs Daily.

Hiện với 10 năm kinh nghiệm, cô cho biết những câu nói vô tâm của khách không còn khiến mình buồn phiền, chảy nước mắt nữa. “Dù vậy, tôi vẫn muốn khách tôn trọng công việc của chúng tôi hơn”.

Tuyết Nhi, 25 tuổi sống ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cho biết khách thường xuyên “nhờ” lễ tân đi mua đồ. Một lần cô từ chối vì sảnh lễ tân lúc đó chỉ có một người, thì khách mắng: “Khách sai thì không chịu làm, ngồi ‘một đống’ ra đó làm gì”.

Từ thực tế công việc, Nhi nhận ra nhân viên khách sạn đôi khi còn phải kiêm “nghề” vú em để trông con cho khách, sắp đồ hộ vào vali. Có người thuê phòng theo tháng mua cây cảnh về rồi yêu cầu lễ tân tưới tắm, cắt tỉa… “Có lần khách đưa cho tôi miếng bánh cắn dở và nói họ không ăn hết nên cho tôi”, Nhi nói. 

Nhiều khách hồn nhiên cho lễ tân, nhân viên khách sạn đồ ăn mà họ vừa ăn dở. Ảnh minh họa: Phương Anh.

Nhiều khách hồn nhiên cho lễ tân, nhân viên khách sạn đồ ăn mà họ vừa ăn dở. Ảnh: Phương Anh.

Nam Thành, nhân viên lễ tân khách sạn 22 tuổi ở TP HCM kể về sự cố vừa gặp với một đoàn khách đặt 3 phòng từ 23/6 đến 26/6. Thấy đoàn có trẻ nhỏ nên Thành chủ động để khách nhận phòng sớm, trước giờ quy định. Hai giờ sau, đoàn khách xuống đòi trả phòng vì không thích ở. Họ cũng từ chối trả tiền cho thời gian đã nghỉ với lý do không nghỉ đủ 24 tiếng. Khi không được như ý, đoàn khách đã lăng mạ nhân viên khách sạn.

Thành buộc phải gọi điện cho bộ phận bán phòng xuống giải quyết. Họ cho biết khách phải trả tiền phòng một ngày, còn 3 phòng trống trong hai đêm tiếp theo được bán trên mạng để bù lỗ. Tuy nhiên, khách không đồng ý và tiếp tục chửi bới. Cuối cùng, giám đốc khách sạn phải can thiệp. Khách trả tiền phòng một ngày rồi dọn đi.

Nhưng đến 21h cùng ngày, họ quay lại đòi thuê tiếp, trong khi phòng đã bán hết. “Chúng tôi đành đề nghị khách mới sang một khách sạn tương tự và được họ thông cảm, để đón đoàn khách cũ này. Bởi nếu từ chối, chúng tôi sợ họ lại chửi bới và ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi của những người khác”, anh Thành kể. 

Nhiều khách Việt vẫn thường nghĩ họ bỏ tiền ra thuê khách sạn một ngày một đêm, nghĩa là nhận phòng giờ nào, trả phòng giờ đó vào ngày hôm sau. Trên thực tế, giờ nhận phòng là 14h hôm trước, và trả phòng vào 12h hôm sau. Dù khách có nhận phòng lúc 20h hôm trước, đến 12h hôm sau họ vẫn bị tính là một ngày. Ảnh minh họa: Phương Anh.

Một số khách Việt nghĩ họ bỏ tiền ra thuê khách sạn một ngày một đêm, nghĩa là nhận phòng giờ nào, trả phòng giờ đó vào ngày hôm sau. Trên thực tế, giờ nhận phòng là 14h hôm trước, và trả phòng vào 12h hôm sau. Dù khách nhận phòng lúc 20h hôm trước, đến 12h hôm sau họ vẫn bị tính là một ngày. Ảnh: Phương Anh.

Thành, Nhi và Giang cho biết, họ ý thức được khi làm trong ngành dịch vụ là phải chấp nhận. “Khách dù có sai, chửi bậy hay ăn nói vô văn hóa, mình cũng không được phép nói lại họ như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có cảm xúc đến uất ức, tổn thương nên mong khách không nói quá nặng lời nếu gặp sự cố. Chúng tôi luôn muốn giải quyết một cách êm đẹp khiến họ vui lòng nhất, để khách có đi thì lần sau vẫn muốn quay lại”. 

Hải Đăng 

Nguồn: Vnexpress.net