Luật chơi rất đơn giản: Duy trì khuôn mặt vô cảm và không làm gì trong 90 phút. Người có nhiều phiếu bầu và nhịp tim ổn định nhất sẽ giành chiến thắng.
Năm nay, hai cuộc thi “ngồi không” được tổ chức tại Seogwipo, trên đảo Jeju vào tháng 5 và Hamyang, Gyeongsangnam-do là vào tháng 9, theo Korea JoongAng Daily.
Nhà vô địch chính là người giỏi nhất trong việc ngồi im và không làm gì. Một nhà tạo mẫu tóc ở Jeju và một sinh viên điều dưỡng đã giành chiếc cúp có hình “The Thinker” (người suy tư, một tác phẩm của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin).
Các cuộc thi “ngồi không” của International Space-Out diễn ra thường niên kể từ năm 2014. Cuộc thi do nghệ sĩ địa phương Woopsyang phát động, đã diễn ra khắp Hàn Quốc và thậm chí cả nước ngoài.
Người tham gia cuộc thi không nói chuyện, ngủ, ăn hoặc sử dụng thiết bị điện tử tại một công viên ven sông ở Seoul. Ảnh: Jung Yeon Je. |
Ngày càng nổi tiếng
Người chiến thắng đầu tiên của cuộc thi là một cô bé 9 tuổi. Mẹ của em nói với kênh truyền hình cáp MBN rằng con gái luôn cảm thấy xa cách khi học tại hagwon (trường luyện thi) và cô quyết định tham gia cuộc thi sau khi biết điều này.
Cuộc thi thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng khi ca sĩ R&B Crush giành cúp vô địch vào năm 2016.
Trong sự kiện này, kênh Channel A đã hỏi Crush tại sao lại quyết định tham gia, và anh trả lời: “Gần đây tôi đã phát hành một album và tôi muốn dành cho não của mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi”.
Cuộc thi phổ biến đến nỗi có hơn 3.000 người đăng ký tham gia mỗi năm, nhưng chỉ có khoảng 50-80 người được chọn để tranh tài.
Ca sĩ Crush chiến thắng cuộc thi International Space-Out vào năm 2016. Ảnh: Twitter. |
“Mặc dù có rất nhiều người đăng ký vào khoảng năm 2016, cuộc thi chỉ thực sự nổi tiếng sau khi có của Crush tham gia”, đại diện của International Space-Out nói với Korea JoongAng Daily.
Khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn người chơi, người này cho biết rằng cuộc thi luôn hướng đến sự đa dạng về độ tuổi và nghề nghiệp.
Khoảng thời gian hư vô
Hàng loạt chương trình gần đây trên các phương tiện truyền thông cũng khai thác nội dung tương tự. Tất cả đều nhằm mục đích cung cấp một khoảng thời gian yên bình để thoát khỏi cảm giác căng thẳng và quá tải trong thời đại kỹ thuật số.
10 Minutes’ Nothingness (2020) của Hệ thống phát thanh giáo dục Hàn Quốc (EBS) đã phát sóng hàng trăm cảnh ngẫu nhiên từ ốc sên bò cho đến quá trình sản xuất chai soju, chỉ trong thời lượng tối đa 10 phút mà không có bất kỳ lời tường thuật hoặc phụ đề.
Chương trình, ban đầu dự kiến chỉ phát sóng trong một năm, đã được gia hạn thêm một năm nữa sau khi thu hút đông đảo người xem.
Giám đốc sản xuất của EBS Chu Deok-dam cho biết ông tạo ra 10 Minutes ‘Nothingness với mong muốn có một thứ gì đó miêu tả cuộc sống theo cách hoàn toàn trái ngược với các chương trình truyền hình “ồn ào và có nhịp độ nhanh” thường thấy.
“Bạn sẽ cảm thấy trống rỗng khi tiếp tục theo đuổi lĩnh vực giải trí. Tất nhiên thật thú vị khi xem một giờ nội dung kịch tính, nhưng sau đó chẳng có gì đong lại cả. Vì vậy đội ngũ sản xuất muốn tạo ra thứ gì đó ít gây kích thích hơn”, Chu nói.
Loạt phim ngắn, tiết tấu chậm, nội dung đơn giản ở Hàn Quốc. Ảnh: Megabox, CGV. |
Chuỗi rạp chiếu Megabox đã phát hành một bộ phim ngắn có tựa đề Fire Meong (2021) vào tháng 5 năm ngoái, với cảnh khán giả nhìn chằm chằm vào đống lửa trại bùng cháy trong suốt 31 phút.
Phim được chiếu trong khoảng một tháng tại 22 rạp chiếu phim trên toàn quốc.
Bộ phim tiếp theo, dự kiến ra mắt vào ngày 4/11, sẽ chiếu khung cảnh từ cửa sổ máy bay trong 40 phút.
CGV đã ra mắt hai phim ngắn Peace of Mind (2021) và Body Scan (2021) để cung cấp nội dung thiền định, gây buồn ngủ với phong cảnh thiên nhiên nổi bật trên nền âm nhạc nhẹ nhàng và hiệu ứng âm thanh.
Mặc dù những bộ phim ngắn này không đứng đầu doanh thu phòng vé, các bình luận trên website rạp chiếu phim đều rất tích cực.
Hai xu hướng đối lập
Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok-hyun, sự bùng nổ của các cuộc thi “ngồi không” hay nội dung “hư vô” là hiện tượng tự nhiên nảy sinh trong môi trường bận rộn và nhộn nhịp của thế kỷ 21.
“Bản thân cuộc sống đã trở nên phức tạp. Có quá nhiều việc phải làm, và ngay cả khi bạn cố gắng phớt lờ nó, thế giới sẽ không để bạn yên”.
Jeong thừa nhận rằng các tài liệu nghiên cứu khoa học nói về tác động của việc để tâm trí tự do lang thang làm gia tăng nội dung kể trên.
Tuy nhiên, dù phổ biến đến mức độ nào, nội dung ít kịch tính cũng không thể thay thế hoàn toàn các thể loại phim ảnh, chương trình giật gân. Mức độ thành công của phim truyền hình Penthouse (SBS, 2020-2021) là một minh chứng.
Theo Jeong, cả hai xu hướng này đều có tính chất mâu thuẫn.
“Những cảm giác dường như đối lập luôn song hành. Khi mọi người tiếp xúc với quá nhiều kích thích từ thế giới bên ngoài, họ có xu hướng nghĩ cuộc sống thật buồn tẻ vì đã quá quen với nó rồi.
Thế nên, trong khi có những người muốn thứ gì đó vượt trội, thú vị hơn như cốt truyện của ‘Penthouse’, thì cũng có những người khác chỉ muốn thoát khỏi tất cả và trở về với những gì cơ bản, đơn giản nhất để bộ não được nghỉ ngơi”.
Nguồn: News.zing.vn