Văn học luôn mượn chất liệu từ thực tế và con sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có nguồn gốc từ điểm nhìn ngoài đời như vậy.
Sáng 25/06, gần 900.000 thí sinh trên khắp cả nước đã hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia năm 2019 với câu hỏi phần nghị luận văn học về hình tượng sông Hương trong đoạn trích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Được đánh giá là một đề bài khá hay và khó, nếu giải đáp trên góc độ thực tế về nguồn gốc của con sông này sẽ như thế nào?
Đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2019.
Sông Hương (Huế).
Sông Hương – biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, luôn được ca ngợi trong văn học và thi ca. Thế nhưng ngoài hình ảnh êm ả, thơ mộng mà nhiều người hay nghĩ đến, còn có một sông Hương rất khác từ cội nguồn Trường Sơn, với những cụm rừng già nguyên sinh xanh ngút ngàn bên dòng nước nơi giang đầu xanh biếc. Và đây chính là điểm nhìn khởi đầu của Hoàng Phủ Ngọc Tường về con sông Hương, cũng là phần bắt đầu tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
Tác giả đã rất kỳ công, cặn kẽ khi phác hoạ hình tượng sông Hương ở tận thượng nguồn, ông ví đoạn sông này như một “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”.
Sông Hương có hai nguồn chính đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn: Tả Trạch và Hữu Trạch. Từ khi đập thủy điện Bình Điền (xã Bình Điền, thị xã Hương Trà) hình thành, sông Hương nơi thượng nguồn Hữu Trạch trở thành một vùng sóng nước mênh mông, bên ngoài là rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới.
Thượng nguồn sông Hương “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”.
Dòng nước ở đây cũng chảy trôi không theo mạch nhất định, mà đôi khi dịu dàng giữa những “dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”, đôi khi lại rầm rộ và “dữ dằn”. Nhưng nhìn chung nước sông bao giờ cũng trong xanh và hiếm khi vẩn đục, trừ những đoạn xoáy nước nguồn chảy xiết nhất. Tất cả là do đặc điểm địa lý và thời tiết mà con sông phải hứng chịu những sự đổi thay đột ngột.
Cụm rừng nguyên sinh được bảo vệ cẩn thận vươn ra tới mép nước sông Hương.
Những ngọn núi “ảo ảnh” hùng vĩ bên sông Hương giăng sương mù mờ ảo.
Núi rừng Trường Sơn dặt dìu dòng nước biếc đầu nguồn xuôi về đồng bằng để vun đắp cho hạ nguồn, như “người mẹ phù sa của vùng văn hoá xứ sở”.
Như vậy, để có được những miêu tả sắc nét về sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lặn lội lên tận thượng nguồn của dòng sông, quan sát kỹ càng, cảm nhận chân thực từ thực tế. Âu nhìn chung xét về góc độ địa lý, con sông Hương ngay từ chính vẻ đẹp thiên nhiên đã làm phong phú thêm biết bao khía cạnh đời sống – du lịch – tinh thần của người dân Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Từ Cố đô Huê trở thành Di sản thế giới, sông Hương cũng trở thành dòng sông di sản. Các tuyến du lịch gắn với sông Hương đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch xứ Huế.
Hàng năm, khách du lịch tới đây xuôi thuyền trên con sông Hương, hoặc ghé đồi Vọng Cảnh thu trọn quang cảnh núi rừng bao quanh vào tầm mắt. Đêm đêm ghé Cố đô lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống sẽ là trải nghiệm không thể nào quên.
Về phần thượng nguồn sông Hương bây giờ, những tour du lịch chủ yếu là tour ngắn ngày, trải nghiệm đời sống người dân ở đây, nguyên nhân còn do địa hình hiểm trở, thời tiết bất thường. Hy vọng trong tương lai một ngày không xa, thượng nguồn sông Hương sẽ trở thành điểm đến du lịch mới, như cách nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường về một dòng sông thơ và đẹp toàn diện.
Nguồn ảnh: Internet.
Nguồn: KENH14.VN