Từ cổng lên máy bay, trên bàn đánh bài hay trước các kỳ thi, yếu tố may mắn luôn được người Trung Quốc quan tâm đặc biệt.
Tháng 2/2019, Lu Chao lần đầu tiên lên máy bay. Đó là chuyến bay của Lucky Air từ An Khánh tới Côn Minh. Người đàn ông 28 tuổi lo lắng và cố làm mọi thứ để chuyến bay thuận lợi. Lu Chao ném đồng xu về phía động cơ máy bay. Anh ta không có ý nghĩ phá hoại mà đơn giản chỉ đang cố thêm chút may mắn trước chuyến bay.
Ngay lập tức, nhân viên an ninh sân bay đưa Lu vào trại giam. Những hành khách còn lại phải đợi vài giờ trong khi phi hành đoàn lấy lại số tiền xu và đảm bảo động cơ của máy bay không bị hỏng.
Lu Chao bị bắt vì cố đem lại may mắn trong lần đầu tiên bay. Ảnh: Independent. |
Câu chuyện của Lu trở thành trò cười. Tuy nhiên, Lu không phải người duy nhất như vậy. Chỉ trong năm 2020, Trung Quốc ghi nhận ít nhất hơn 10 trường hợp tương tự, từ bà cụ 80 tuổi đến sinh viên y khoa 26 tuổi. Lucky Air thậm chí đã phải cảnh báo khách không được tiếp tục ném đồng xu vào động cơ máy bay nếu không muốn nhận thứ “may mắn không cần thiết” như Lu.
Mọi thứ đều cần may mắn
Yếu tố may mắn xuất hiện trong nhiều nền văn hóa. Người Italy ăn đậu lăng vào đêm giao thừa để mong sung túc. Dân Ấn Độ thường thêm một rupee làm quà tặng cho may mắn. Tuy nhiên, theo BBC, khó nơi nào mà yếu tố may mắn được đặt nặng như trong cộng đồng nói tiếng Trung Quốc. Nó xuất hiện ở mọi nơi, từ cổng lên máy bay, trên bàn đánh bài tới các kỳ thi hay những cuộc đua chính trị.
Ngay cả một con số cũng được họ xem là “bằng chứng ngoại cảm”. Ví dụ số 8, họ rất thích vì cách phát âm của nó là “phát”, có nghĩa phát đạt, giàu có. Các biển số xe, số điện thoại có số 8 cũng được xếp ở đẳng cấp cao hơn. Vào dịp năm mới, đồ lót cũng phải chọn màu đỏ để mong sung túc cả năm.
May mắn là yếu tố được quan tâm bậc nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Các câu chuyện may mắn được nói đến nhiều hơn khi năm mới tới. Ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), nhà nhà dán những câu đối đỏ. Trên phố, các tiệm vé số tấp nập người ra kẻ lại. Trong các ngôi đền, người dân nườm nượp đi cúng bái đủ những vị thần. Họ tin đó là những người nắm giữ may mắn trong năm tới.
Các chính trị gia cũng xuất hiện trước công chúng và thử vận may bằng cách rút quẻ may mắn trong đền. Ngoài thử vận may, rút quẻ cũng dự đoán nhiều thứ có thể diễn ra vào năm tới với chính họ.
Vì sao người Trung Quốc chú trọng may mắn?
Để hiểu rõ về văn hóa này, bạn phải “đào” rất sâu lịch sử Trung Quốc, theo Stevan Harrell, Giáo sư Nhân chủng học danh dự tại Đại học Washington (Mỹ).
Harrell nói: “Trong tiếng Anh, may mắn là thứ ngẫu nhiên. Tuy nhiên, trong văn hóa Trung Quốc, không có gì là ngẫu nhiên cả. Họ tin có thứ sắp đặt đứng sau tất cả”.
Liu Qiying là một đạo sĩ Đài Bắc. Ông chuyên thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại các ngôi chùa trên khắp Đài Loan. Liu nói nhiều người tin vào một câu châm ngôn “tian zhcting” (tạm dịch: Mọi thứ là do ý trời). “Ông trời” được cho là quyết định số phận của mỗi người.
Nhiều người Trung Quốc tin mọi thứ đều do ông trời sắp đặt. Ảnh: BBC. |
Từ xa xưa, người Trung Quốc cũng đã có niềm tin về một trật tự cơ bản. Điều này thể hiện rõ trong tư tưởng chính trị truyền thống của Trung Quốc. Hoàng đế của họ tự phong mình là “thiên tử” (tạm dịch: con trời) và cho phép mình có quyền duy trì trật tự, hòa bình, lãnh đạo thần dân.
Niềm tin vào một trật tự cơ bản, nếu còn bí ẩn, cũng đã hình thành nổi bật trong tư tưởng chính trị truyền thống của Trung Quốc. Nhiều thế hệ hoàng đế đặt tính hợp pháp của họ khi khẳng định rằng họ đã tự mình thể hiện một sứ mệnh thiên thượng, cho phép họ duy trì trật tự – mở rộng ra là hòa bình – giữa các thần dân của họ.
Dù có niềm tin mọi thứ đều được trời sắp đặt, người Hoa cũng quan niệm “thiên đường không bịt mọi lối ra”. Hiểu đơn giản là cuộc sống luôn có lối thoát. Vì thế, con người có thể tác động lên vận mệnh của chính mình.
Ở Trung Quốc còn có cả “ngành công nghiệp dịch vụ cải thiện vận may” khổng lồ. Đơn cử như Đài Bắc, một số chùa còn cung cấp dịch vụ trực tuyến để nhà sư thực hiện nghi lễ, xua tan vận xấu trong năm. Eslite Bookstore, nhà bán lẻ sách lớn nhất Đài Bắc, cũng xuất bản một số tư liệu nghiên cứu về vũ trụ học và cách tự cải thiện vận số.
Nhiều người tin có thể thay đổi vận mệnh của mình dù mọi thứ đã được sắp đặt. Ảnh: Getty. |
Trong ngành công nghiệp dịch vụ cải thiện may mắn, thầy tu, thầy bói có thể xem như “nòng cốt”. Họ tin mình có thể xoay chuyển vận rủi bằng cách đổi số điện thoại, thay danh thiếp hay thậm chí đổi tên họ.
“Miễn là bạn tin vào thánh thần. Nếu ước nguyện, bạn sẽ được ban phước”, Liu nói.
Đạo sĩ này kể mình cũng từng tung đồng xu để cầu may mắn. Tuy nhiên, câu chuyện của ông lại có kết thúc đẹp hơn Lu Chao kể trên. Vài năm trước, vợ Liu sinh con gái. Đó là một món quà với gia đình. Dù vậy, Liu vẫn muốn có thêm con trai.
Năm 2013, ông từ Đài Loan đến chùa Dahuaxing ở miền nam Trung Quốc. Ngôi đền Phật giáo này thờ Quan Âm Bồ Tát, còn được biết đến như Nữ thần của lòng thương xót. Bên dưới tượng thờ Phật Bà Quan Âm là hồ nước ước nguyện với một số đầu rồng được đặt xung quanh. Người Trung Quốc có niềm tin ai tung đồng xu vào miệng rồng sẽ được thụ thai theo ý nguyện.
Liu đã thử thách vận may của mình. Ông quay lưng về phía những con rồng và tung đồng xu qua đầu. Bằng cách nào đó, đồng xu bay thẳng vào miệng rồng. Không lâu sau, vợ ông mang thai một bé trai. Để cảm tạ trời đất, Liu đã đặt bức tượng Phật Bà Quan Âm lên bàn thờ.
Dĩ nhiên, không phải đồng xu nào cũng đem lại may mắn. Lu Chao sau khi ném đồng xu vào máy bay đã phải hầu tòa. Người này nhờ anh trai mình làm luật sư bảo vệ và đã bị phạt số tiền tương đương 18.000 USD vì hành vi phá hoại, gây nguy hiểm tới chuyến bay.
Nguồn: News.zing.vn