Nhiều người trẻ Việt ngày nay không thích mua sắm hay tích góp, mà coi trọng trải nghiệm như xu hướng của giới trẻ toàn cầu.
Hậu, 23 tuổi, mới trúng tuyển vị trí giám sát chất lượng tại một công ty ở TP HCM. Thế nhưng, những dự định của Hậu có thể bị phá vỡ bởi đam mê xê dịch, theo South China Morning Post.
Hậu là cựu sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM. Ảnh: Karim Raslan. |
Hậu cũng không tiết kiệm dù kiếm được khá, chàng trai này thậm chí chưa màng tới chuyện lập gia đình hay mua nhà. “Tôi không mua quần áo. Tôi không thích giày Adidas hay Nike – chúng quá đắt. Tôi cũng chẳng thích đi bar, tôi uống cà phê còn nhiều hơn bia!”, Hậu nói.
Thay vào đó, chàng trai này nói về những cung đường với ánh mắt xa xăm: “Tôi muốn tiết kiệm mọi thứ để lên đường. Khi công việc ổn định, tôi sẽ nghỉ hẳn một năm để khám phá thế giới: Paris, London, Singapore hay Mỹ. Tôi đã đi khắp Việt Nam, lái xe máy tới Đà Lạt và Nha Trang hay thậm chí là Campuchia”.
Hàng tháng, Hậu kiếm được 9 triệu đồng, trong khi lương của cả cha lẫn mẹ Hậu chỉ 10 triệu đồng. Họ sống tại quê nhà ở Đồng Tháp, cách TP HCM 3 tiếng đi xe khách.
“Nhà tôi có một nông trại nhỏ khoảng 2 hecta, họ trồng chanh và dừa. Bán chanh chẳng kiếm được là bao, sau khi trừ đi tiền phân bón và thuốc trừ sâu. Cha tôi là tài xế xe tải. Ông ấy thường đi xe hai lần mỗi tuần, thường là từ Cần Thơ tới Đà Lạt, hết 8 tiếng”, chàng trai kể.
Mặc dù đời sống khó khăn, cha mẹ Hậu vẫn xoay xở cho con ăn học đủ 4 năm, tốt nghiệp khoa Quản lý Công nghiệp của Đại học Bách khoa TP HCM. Đều đặn mỗi tháng họ gửi ra 2 triệu đồng, thậm chí còn mua một chiếc xe máy cho con.
Để phụ cha mẹ, Hậu cũng làm nhân viên pha chế bán thời gian và đi gia sư. Chàng trai về Đồng Tháp thăm nhà ít nhất một lần mỗi tháng.
Khi được hỏi có gửi tiền biếu cha mẹ hàng tháng hay không, Hậu ngại ngùng nói: “Tôi phượt và đi chơi với bạn bè, nên cũng không còn đủ tiền để gửi về nhà. Nhưng tôi cũng định gửi một triệu về nhà mỗi tháng, khi công việc ổn định hơn”.
Hậu luôn cố gắng về Đồng Tháp thăm gia đình hàng tháng. Ảnh: Karim Raslan. |
Tiết lộ về lối chi tiêu của mình, Hậu cho biết sống ở TP HCM không hề rẻ. Hậu sống chung với 8 chàng trai khác trong căn nhà 3 phòng ngủ ở quận 4, mỗi người góp 150.000 đồng một tháng, tổng là 1,2 triệu đồng. Tiền xăng xe hết 200.000 đồng, 200.000 đồng trả tiền điện thoại, ít nhất 2,3 triệu đồng cho ăn uống. Hậu không hút thuốc hay mặc quần áo hàng hiệu.
Hậu dành khoảng 800.000 đồng cho nhu cầu giải trí. Chàng trai này mê phim Hollywood và nghe nhạc phương Tây, đặc biệt là của Maroon 5. Hậu cũng thích nhạc Việt và tham dự một đêm nhạc miễn phí của Noo Phước Thịnh hồi tháng 8.
Giữa đất Sài thành vô số cửa hiệu nhỏ, các trung tâm thương mại lớn mọc lên với khẩu hiệu chào mời khách “Mua! Mua! Mua!”, Hậu đại diện cho một xu hướng trái ngược đang thịnh hành toàn cầu. Quay lưng với chủ nghĩa tiêu thụ từ lâu vẫn gắn với các thị trường mới nổi như Việt Nam, chàng sinh viên mới ra trường coi trải nghiệm quan trọng hơn tài sản. Về điểm này, Hậu có nhiều điểm chung với những thanh niên 23 tuổi khác ở Berlin, San Francisco hay Fukuoka…
Một nghiên cứu của tập đoàn Harris Group cho thấy khoảng 78% người trẻ trên thế giới chọn cách tiêu tiền để có trải nghiệm, thay vì mua sắm. Hơn nữa, 55% người trẻ tham gia khảo sát nói rằng họ sẵn sàng chi mạnh để “tạo kỷ niệm”.
Trước cơn sốt toàn cầu với tăng trưởng và tiêu dùng, thế hệ trẻ ngày nay muốn “làm” nhiều thứ hơn “kiếm tiền” đơn thuần. Thực trạng này bắt đầu thay đổi dần những xu hướng kinh tế khi người trẻ lắc đầu đi qua những thương hiệu nổi tiếng.
Hậu chia sẻ ước muốn lên đường thường xuyên. Ảnh: Karim Raslan. |
Ngay cả khi đã có công việc toàn thời gian, phượt vẫn nằm trong top dự định của Hậu. Thực tế, chàng trai này vẫn muốn đi đâu đó mỗi hai hoặc ba tháng.
Hậu cũng nghĩ đến những hướng đi khác trong sự nghiệp: “Tôi muốn có cơ hội ra nước ngoài làm việc, như Bangkok hay Singapore. Nhưng tôi phải quay lại, tôi muốn về nước. Khi nghỉ hưu, tôi sẽ về quê… TP HCM có môi trường làm việc lý tưởng, nhưng ô nhiễm quá. Nhưng trước hết, tôi đoán mình sẽ phải lập gia đình ở thành phố này, bởi công việc và mức lương ở đây tốt hơn”.
Những người trẻ như Hậu coi phượt là điều thiết yếu, một trải nghiệm họ phải làm để cảm thấy mình trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Chàng trai 23 tuổi nói: “Tôi sẽ chẳng có gì trong tay nếu không đi đây đi đó”.
Hậu, chàng trai lạc quan, vẫn hoài nghi với tương lai của mình. Khao khát được lên đường, trải nghiệm những cái mới, khám phá những điều lạ thường… của chàng trai này, hay bao người trẻ khác, thật ra không khác biệt quá nhiều với bậc cha chú của họ thời thanh niên. Dù đôi khi tình yêu xê dịch có lẽ quá mạnh mẽ, đến nỗi nó vượt lên trên những trách nhiệm cơ bản với gia đình của người trẻ.
Video chuyến phượt từ miền Nam ra Tây Bắc thu hút hơn 500.000 lượt xem trên YouTube. Nguồn: Nguyễn Bình Khang.
Nguồn: Vnexpress.net