Từ bục giảng lên văn đàn, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Nhật Ánh trở thành những tên tuổi của văn chương Việt.
Một số tác giả trước khi cầm bút viết văn đã đứng trên bục giảng. Một số người vừa dạy học vừa sáng tác. Dù là nhà văn hay nhà giáo, họ đều dùng ngôn ngữ để chuyển tải kiến thức, sau đó viết nên câu chuyện hướng tới tinh thần nhân văn.
Tranh vẽ Nam Cao của Lê Huy. |
Hai nhà văn hiện thực từng làm thầy giáo
Trong số những nhà văn hiện thực xuất sắc của Việt Nam, cả Nam Cao và Nguyễn Công Hoan đều từng làm thầy giáo. Nam Cao (1917-1951) từng dạy học ở trường tư thục Công Thành (Hà Nội). Năm 1941, ông dạy học ở trường tư thục Kỳ Giang (Thái Bình).
Trong các tác phẩm của mình, Nam Cao không chỉ xây dựng hình ảnh người nông dân nghèo mà còn khắc họa hình ảnh trí thức, tiêu biểu là hình tượng ông giáo (truyện ngắn Lão Hạc).
Là nhà văn hiện thực lớn, nhà báo kháng chiến, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20, Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Tới nay, nhiều tác phẩm của ông được các lớp học sinh phân tích, nghiên cứu như: Lão Hạc, Đời thừa, Chí Phèo, Một bữa no…
Nguyễn Công Hoan (1903-1977) xuất thân từ gia đình Nho học. Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học ở nhiều nơi (như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định…). Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Giám đốc trường Văn hóa Lý Thường Kiệt. Năm 1951, ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Dấu ấn nghề giáo được thể hiện trong một số tác phẩm của Nguyễn Công Hoan như truyện ngắn Thầy cáu, tiểu thuyết Cô giáo Minh…
Ngoài dạy học, quản lý giáo dục, ông cũng viết bài cho báo Giáo dục Nhân dân (cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục thời trước).
Ở lĩnh vực văn chương, Nguyễn Công Hoan nổi tiếng với truyện Đồng hào có ma được dạy trong trường phổ thông; truyện dài Tắt lửa lòng (được chuyển thể thành vở cải lương nổi tiếng), tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng, Bước đường cùng và nhiều truyện ngắn khác.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dạy học 10 năm ở Tây Bắc. Ảnh: Đỗ Thu. |
Các nhà văn ghi dấu trên văn đàn đương thời
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là cây bút đạt tới đỉnh cao truyện ngắn. Ông tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó lên dạy học ở Tây Bắc trong 10 năm (1970-1980) tại các trường như: Bổ túc công nông, Phổ thông Mai Sơn. Từ năm 1980, ông chuyển về công tác tại Bộ Giáo dục.
Những năm tháng tuổi 20 dạy học ở Tây Bắc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt trong tập Những ngọn gió Hua Tát.
Ma Văn Kháng (sinh năm 1936) là cây bút nổi bật trên văn đàn Việt sau Đổi mới. Ông từng học trường Thiếu sinh quân Việt Nam, trường Trung cấp Sư phạm tại Nam Ninh, Trung Quốc, rồi trở thành giáo viên dạy Văn học và hiệu trưởng một trường phổ thông trung học ở Lào Cai.
Ma Văn Kháng là tác giả của 20 tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn, nổi bật nhất là Mùa lá rụng trong vườn. Tác phẩm của ông được nhận xét là mang tính hướng thượng, nhân văn, để lại bài học… vốn rất gần với đặc trưng công việc dạy học.
Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng với các tác phẩm best-seller viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Trước khi viết văn, làm báo, Nguyễn Nhật Ánh tốt nghiệp sư phạm và dạy hai năm ở trường Bình Tây, quận 6, TP.HCM (1984-1986).
Ông từng nói hai năm đi dạy có “quá nhiều điều để nhớ”. Một trong những tác phẩm tái hiện sinh động và đầy đủ những tháng ngày dạy học là truyện dài Bàn có năm chỗ ngồi. Sau này, Nguyễn Nhật Ánh còn viết nhiều tác phẩm với bối cảnh học đường được thanh, thiếu nhi yêu thích.
Nguồn: News.zing.vn