Không phải ngôi sao số một Gareth Bale, mà chính tinh thần đoàn kết và phóng khoáng mới là yếu tố giúp xứ Wales nuôi hy vọng tiếp tục tiến lên tại Euro 2020.
Với 94 phút đã qua và một bàn cách biệt để bảo vệ chiến thắng, hầu hết đội bóng sẽ coi quả phạt góc cuối trận là cơ hội quý giá để câu giờ. Giữ bóng, giảm nhịp độ, trụ lại trên sân bằng mọi giá là điều thường thấy.
Song, đội tuyển xứ Wales lại khác. Việc ghi bàn ở phút 90+5 cho thấy sự tự do và nhiệt huyết cháy bỏng trong đội bóng này. Họ đã làm điều ngược lại lẽ thường trong trận thắng 2-0 trước Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/6 (giờ Hà Nội).
Không phải một mà là hai lần. Từ quả phạt góc đầu tiên ở phút bù giờ, Gareth Bale đã lao thẳng vào khung thành và suýt chút nữa ghi bàn. Ở tình huống sau đó, cầu thủ thuộc biên chế Real Madrid đi bóng sát vạch vôi trước khi chọn Connor Roberts là người nhận đường chuyền để đệm lòng nhân đôi cách biệt cho đội nhà.
Xứ Wales không phụ thuộc vào Bale, nhưng anh là người truyền cảm hứng cho các đồng đội. Ảnh: Reuters. |
Xứ Wales không biết sợ
Điều gì đã khiến Bale nghĩ đến việc ghi thêm bàn ở những phút cuối? Điều gì đã khiến Roberts, một hậu vệ, dâng lên cao như vậy trong khi lẽ ra anh phải ở sân nhà để bảo vệ cầu môn? “Tôi chỉ nghĩ ở đó sẽ có một chút không gian, nên tôi đi loanh quanh rồi chờ xem điều gì xảy ra”, chủ nhân bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 chia sẻ.
Đó là khoảnh khắc bất chấp quy luật của bóng đá và không phù hợp với mặt bằng chung cầu thủ xứ Wales. Bale và Aaron Ramsey sinh ra để chơi ở cấp độ này. Nhưng ai có thể nói điều tương tự với Joe Morrell, cầu thủ đang chơi cho Luton Town, hay Danny Ward, thủ môn của Leicester, người đã không chơi trận nào trong suốt 3 mùa giải vừa qua?
Cùng nhau, tập thể xứ Wales này một lần nữa thúc đẩy đội bóng tiến lên đẳng cấp khác. Rob Page, HLV trưởng, nói sau chiến thắng rằng các cầu thủ của ông phải chiến đấu với huy hiệu trên ngực áo.
Chris Mepham, một cầu thủ khác chơi xuất sắc dù trải qua mùa giải thất bại ở CLB (không thể giúp Bournemouth thăng hạng – PV), mô tả tinh thần đồng đội của xứ Wales là “độc nhất vô nhị”.
Không có lời giải thích chính xác cho sự đoàn kết của tập thể này, nhưng một số khía cạnh của nó đã được thể hiện từ Euro 2016. Xứ Wales không bị áp lực bởi kỳ vọng, yếu tố nội bộ hay ngoại cảnh. Các giải đấu lớn với họ giống như cuộc phiêu lưu hơn là gánh nặng.
Cách biệt mong manh một bàn không đủ để cản xứ Wales lập công nhân đôi cách biệt ở những phút bù giờ cuối cùng. Ảnh: Reuters. |
Có thể thấy rõ tinh thần này trong bàn thắng thứ hai. Xứ Wales tiếp cận trận đấu ở thời điểm sinh tử này với tâm thế sẵn sàng thể hiện mình. Mọi cầu thủ, không chỉ riêng Bale, đều nghĩ về việc “thử”.
Đối với những cổ động viên, Bale được kỳ vọng trở thành người dẫn đường. Ở nội bộ đội hay trong tâm trí của chính mình, Bale không cảm thấy như vậy. Bởi lẽ, kể cả khi không cho thấy tầm ảnh hưởng tuyệt đối, sự hiện diện của Bale cũng trở thành lý do gắn kết cả tập thể.
Bất chấp những thành tựu đạt được trong sự nghiệp, cách Bale chơi bóng cũng giống như những đồng đội kém danh của anh. Sự nhiệt tình của tiền đạo khoác áo Real Madrid đã tạo ảnh hưởng đến các cầu thủ xứ Wales. Sau tất cả, nếu một cầu thủ như Bale có thể dốc toàn bộ sức mình vì đất nước, tại sao những người còn lại lại không?
Khi các cầu thủ tụ tập lại trên sân sau tiếng còi mãn cuộc, Bale đã xin lỗi về quả đá phạt đền hỏng của mình. “Bale là lý do chúng tôi đang đứng ở đây. Anh ấy là cầu thủ xứ Wales vĩ đại nhất lịch sử. Vì vậy, tôi nghĩ Bale ấy chẳng phải xin lỗi vì bất cứ điều gì”, Morrell khẳng định.
Các cổ động viên xứ Wales coi Euro 2020 là cơ hội hiếm hoi để chứng kiến đội tuyển chơi ở đấu trường đỉnh cao. Ảnh: Reuters. |
Euro để trải nghiệm
Phía sau hậu trường, mọi thứ không dễ dàng với xứ Wales trong suốt tuần qua. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc họ phải tự giam mình trong phòng khách sạn ở Baku. Tuy nhiên, toàn đội đã gắn kết nhau bằng những ván bài, hay các cuộc thi trên PlayStation.
Tại sân bay Baku, các cổ động viên xứ Wales vẫn đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng. Đối với những người đã theo dõi đội trong nhiều năm, họ vẫn cảm thấy kỳ lạ khi xứ Wales được tham dự một giải đấu lớn. “Tôi sẽ chẳng bận tâm nếu chúng tôi đến đây và thua mọi trận đấu”, Rhys Boore, cổ động viên xứ Wales từ Cardiff, nói với Telegraph.
Số tiền để chi trả cho 10 ngày ở Azerbaijan không hề rẻ và cũng chẳng dễ dàng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Chuỗi ngày cách ly cũng đang chờ đợi các cổ động viên xứ Wales. Song, không ai trong số họ hối hận về quyết định đi cùng đội tuyển.
Boore chia sẻ: “Chi phí tổng cộng khoảng 1.500 bảng, nhưng đây là cơ hội để xem đội tuyển vào vòng chung kết của một giải đấu lớn. Tôi vốn dĩ đã từ bỏ hy vọng đó cho đến năm 2016”.
Người hâm mộ và các cầu thủ xứ Wales đang cố gắng có nhiều trải nghiệm nhất có thể ở giải đấu này. Bale và Ramsey không chơi cho đội tuyển mãi mãi. Xứ Wales cũng khó có vị thế cao ở bảng xếp hạng các đội tuyển trên thế giới.
Cùng nhau, họ đơn giản chỉ muốn tận hưởng từng khoảnh khắc và rời đi sau mỗi trận đấu mà không hối tiếc điều gì. Xứ Wales có thể chấp nhận rủi ro, nhưng cũng không ngại mơ lớn. Nội lực đó là thứ xúc cảm mạnh mẽ và thống nhất. Sau cùng, ai có thể khẳng định xứ Wales sẽ không làm nên bất ngờ tại giải lần này?
Nguồn: News.zing.vn