Omicron sẽ làm chệch hướng kế hoạch của ngân hàng trung ương Mỹ?

0
Omicron sẽ làm chệch hướng kế hoạch của ngân hàng trung ương Mỹ?

Tình trạng lạm phát buộc FED phải đẩy nhanh cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế. Nhưng ảnh hưởng từ biến thể mới có thể làm chệch hướng kế hoạch này.

CNBC đưa tin hôm 30/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế. Nguyên nhân là áp lực lạm phát đang gia tăng.

Theo người đứng đầu FED, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11. Ông Powell tiết lộ vấn đề có khả năng được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 12.

“Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng”, ông nhận định.

Omicron tac dong den kinh te toan cau anh 1

Theo người đứng đầu FED, khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh và áp lực lạm phát gia tăng, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố trước đó. Ảnh: AP.

Áp lực lạm phát

Ông Powell nhận định hoạt động mua trái phiếu đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. “Nhưng sự cần thiết của chúng giảm đi khi nền kinh tế tiếp tục đi lên. Chúng ta đang chứng kiến áp lực lạm phát gia tăng đáng kể”, người đứng đầu FED nhận định.

Từ lâu, các quan chức FED đã cho rằng xu hướng tăng của lạm phát ở thời điểm hiện tại chỉ là “nhất thời”. “Mỗi người có cách hiểu từ ‘tạm thời’ khác nhau. Với nhiều người, nó có nghĩa là diễn ra trong thời gian ngắn”, ông Powell giải thích.

“Nhưng chúng tôi dùng nó để chỉ ra rằng lạm phát hiện tại sẽ không dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao vĩnh viễn”, ông nói thêm. “Chúng tôi đưa ra những chính sách thích ứng và sẽ tiếp tục làm điều đó”, người đứng đầu FED khẳng định.

Trong vài tuần tới, chúng ta có thể chứng kiến xem liệu biến thể virus mới có làm gián đoạn quá trình mở cửa trở lại của các hoạt động thương mại tại Mỹ hay không

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)

Trước đó, FED cho rằng phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do những hạn chế liên quan đến dịch Covid-19.

Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.

“Biến thể Omicron sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi thiếu đồng đều của nền kinh tế toàn cầu”, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.

“Trong vài tuần tới, chúng ta có thể chứng kiến xem liệu biến thể virus mới có làm gián đoạn quá trình mở cửa trở lại của các hoạt động thương mại tại Mỹ hay không”, ông Moya nhận định.

“Nếu biến thể virus mới tiếp tục làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng, Fed có thể phải thừa nhận rằng họ đã sai về lạm phát”, vị chuyên gia nhận định.

Chệch hướng kế hoạch

Cũng trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng, nhưng dịch bệnh bùng phát đã kìm hãm đà phục hồi. Ông nhận định Omicron tạo ra “rủi ro đối với việc làm và tăng trưởng”. Cùng với đó là “tình trạng bất ổn gia tăng” của lạm phát.

Với sự xuất hiện của biến thể mới, nhiều người lao động sẽ có tâm lý ngần ngại làm việc trực tiếp. Điều này sẽ cản đường quá trình phục hồi của thị trường lao động và khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Người đứng đầu FED nhận định tỷ lệ lạm phát đang cao hơn mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra.

Giới quan sát cho rằng biến thể virus mới sẽ làm chệch hướng kế hoạch tăng tốc cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế của FED, đồng thời gây áp lực hơn nữa đối với tình trạng lạm phát của Mỹ.

Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm.

Omicron tac dong den kinh te toan cau anh 2

Tình trạng đình lạm (tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát gia tăng) đẩy nền kinh tế toàn cầu vào bài toán khó. Biến thể virus mới có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng này. Ảnh: Reuters.

Về phía nguồn cung, biến thể virus mới có thể thúc đẩy người lao động làm việc tại nhà, cản trở hoạt động sản xuất ở các nhà máy. Điều đó sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, từ đó đẩy giá tăng cao.

Lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đối mặt với tình trạng giá cả leo thang vì thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh.

“Những hạn chế được áp đặt để ngăn virus lan rộng gây ra thiệt hại lớn đối với nền kinh tế”, ông Neal Shearing – nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics – nhận định.

“Câu hỏi đặt ra là các chính phủ sẽ phản ứng như thế nào khi biến thể virus mới lan rộng”, ông nói thêm.

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết

<!– Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021 –>

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn