Phân tích năng lực y tế của TP.HCM trước thời điểm mở cửa trở lại

0
33

Để chuẩn bị mở cửa nền kinh tế, TP.HCM cần đo lường được ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế nhằm kịp thời đánh giá đâu là mức “báo động đỏ” để siết chặt giãn cách và ngược lại.

Quá tải hệ thống y tế là mối lo ngại lớn nhất của chính quyền khi lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế ở bất kỳ địa bàn nào, đặc biệt là nơi mà dịch đã ngấm sâu như TP.HCM. Bởi lẽ, nếu mức độ mở cửa không tương thích với mức rủi ro của dịch bệnh, số ca tử vong sẽ tăng vọt và TP.HCM sẽ lại rơi vào một đợt khủng hoảng y tế mới.

Căn cứ vào dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, TP.HCM đạt cả 2 chỉ số bắt buộc về điều trị. Tuy nhiên, để sẵn sàng cho bình thường mới từ 1/10. TP.HCM vẫn cần đo được ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế khi mở cửa. Mục đích là giúp chính quyền kịp thời đánh giá đâu là mức “báo động đỏ” phải siết chặt giãn cách, và ngược lại.

Hệ thống y tế TP.HCM chấp nhận được bao nhiêu ca mắc Covid-19?

Là một trong những quốc gia châu Á mở cửa sau khi tiêm đủ vaccine cho 82% dân số, Singapore đang phải chứng kiến số ca mắc tăng cao nhất kể từ đầu dịch. Đây là một trong những bài học cho Việt Nam để có mức độ mở cửa an toàn và phù hợp.

Đáng lưu ý, dù số ca mắc Covid-19 của quốc đảo này trong 28 ngày qua lên đến gần 22.000, số tử vong chỉ là 23 (chiếm 0,1%); tỷ lệ bệnh nhân nặng phải thở oxy (382 ca) và điều trị hồi sức tích cực (ICU) (41 ca) chỉ chiếm 1,9% tổng số ca nhiễm. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả của vaccine.

Phân loại tỷ lệ ca bệnh tại Singapore 28 ngày qua
Nguồn: Ministry of Health Singapore
Nhãn Không triệu chứng/triệu chứng nhẹ Cần thở oxy Cần điều trị ICU Tử vong
% 98 1.7 0.2 0.1

Nhờ đó, dù số ca nhiễm tăng cao nhưng hệ thống y tế của Singapore không bị quá tải đột ngột mà vẫn ở ngưỡng chấp nhận được, cho phép quốc đảo này có thời gian từ từ thay đổi biện pháp giãn cách.

Nhìn vào chỉ số của Singapore, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết chỉ 2/1.000 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng của Singapore có nhu cầu giường ICU.

“Nếu TP.HCM tiêm cho 80% người trên 50 tuổi thì tỷ lệ bệnh nhân nặng của TP.HCM cũng không quá khác Singapore do các trường hợp dưới 50 tuổi rất ít khi bệnh nặng và gần 100% người dân trên 18 tuổi ở TP.HCM đã được tiêm một mũi”, ông Dũng đánh giá.

Số bệnh nhân Covid-19 cần thở oxy và điều trị ICU tại Singapore 28 ngày qua (31/8-27/9)
Nguồn: Ministry of Health Singapore
Nhãn 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9 5/9 6/9 7/9 8/9 9/9 10/9 11/9 12/9 13/9 14/9 15/9 16/9 17/9 18/9 19/9 20/9 21/9 22/9 23/9 24/9 25/9 26/9 27/9
Số bệnh nhân cần thở oxy Ca 19 22 27 20 22 24 21 24 23 26 25 35 54 57 75 76 77 90 105 118 128 147 145 163 162 165 172 194
Số bệnh nhân điều trị ICU 5 5 5 5 5 5 6 6 6 7 6 7 7 8 9 9 12 14 18 21 18 17 19 23 23 27 30 27

Đánh giá về năng lực y tế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định khi TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm chủng như yêu cầu của Bộ Y tế (80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi) và số giường dành cho điều trị Covid-19 đạt yêu cầu về chất lượng, hệ thống y tế của TP.HCM chấp nhận tối đa 25.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Lý giải rõ hơn, trong khoảng 25.000 ca mắc mỗi ngày (ngưỡng tối đa) sẽ có 4% cần thở oxy, tương đương 1.000 ca bệnh nặng. Nếu thời gian cần thở oxy của mỗi người là 6-7 ngày thì TP.HCM cần 6.000 giường có máy thở oxy.

Trong số này, khoảng 1/20 sẽ cần được điều trị hồi sức tích cực (ICU), tương đương 50 bệnh nhân mỗi ngày. Nếu 50 người này điều trị trong vòng 12 ngày, TP.HCM sẽ cần 600 giường ICU.

“Tuy nhiên, để đảm bảo hệ số an toàn, TP.HCM cần khống chế số ca mắc mỗi ngày dưới 10.000 người”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Hệ thống chăm sóc F0 từ nhà tới bệnh viện

Với ngưỡng đáp ứng tối đa 25.000 ca mắc/ngày, TP.HCM cần 6.000 giường oxy và 600 giường ICU. PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá hiện hệ thống y tế TP.HCM hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này.

Sau 4 tháng chiến đấu với dịch bệnh, mô hình điều trị 3 tầng của TP.HCM đã được hoàn thiện, tối ưu hóa để phân luồng F0 đúng tình trạng, đảm bảo điều trị hiệu quả, kịp thời.

Với F0 điều trị tại nhà, hai vấn đề đặc biệt quan trọng là được cung cấp thuốc và oxy; bên cạnh đó là việc kịp thời chuyển viện nếu trở nặng. Để chăm sóc nhóm này, đến nay, 531 trạm y tế lưu động đã được thành lập.

Toàn TP.HCM hiện có 487 điểm tập kết oxy trên 21 quận/huyện/TP, trừ huyện Cần Giờ. Số bình oxy hiện có là 4.287 (loại 5-40 lít). Tuy nhiên, để chuẩn bị cho bình thường mới sau 30/9, Sở Xây dựng đánh giá cần bổ sung thêm 8.476 bình oxy cho các địa phương.

Lượng bình oxy (5-40 lít) tại TP.HCM và nhu cầu bổ sung
Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM
Nhãn Quận 1 Quận 3 Quận 4 Quận 5 Quận 6 Quận 7 Quận 8 Quận 10 Quận 11 Quận 12 Bình Thạnh Phú Nhuận Gò Vấp Hóc Môn Tân Bình Tân Phú Bình Tân Bình Chánh Nhà Bè Cần Giờ Củ Chi TP Thủ Đức
Số điểm tập kết oxy 37 24 26 20 15 43 17 21 33 19 20 1 16 17 15 24 11 30 11 0 29 58
Số bình oxy hiện có 236 60 260 128 182 500 292 210 362 351 60 118 234 140 75 110 453 80 194 0 42 200
Nhu cầu bổ sung 191 1200 260 230 220 100 1398 235 0 521 1245 400 80 288 234 220 535 160 270 0 225 464

Sở Y tế đã mua 100.000 gói thuốc A, B và tiếp nhận 64.500 gói thuốc từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. TP đang mua tiếp 200.000 gói thuốc A, B. Với gói thuốc C, TP đã tiếp nhận 50.000 liều Molnupiravir do Bộ Y tế hỗ trợ.

Với F0 chuyển nặng, cần nhập viện, TP.HCM có 327 tổ phản ứng nhanh tại 312 phường, xã, thị trấn với 214 xe hoán cải để vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế. Cùng với đó là 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến tại quận 11, 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức; 100 đội taxi Mai Linh hoán cải tham gia chuyển người bệnh tại 21 quận, huyện, TP (trừ Cần Giờ).

Về cơ sở điều trị, TP.HCM hiện có tổng cộng 95 bệnh viện điều trị Covid-19, trong đó, 84 bệnh viện tầng 2 với khoảng 60.000 giường. Tầng 3 có 10 bệnh viện với 3.280 giường hồi sức (ICU), trong đó có 5 trung tâm hồi sức tích cực.

Sở Y tế TP.HCM đang lên kế hoạch thu hẹp số bệnh viện dã chiến trong lộ trình bình thường mới. Tuy nhiên, riêng các bệnh viện dã chiến có gắn kết với các trung tâm hồi sức tích cực, Sở Y tế sẽ giữ nguyên.

Trung tâm hồi sức Số giường
Trung tâm hồi sức tích cực chuyên sâu trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy 1.000
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Việt Đức 500
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai 500
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y dược 250
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế 500

Thiết lập mạng lưới oxy y tế

Dự kiến đến hết tháng 9, TP.HCM lắp đặt tổng cộng 15.000 khẩu thở (mỗi khẩu thở có thể sử dụng cho một bệnh nhân) tại 80 bệnh viện, trong đó, 2.021 khẩu thở sử dụng oxy bình, còn lại được cung cấp bởi bồn oxy. Với số khẩu thở này, số lượng oxy lỏng tương ứng cần cung cấp là 719 tấn/ngày, nằm trong khả năng sản xuất oxy tối đa của TP (842 tấn/ngày).

Về bồn oxy, một trong những khó khăn hiện nay là việc vận chuyển oxy lỏng. Để giải quyết, Sở Y tế đã làm việc với một công ty cung cấp oxy và thống nhất đảm bảo cung cấp tối đa 2 chuyến/ngày cho các bệnh viện, cơ sở y tế có bồn 5 m3 trở lên. Thời gian vận chuyển không quá 2 giờ kể từ lúc nhận yêu cầu.

binh thuong moi tai TP.HCM anh 1

Dự kiến đến cuối tháng 9, TP.HCM sẽ lắp đặt tổng cộng 15.000 khẩu thở tại 80 bệnh viện. Ảnh: Duy Hiệu.

Với oxy bình, theo tính toán của Sở Xây dựng, để cung cấp oxy cho 2.021 khẩu thở, thành phố sẽ cần 6.063 bình oxy 40 lít, hiện còn thiếu 1.491 bình. Cùng với đó, như đã nêu ở trên, TP.HCM cần thêm 8.476 bình oxy cho các điểm tập kết tại quận, huyện, TP. Như vậy, thành phố còn thiếu gần 10.000 bình oxy.

Để chuẩn bị, Sở Xây dựng đã huy động được tổng cộng 17.500 bình, bao gồm cả tự trang bị và xã hội hóa. Việc nạp và vận chuyển do Bộ Tư lệnh TP.HCM và Thành đoàn phụ trách.

Toàn thành phố hiện có 5 điểm nạp khí oxy đặt tại Tân Bình, quận 7, TP Thủ Đức, và huyện Hóc Môn. Hiện, các điểm này mới chỉ nạp khí cho trung bình khoảng 4.000 bình/ngày cho cả các bệnh viện, trạm y tế lưu động và điểm tập kết oxy. Tuy nhiên, công suất tối đa có thể lên đến 16.000.

Từ những con số trên có thể thấy năng lực hệ thống trang thiết y tế của TP.HCM đã được chuẩn bị kỹ lương cho bình thường mới. Vấn đề đặt ra hiện nay là nhân lực y tế để vận hành bộ máy này.

Hiện, TP.HCM nhận được sự hỗ trợ lớn từ lực lượng chi viện của Bộ Y tế và các tỉnh, thành bạn. Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định lực lượng chi viện này sẽ ở lại cho đến khi số bệnh nhân giảm, phù hợp với năng lực điều trị của TP.HCM.

“Trong chiến lược y tế để mở cửa, TP đang tính toán ngưỡng đáp ứng để đảm bảo năng lực điều trị của ngành y tế khi lực lượng chi viện rút quân”, ông Châu cho biết.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn