Người lớn suy nghĩ và hành động tiêu cực sẽ khiến con trẻ phát triển không bình thường. Chúng dễ cáu gắt, bi quan và mất niềm tin vào cuộc sống.
Theo Psychology Today, cha mẹ “độc hại” (toxic parents) là những phụ huynh dạy con theo khuôn mẫu hành vi tiêu cực, kiểm soát con bằng lời nói, bạo hành… Phụ huynh với cách sống, suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, hình thành tính cách, con người sau này của con trẻ.
Song, không phải ai cũng biết mình đang trong trạng thái đáng báo động, bởi ranh giới giữa làm điều tốt cho con và những hành vi độc hại rất nhỏ.
Bạo hành trẻ
Trong cuốn Cha mẹ độc hại – vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn (NXB Thế giới), nhà tâm lý học người Mỹ Susan Forward đã chỉ ra 6 kiểu cha mẹ “độc hại”.
Đầu tiên, họ là những cha mẹ chưa trọn vẹn, không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, trong nhiều trường hợp, mong đợi và yêu cầu con cái phải chăm sóc cho mình. TS Susan nhận định đứa trẻ sẽ trở thành “cha mẹ” giống chính phụ huynh của mình.
Một kiểu khác là cha mẹ kiểm soát, họ luôn muốn “nắm con trong lòng bàn tay” từ khi nhỏ đến lúc trưởng thành bằng sự đe dọa, tiền bạc.
Cha mẹ nghiện rượu cũng được xếp vào nhóm “độc hại”. Họ thường xuyên tạo không khí căng thẳng, bất ổn về cảm xúc trong gia đình.
Cha mẹ suy nghĩ và hành động tiêu cực có xu hướng bạo hành con về lời nói, hành động, luôn hạ thấp trẻ và tìm cách kiểm soát. Ảnh: Freepik. |
Sự độc hại cũng thể hiện qua lời nói, cha mẹ bạo hành con bằng những thóa mạ hoặc đay nghiến, chì chiết, so sánh. Con sẽ tin và nội tâm hóa những gì cha mẹ nói, không phân biệt được sự thật và lời nói đùa. Bị bạo hành liên tục bằng lời nói, trẻ sẽ bị tổn thương, yếu đuối, có hành vi tàn bạo, tự hủy hoại.
Cao hơn bạo hành bằng lời nói là hành hạ thể xác. Họ đánh con vì đứa trẻ không nghe lời hoặc giận dữ, không vừa ý.
Cha mẹ lạm dụng tình dục con cái cũng là một kiểu độc hại, khiến đứa trẻ mất niềm tin cơ bản với người nuôi dưỡng chúng.
Dấu hiệu
Psychology Today liệt kê các dấu hiệu của cha mẹ “độc hại” gồm:
– Phản ứng tiêu cực thái quá: Những người này thường không kiểm soát được tình cảm. Họ có xu hướng bi kịch hóa ngay cả vấn đề nhỏ. Bất kỳ lý do nào cũng khiến họ la mắng, tức giận, trách móc trẻ.
– Thiếu đồng cảm: Cha mẹ không có khả năng thông cảm với người khác, thậm chí ngay cả với con cái. Thay vào đó, họ trở thành trung tâm của mọi vấn đề, trẻ phải làm theo tất cả yêu cầu phụ huynh đặt ra.
– Tính kiểm soát cao: Đây là dấu hiệu rõ ràng và phổ biến nhất. Phụ huynh muốn kiểm soát mọi thứ, ngay cả những điều cá nhân, riêng tư nhất của con. Trẻ chơi với ai, ăn món gì, đọc sách gì cũng nằm trong “kế hoạch” của họ, thậm chí có những yêu cầu vô lý với các con đã trưởng thành. Nếu một yếu tố nào đó đi chệch khỏi quỹ đạo kiểm soát của họ, con cái sẽ phải chịu sự đay nghiến hoặc cha mẹ tìm cách để lập lại điều họ muốn.
– So sánh con với người khác: Dấu hiệu này có nhiều cấp độ. Ở mức nhẹ, người lớn thường xuyên lấy tấm gương “con nhà người ta” vì cho rằng sẽ tạo động lực cho trẻ cố gắng. Với mức cao hơn, họ vẽ ra bản kế hoạch để con phải trở thành người xuất chúng vì không muốn thua kém người khác.
Cuối cùng, nhiều người luôn suy nghĩ tiêu cực về con, không nhìn thấy thành tựu hoặc nỗ lực của trẻ. Họ sẽ luôn hạ thấp, phủ nhận những điều con làm được, thậm chí kể lể lỗi lầm, sai sót của con cho người khác, bóc mẽ trẻ trước mặt đông người.
– Đổ lỗi: Dấu hiệu này thường xảy ra ở những gia đình tan vỡ, hôn nhân không hạnh phúc. Đứa trẻ sẽ trở thành “bia đỡ đạn” cho những lời trách móc, định kiến của cha mẹ.
Tính cách và hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý, tình cảm của con. Ảnh: Freepik. |
Làm gì để không trở thành cha mẹ tiêu cực?
Theo Heathline, để thoát khỏi tình trạng tiêu cực với con cái, phụ huynh cần có cái nhìn thẳng thắn hơn về cách cư xử của bản thân. Các hành vi độc hại sẽ khiến con ngày càng xa cách với cha mẹ, trẻ phát triển thiên lệch.
Chúng ta cần liệt kê hành động khiến con khó chịu hoặc né tránh. Nếu những điều này liên quan quyền riêng tư của trẻ, phụ huynh nên có cái nhìn cởi mở hơn và tôn trọng con. Thay vì quát mắng, giận dữ, cha mẹ nên trò chuyện, tâm sự với con nhiều hơn để cả hai mở lòng, hiểu nhau.
Hai bên có thể cùng nhau lên kế hoạch và thỏa thuận ranh giới. Đây là bước đầu cho thấy bạn đang lắng nghe và tôn trọng con. Các hoạt động như đọc sách, thiền… sẽ giúp giải tỏa tâm lý, khiến bạn bớt hành động theo cảm tính hay giận dữ.
Chúng ta cần phải hiểu con không phải là người hoàn hảo. Vì vậy, ngừng so sánh trẻ với những người khác, nên tìm ra ưu điểm của con để khen ngợi, cổ vũ.
Cha mẹ nghiện rượu, chất kích thích sẽ là tấm gương xấu cho trẻ. Vì vậy, bạn nên bỏ thuốc lá, rượu bia để bảo vệ sức khỏe và tránh các cảm xúc tiêu cực, trút giận lên trẻ.
Nguồn: News.zing.vn