Đào tạo nguồn nhân lực du lịch luôn là vấn đề then chốt không chỉ của ngành Du lịch mà là của cả Quốc gia và các địa phương. Luôn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế xã hội và là một trong những khâu đột phá của tỉnh, những năm qua ngành Du lịch đã được quan tâm, tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực trong đó có cả lĩnh vực nguồn nhân lực. Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đã chú trọng ưu tiên từ công tác đào tạo.
Giờ thực hành “Nghiệp vụ Nhà hàng” của sinh viên bộ môn Văn hóa – Du lịch Trường Đại học Hùng Vương tại khu thực nghiệm của nhà trường
Được thành lập năm 2011, Khoa Du lịch – Khách sạn của Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ có 5 nghề đào tạo là: Kỹ thuật chế biến món ăn; quản trị lữ hành; hướng dẫn du lịch; quản trị nhà hàng; quản trị khách sạn, trong đó có nghề Kỹ thuật chế biến món ăn được Tổng cục dạy nghề phê duyệt là nghề trọng điểm Asean.
Cùng với bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng chịu trách nhiệm giảng dạy trong khoa, Trường đã trang bị 2 xưởng thực hành đồng bộ phục vụ trực tiếp việc giảng dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn và quản trị khách sạn. Kết hợp gắn lý thuyết với thực hành, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các khách sạn, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh, để nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho sinh viên. Đồng thời nhà trường cũng chú trọng đào tạo tin học và ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên để đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Nhờ đó, chất lượng giảng dạy của Khoa Du lịch – Khách sạn liên tục được củng cố và nâng cao, thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên theo học. Tính đến nay nhà trường đã mở được 2 lớp hệ cao đẳng, 6 lớp hệ trung cấp và 7 lớp hệ sơ cấp khoa Du lịch – Khách sạn với hơn 600 học sinh, sinh viên theo học. 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với nghề được đào tạo, điều này đã khiến cho số học viên đăng ký học Khoa Du lịch – Khách sạn Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ tăng nhanh. Hai năm gần đây, khoa tuyển sinh các hệ từ sơ cấp đến cao đẳng bình quân 150 – 200 sinh viên.
Trường Đại học Hùng Vương cũng có bộ môn Văn hóa – Du lịch thuộc khoa KHXH&NV với ba chuyên ngành chính là Việt Nam học; hướng dẫn viên du lịch; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Đào tạo nghiệp vụ du lịch là một trong những ngành đang được Trường Đại học Hùng Vương tập trung sự quan tâm nhằm cung cấp được nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh việc tập trung bồi dưỡng nâng cao và chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho giảng viên hay liên tục cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo cho phù hợp với đặc thù của ngành, nhà trường còn đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cơ sở thực hành. Thực hiện phương pháp đào tạo tích hợp lý thuyết và thực hành, sử dụng các phương tiện trực quan, làm mẫu, các lớp học ngoại khóa, nhà trường đã sử dụng rất hiệu quả cơ sở thực hành phục vụ cho công tác rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ du lịch.
Đặc biệt, nhà trường còn thành lập và đưa vào hoạt động CLB Sinh viên ngành Du lịch với mô hình Công ty du lịch T&P Travel (Training and Practice Travel) có chức năng nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện và hướng dẫn các chương trình du lịch; tổ chức các sự kiện; các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên trong ngành, trong khoa và trong trường.
Ngoài 2 cơ sở trên còn có Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì và Trung cấp Văn hóa – Du lịch tỉnh cũng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch với tổng số khoảng 300 – 400 học sinh, sinh viên mỗi năm. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các cơ sở trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch, tuy nhiên là lĩnh vực mới nên công tác đào tạo cũng không tránh khỏi những hạn chế: Thiếu giảng viên có kinh nghiệm; thiếu các điều kiện thực hành; khó khăn trong công tác tuyển sinh…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo cần phải được hoàn thiện trang thiết bị cơ sở thực hành theo đúng tiêu chuẩn nghề du lịch Quốc gia để hỗ trợ công tác giảng dạy. Mặt khác, phải nâng cao chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ giảng viên; đổi mới chương trình, tăng thời lượng thực hành, thực tế, rèn nghề, ngoại khóa. Đặc biệt, các nhà trường cần chủ động đẩy mạnh liên kết hợp tác với các cơ sở dịch vụ du lịch, doanh nghiệp du lịch tạo điều kiện để sinh viên được cọ sát với thực tế nghề nghiệp ngay từ trong trường.
Đến năm 2020, tổng số lao động cả trực tiếp và gián tiếp của ngành Du lịch trên địa bàn ước khoảng 17.000 người. Để hướng tới sự chuẩn hóa của lực lượng lao động, việc tập trung làm tốt khâu đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần tích cực để du lịch Phú Thọ tạo bước đột phá thành công vào năm 2020.
Kim Thư
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn