1h sáng chủ nhật, Lee Seong-Wook, nhân viên chuyển phát hàng người Hàn Quốc, nhận được tin báo đồng nghiệp của anh đang nguy kịch vì làm việc quá sức.
Im Gwang-Soo (40 tuổi), đồng nghiệp của Lee Seong-Wook, bị xuất huyết não và hôn mê khi đang chuẩn bị đơn hàng buổi sáng, bác sĩ thông báo cơ hội sống của anh chỉ khoảng 5%. Im là bố của hai con nhỏ và thường phải làm việc 90 tiếng/tuần.
Tâm trạng chùng xuống, Lee thương cho người bạn, vừa lo sợ vì biết rằng điều ấy cũng có thể xảy đến với mình. Lee cũng ở độ tuổi 40, phải sống xa hai con nhỏ để làm nghề giao hàng nhanh ở thủ đô Seoul.
“Chuyện này xảy ra không phải do Im sức khỏe yếu. Chúng tôi đã làm cùng nhau được 6 tháng. Chỉ mấy ngày trước, anh ấy còn vỗ vai tôi bảo: ‘Công việc vất vả quá phải không, cố lên, chúng ta sẽ làm được’. Nhưng anh ấy đã ngã xuống trước”, Lee Seong-Wook kể với ABC News.
Nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc thường xuyên phải làm việc quá sức để đảm bảo tiến độ. |
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, những nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đã phải làm việc quá sức. Dịch bệnh lan rộng làm gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến khiến những người làm chuyển phát càng thêm kiệt sức.
Liên minh Chuyển phát nhanh Hàn Quốc cho biết kể từ khi dịch bùng phát đến nay đã có 21 nhân viên giao hàng tử vong do làm việc quá sức.
Từ lâu, Hàn Quốc đã đứng đầu trong những quốc gia có số giờ làm việc cao nhất. Thậm chí có thuật ngữ là “Kwarosa” – dùng để chỉ những người đột tử do làm việc quá sức.
Trong các ngành nghề, shipper là một trong những nhóm lao động có công việc nặng nhọc nhất nhưng lại ít được bảo vệ nhất.
Năm 2018, Tổng thống Moon Jae-in đã giảm số giờ làm việc tối đa hàng tuần từ 68 giờ xuống 52 giờ, nhằm đảm bảo “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” cùng “quyền được nghỉ ngơi”, nhưng nhân viên giao hàng bị loại khỏi thỏa thuận.
Giao hàng tên lửa
Ngành logistics đang bùng nổ ở Hàn Quốc. Những bữa ăn được giao đến nông trại, công viên, cơ quan chỉ trong chưa đầy 1 tiếng với mức giá khởi điểm cho một đơn hàng khoảng 8 USD.
Nhu cầu khổng lồ đã giúp Coupang, công ty thương mại điện tử, nhanh chóng trỗi dậy chỉ trong vài năm và vươn lên thành “Amazon của Hàn Quốc”.
Công ty này sử dụng mạng lưới kho hàng rộng lớn, 37.000 nhân công cùng một đội xe, mọi quy trình đều được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Kho hàng khổng lồ ở Songpa (Hàn Quốc). Ảnh: CFP. |
Thương mại điện tử đang nắm vị thế thống trị tại xứ kim chi. Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, Coupang liên tục phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của mình.
Năm 2019, Coupang tăng cường dịch vụ chuyển phát nhanh qua đêm, đảm bảo giao hàng trước 7h sáng cho các đơn hàng đặt vào đêm hôm trước. Theo một công nhân, trong ca trực đêm tại nhà kho Daegu, số lượng kiện hàng được giao qua đêm cho mỗi công nhân tăng từ 3 lên 7 đơn.
Theo South China Morning Post, gần một nửa số người Hàn Quốc đã tải xuống ứng dụng “Rocket Delivery” (giao hàng tên lửa) của Coupang. Tuyên bố 99,3% đơn đặt hàng được giao trong vòng 24 giờ đã mang lại cho công ty danh tiếng “thậm chí vượt qua Amazon”.
“Rocket Delivery” đặc trưng bởi việc sử dụng các thuật toán AI để cải thiện độ chính xác của thời gian giao hàng: từ việc xếp các gói hàng lên xe theo cách hiệu quả nhất, đến các tuyến đường đi và đơn đặt hàng chính xác. Trong kho, AI dự đoán tình hình mua và tính toán thời gian giao của gói hàng gửi đi.
Điều này cho phép Coupang đảm bảo giao hàng trong vòng một ngày với hàng triệu gói hàng, cho dù đó là mặt nạ 60 xu hay máy ảnh 9.000 USD.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với gánh nặng hiệu suất bị đặt lên những người giao hàng. Giống như Amazon, Coupang sử dụng chỉ số “đơn vị trên giờ” (tức là UPH) để đo lường năng suất của công nhân trong thời gian thực, duy trì tốc độ làm việc nhanh.
Dù quy định chính thức cho phép nhân viên nghỉ 1 tiếng sau ca làm việc 8 tiếng (đây là thời gian tối thiểu theo quy định của pháp luật), một shipper đã nghỉ việc cho biết hầu hết nhân viên sẽ làm liên tục để đảm bảo tiến độ.
Nhiều nhân viên giao hàng nói rằng mình bị coi như “cái máy”, buộc phải làm việc liên tục. |
Go Geon, một cựu nhân viên chuyển phát nhanh của Coupang, nói rằng khi phân loại hàng, ưu tiên duy nhất của họ là đáp ứng thời hạn “giao hàng tên lửa”, nơi “chúng tôi chỉ là những người máy”.
Tháng 5 năm ngoái, Go bị rách gân khoeo chân trái khi đang chạy để kịp thời hạn và phải nghỉ ốm. Không lâu sau, anh bị sa thải.
Coupang đã tuyên bố rõ ràng trong tuyên bố điện tử rằng sẽ không theo dõi UPH của nhân viên giao hàng trong kho của mình nữa. Tuy nhiên, một nhân viên đang làm việc tại đây nói rằng một số quản lý kho vẫn công khai công việc theo cách này.
“Họ hiếm khi sử dụng từ UPH, nhưng vẫn sẽ đổ lỗi cho nhân viên vì đã quá chậm”.
Công việc vất vả những lương của nhân viên giao hàng không tương xứng.
Kim Duk-yeon, người chuyển phát nhanh của Coupang cho biết hầu như luôn đến kho hàng vào khoảng 6h30. Trước khi đi giao, anh có thể phải phân loại và đóng gói 4-5 tiếng. Chiếc xe chở hàng giống như một bức tranh xếp hình khổng lồ, không một gói hàng nào có thể đổ được.
Mỗi ngày anh giao khoảng 350 gói hàng, tiền công cho mỗi gói là khoảng 800 won. Hầu hết người giao hàng cũng phải trả tiền cho những công nhân mang gói hàng đến kho, và nếu việc giao hàng bị chậm trễ hoặc thất lạc, họ phải nộp phạt.
Andrew Eungi Kim, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết nếu “một nhân viên giao hàng chết tại nơi làm việc, công ty chuyển phát nhanh sẽ không chịu trách nhiệm”.
Nguồn: News.zing.vn