Siêu thị 0 đồng hay ATM oxy là những mô hình đầy ý nghĩa với cộng đồng trong lúc dịch. Đó là nỗ lực, tình cảm của cộng đồng doanh nhân đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Siêu thị 0 đồng hay ATM oxy là những mô hình đầy ý nghĩa với cộng đồng trong lúc dịch. Đó là nỗ lực, tình cảm của cộng đồng doanh nhân đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Cầm tấm vé đi “siêu thị mini 0 đồng” trên tay, chị Nguyễn Thị Thuận có chút bối rối bởi lần đầu được mua hàng kiểu này. Quê gốc Quảng Ninh, chị đến Hà Nội làm việc và ở trọ tại khu vực quận Hoàng Mai. Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể về quê, gia đình chị Thuận kẹt lại trong nhiều tháng Hà Nội giãn cách xã hội.
Khi đó, người phụ nữ đau đáu nỗi lo về tiền thuê nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt. Rồi gạo hết, thực phẩm chỉ đủ cầm cự qua ngày, chị Thuận bất ngờ được nhận một phiếu đi siêu thị 0 đồng. “Tôi không rõ đến siêu thị 0 đồng sẽ phải làm gì. Chỉ biết đây là cơ hội cứu trợ cho cả gia đình mình”, chị nói.
“Tôi bất ngờ lắm. Vì không nghĩ tờ phiếu ấy mua được nhiều đồ như thế. Nếu ăn uống tiết kiệm có lẽ chúng tôi sẽ trụ được thêm 7-10 ngày”, chị Thuận rưng rưng và nói vui rằng thật bất ngờ với người nghèo được trải nghiệm cảm giác đi siêu thị không cần nhìn giá.
Mô hình siêu thị mini 0 đồng, nghĩa là đi siêu thị miễn phí, là một trong nhiều hoạt động mà cộng động doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cộng đồng trong lúc dịch Covid-19 gây ra những khó khăn về cả kinh tế và xã hội.
Ở đâu đó có thể thấy những chuyến xe 0 đồng đưa người dân về quê, ATM gạo, ATM oxy… hay nhưng hoạt động lớn hơn như tặng vaccine, trang thiết bị chống dịch. Đó là những dấu ấn đẹp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong lúc đất nước gặp khó khăn, thể hiện tinh thần doanh nghiệp đồng hành cùng dân tộc.
Nâng lên rồi lại đặt xuống, cứ thế bà Lệ (TP Thủ Đức, TP.HCM) cẩn trọng với từng món đồ tại gian hàng siêu thị mini 0 đồng được mở gần nhà. Với phiếu mua hàng 400.000 đồng, bà đắn đo để cố gắng chọn ra những loại thực phẩm cần thiết nhất, dữ trữ được lâu nhất.
Chồng mất sớm, con gái đi làm công ty, một mình bà Lệ nuôi đứa cháu nhỏ bằng nghề nhặt ve chai. Nhưng dịch bệnh ập đến khiến người phụ nữ càng chật vật hơn với miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Tay ôm chặt túi thực phẩm gồm gạo, trứng, sữa, rau củ… vừa “mua”, người phụ nữ hơn 40 tuổi mắt đỏ hoe, ngấn nước: “Gạo và đồ ăn trong nhà đã hết sạch, cũng không thể đi làm kiếm tiền. Mấy ngày nay hai bà cháu phải ăn mì chống đói, nếu không có phiếu đi mua 0 đồng chắc lại phải vay mượn họ hàng, hàng xóm thôi”.
Bà Lệ gọi đây là siêu thị “hạnh phúc”, siêu thị “nghĩa tình” vì ở đây có chứa hạnh phúc, có niềm vui và quan trọng là tình người trong cơn bĩ cực. Có lẽ bữa cơm tối nay của 2 bà cháu sẽ tươm tất hơn bao giờ hết vì có thêm thịt, cá và bà Lệ cũng sẽ không bao giờ quên lần đi siêu thị đầu tiên nhưng đáng nhớ nhất trong đời này.
Cách đó hơn 1.500 km, một “siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội trái tim hồng” cũng được mở ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ. Vừa luôn tay nhặt đồ cho một người thợ xây, chị Thu Hương, nhân viên tình nguyện bán hàng, vừa hỏi thêm nhu cầu để tư vấn cho anh.
“Anh lấy bún khô nhé, có trứng nữa?, Rau củ em lấy cho anh khoai nhé, thêm quả mướp ăn mùa hè cho mát? Có thêm thịt hộp anh để ăn cơm, bánh này anh lấy đi, ăn sáng ngon lắm…”, chị Hương liên tục hướng dẫn anh thợ xây chọn đồ… để đảm bảo tiết kiệm thời gian và tối ưu tấm vé có giá trị 400.000 đồng nhất có thể.
Bốn lần tham gia chiến dịch siêu thị 0 đồng, kinh nghiệm đi siêu thị cùng khách hàng của chị Hương đến nay đã nhuần nhuyễn. Những giãn cách xã hội cũng là những ngày thời tiết Hà Nội nắng chang chang. Phía trong khu vực làm việc, cường độ của đội ngũ nhân viên vẫn không hề giảm nhiệt. Người dân có phiếu đi siêu thị sau khi khai báo xong được phát số thứ tự rồi vào mua lần lượt. Để đảm bảo giãn cách, mỗi lượt mua chỉ tới 3-4 khách hàng.
Từ rau củ tươi, thực phẩm đóng hộp… những gian hàng lúc nào cũng đầy ắp dành cho cả nghìn người trong 5 ngày mở cửa. Đội của chị có hơn chục nhân viên phân chia công việc rõ ràng: Nhóm lo tính tiền, nhóm lại phụ trách bê hàng hóa bày lên kệ, số còn lại phụ trách hướng dẫn người dân đi siêu thị sao cho nhanh và hiệu quả nhất.
Với mỗi khách hàng, chị Hương lại cẩn thận hỏi thăm hoàn cảnh gia đình: “Nhà chị có cháu nhỏ không, nếu có em lấy bánh mềm cho chị nhé, có thêm sữa cho cháu nữa”, “Nhà anh có người già à, thế em lấy ngũ cốc để các bác ăn sáng cho dễ nhé”…
Chưa từng được hướng dẫn đi chợ cùng khách, trước khi chiến dịch siêu thị mini 0 đồng mở cửa, chị cùng những nhân viên khác có một buổi gặp mặt. Tất cả chỉ là những câu động viên, khích lệ mọi người cùng nhau làm việc. Những kỹ năng đi siêu thị này chị và những nhân viên khác tự mình đúc rút.
“Hỏi chúng tôi mệt không thì mệt chứ. Làm việc liên tục từ sáng tới trưa rồi lại chiều tới tối. Nhưng tôi đã tận mắt nhìn thấy những người dân khó khăn vui mừng thế nào khi được giúp đỡ. Có người rối rít cảm ơn, có người thì rơi nước mắt. Nhìn những điều ấy, chúng tôi lại phấn khởi và tràn đầy năng lượng”, chị Hương cười.
Ra đời từ đợt dịch đầu tiên ở Bắc Giang, trong lúc cao điểm những ngày nhiều địa phương giãn cách xã hội, chuỗi siêu thị 0 đồng do Tập đoàn PNJ khởi xướng đã mở rộng tới 24 cửa hàng offline, 1 cửa hàng online và có mặt tại hơn 8 tỉnh, thành phố khắp 2 miền Nam – Bắc.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, chương trình đã cứu trợ cho trên 52.000 hộ gia đình, 5.500 sinh viên bị mắc kẹt trong các ký túc xá, 6.000 lực lượng tuyến đầu và hàng nghìn người yếu thế trong xã hội với 18 đợt tặng quà.
Mô hình sau đó đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp khác nhau bằng những sự hỗ trợ về hàng hóa, địa điểm, nhân lực… Đó là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee), Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HaNoiBA).
Tại miền Bắc, mô hình có sự hưởng ứng và giúp đỡ của Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ với nhiều doanh nghiệp như Deloitte Việt Nam, Eurowindow, Shinec, Alphanam, Geleximco…
“Cái khó của chúng tôi là làm sao người đến trải nghiệm siêu thị họ phải được cảm thấy trân trọng. Nếu chỉ là hàng hóa nhập về, gói từng túi, rồi phát cho người ta thì rất đơn giản”, ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc quan hệ đối ngoại công ty PNJ, người phụ trách tổ chức siêu thị mini 0 đồng ở miền Nam, chia sẻ.
Theo ông, để làm siêu thị mini 0 đồng tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại là bài toán khó với những người tổ chức. Để có một buổi bán hàng của siêu thị mini 0 đồng, thử thách về sự an toàn trong lúc dịch bệnh, thời gian, địa điểm, nguồn hàng và cả cách trao… là điều mà những người tổ chức luôn trăn trở.
Ban tổ chức mong muốn những người dù nghèo khổ đến với siêu thị mini 0 đồng đều được đối xử như khách hàng được tư vấn, phục vụ tận tình để họ ở một tâm thế tự tin, chứ không phải tâm lý mặc cảm của người được cứu trợ…
Theo ông Tẩn, một trong những điều quan trọng nhất khi tổ chức là phải an toàn trong điều kiện TP.HCM đang giãn cách xã hội, số lượng người ra đường bị hạn chế, các ca nhiễm liên tục tăng cao. Do đó, phải xây dựng một mô hình hoàn thiện, thuyết phục được các cấp chính quyền yên tâm và đồng ý cho tổ chức.
Mô hình đó cũng phải chạy đua với thời gian để kịp thời hỗ trợ người dân, nhất là trong hoàn cảnh nhiều quận, huyện ở TP.HCM phải giãn cách xã hội. Rất may, siêu thị mini 0 đồng nhận được sự ủng hộ của nhiều quận, huyện ở TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp, hội nhóm, hội tôn giáo… ủng hộ, trực tiếp trao tiền và hiện vậy cho ban tổ chức.
Còn theo bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam, đại diện Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ hỗ trợ tổ chức chương trình “siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội trái tim hồng” tại Hà Nội, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề thủ tục, xin giấy phép của cơ quan chức năng.
Bà nhấn mạnh đây là một chương trình chưa từng có trong tiền lệ, việc mở siêu thị mini 0 đồng không hề đơn giản như mọi người nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhiều đơn vị cùng ngồi lại với nhau tổ chức một chương trình lần đầu tiên, cũng có những bỡ ngỡ nhất định.
“Làm thế nào để liên hệ Sở Công Thương TP Hà Nội xin giấy phép mở siêu thị chỉ trong vòng 5 ngày? Và làm thế nào để tổ chức hàng hóa giống một siêu thị trong khi không chắc chắn trước địa điểm sẽ tổ chức?”, bà Mỹ nói ra bài toán mà nhóm tổ chức phải giải quyết.
Để làm những công việc này, trong tuần đầu tiên, Ngọc Mỹ đã phải gác lại hoàn toàn công việc điều hành doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ lo thủ tục, giấy tờ cho việc tổ chức. Các tuần tiếp theo thì cứ 3 ngày cho công ty, và 3 ngày cho siêu thị mini 0 đồng.
Một trong những khó khăn nữa của ban tổ chức là phải “chạy đua” với diễn biến của dịch bệnh. Ví dụ như toàn bộ ban tổ chức đã chuẩn bị xong xuôi một siêu thị mini 0 đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhưng sát ngày tổ chức, địa phương xuất hiện một ca F0, khiến toàn bộ kế hoạch phải thay đổi ngay lập tức, thậm chí có nơi phải hủy bỏ.
Hay ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) từng là ổ dịch lớn, ban tổ chức đã chuẩn bị 600-700 suất nhưng địa phương chỉ bố trí cho 100-200 người đến nhận. Ngay sau đó, ban tổ chức phải tìm cách giao các suất quà còn lại được giao đến tận tay người dân. Dó là bài toán vừa bất ngờ, vừa khó khăn.
“Mọi thứ tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng trong lúc dịch thì không hề đơn giản nữa. Không có một công thức cụ thể nào, lần đầu tiên các doanh nghiệp phải ngồi cùng nhau, gỡ rối từng vấn đề về địa điểm, tài chính, giấy phép, nguồn hàng…”, bà Ngọc Mỹ chia sẻ.
Trong khi đó, nguồn hàng thì liên tục thay đổi giá cả và nguồn cung khi giãn cách xã hội. Ban tổ chức có thể lên kế hoạch nguồn hàng cho ngày mai, nhưng hôm sau có thể sẽ không có mặt hàng đó, hoặc có nhưng giá lại lên rất cao.
Nói kỹ hơn về nguồn hàng, bà Phạm Thúy Dung, người phụ trách việc thu mua của các siêu thị mini 0 đồng miền Bắc, bộc bạch đây là một siêu thị đặc biệt dành cho những khách hàng đặc biệt. Bản thân những người làm siêu thị cũng là “ngoại đạo” trong việc vận hành ngành bán lẻ.
Theo bà Dung, với những người đảm bảo nguồn cung hàng là vấn đề vận chuyển trong lúc dịch. Nhiều xe hàng không thể di chuyển qua các chốt kiểm soát, nhiều nguồn hàng ở vùng dịch không thể vận chuyển.
Trong một siêu thị 0 đồng có bày 66 mặt hàng thiết yếu, những người vận hành cũng phải thường xuyên quan sát xem khách hàng thích loại hàng nào nhất. Những loại hàng đó có thể hết nhanh nhất, nên phải thường xuyên bổ sung, thu mua cho hợp lý.
“Có những hôm 23h, nhóm vận hành siêu thị vẫn họp để đưa ra cách làm tối ưu trong hôm sau. Đặc biệt là chạy đua thời gian khi có những siêu thị chỉ có 2-4 ngày để chuẩn bị tất cả”, bà Thúy Dung chia sẻ.
Không chỉ mô hình siêu thị mini 0 đồng, các mô hình như ATM oxy, ATM người tiêm vaccine, ATM gạo, ATM xe cứu thương… đã lần lượt xuất hiện trong lúc dịch dưới sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong lúc số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở TP.HCM tăng cao, nhu cầu chữa trị lớn, trong khi lượng oxy khan hiếm, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã tiên chuyển đổi một số phân xưởng oxy trong các nhà máy thép, cơ khí thành trạm bơm oxy y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Mô hình này được gọi là “ATM oxy”. Ai có nhu cầu thì gọi đến đường dây nóng, sẽ có những thành viên tình nguyện hỗ trợ. Theo tính toán, chương trình “ATM oxy” đã cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày ở TP.HCM và vùng lân cận.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng đến thăm mô hình này và nói rằng Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, Đoàn thanh niên, các cá nhân đã “viết lại khái niệm ATM, nó không còn là tên một loại máy mà là một hành động đầy tình người”.
Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, với sự ủng hộ và đóng góp của hàng chục doanh nghiệp thành viên, còn vận động gây quỹ trao tặng thiết bị vật tư y tế như máy thở, máy xét nghiệm, kit xét nghiệm nhanh… và triển khai chuyến xe tình nghĩa để chung tay giải quyết những khó khăn, nhanh chóng dập dịch ở các điểm nóng, tuyến đầu.
Gần đây nhất, Hội còn phát động thêm “ATM Yêu thương” – chương trình bảo trợ, đỡ đầu những em nhỏ mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 ở TP.HCM. Hội kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các em với mức hỗ trợ là một triệu đồng/trẻ/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết trung bình một cháu bé sẽ nhận bảo trợ với chi phí 120-216 triệu đồng trong thời gian 10-18 năm.
Khi được hỏi về những nỗ lực của cộng đồng doanh nhân, ông Đặng Hồng Anh dùng từ “tận tâm chia sẻ” để nói về nỗi lòng của mình. “Chúng tôi luôn muốn chung tay vì cộng đồng, cùng đất nước vượt qua khó khăn. Đó cũng là điều mà cộng đồng doanh nhân luôn ấp ủ”, ông nói.
Nguồn: News.zing.vn