Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta

0
Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta

Nếu hỏi tôi về một mối quan hệ khiến người ta phải “khắc cốt ghi tâm”, thì tôi sẽ trả lời rằng đó là sự gắn kết không thể một lời tả hết giữa hạt gạo và con người Việt Nam.

Mỗi đứa trẻ Việt Nam khi lớn lên, ngoài được dạy dỗ về đạo đức, cách ứng xử, cách làm người thì đã được học về cách quý trọng hạt gạo từ lúc còn rất bé. Điều đó thể hiện qua cái cách mà ông bà, cha mẹ ta bắt ta vét đến từng hạt cơm cuối cùng trong bát. Mặt khác, hẳn là không ít đứa trẻ quen thuộc với câu “để thừa cơm là tội”. Thuở bé thơ, rất ít đứa nào hiểu được hoàn toàn chữ “tội”, chỉ mơ hồ biết rằng đó là điều gì đó rất tệ, rất xấu, không được làm thế. Lớn hơn một chút, chúng ta học được ở trường lớp lý do sâu xa hơn.

Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta - Ảnh 1.

Hạt gạo quý vì nó tốn bao mồ hôi công sức của người nông dân vất vả quanh năm, giống như câu ca dao xưa:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Khái niệm về hạt gạo quý giá được lặp đi, lặp lại trong đầu óc non nớt của những đứa trẻ Việt, từ đó hình thành một thiết lập, một phản xạ tự nhiên. Và nó xảy ra từ thế hệ này qua thế hệ khác, thấm nhuần vào máu, ăn sâu vào tâm tưởng, khiến cho việc quý trọng hạt gạo nằm trong bản năng của chúng ta. Tuy nhiên, xu hướng này là do đâu mà có? Hiển nhiên là chẳng phải khi không mà cảm xúc gắn bó với hạt gạo này xuất hiện rồi truyền từ đời này sang đời khác. Đối với dân tộc Việt Nam, hạt gạo có giá trị nhiều hơn là chỉ một loại thực phẩm.

Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta - Ảnh 2.

Từ thời xa xưa, hạt gạo đã xuất hiện như một nhân tố quan trọng qua sự tích bánh chưng, bánh giầy.

Nói đến hạt gạo thì phải nhắc đến thổ nhưỡng nước ta. Việt Nam là dải đất trù phú với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có những vùng mà hằng năm phù sa bồi đắp mà thành, chính xác là mảnh đất hoàn hảo được sinh ra để phát triển lúa nước. Văn hoá lúa nước đã có từ thời xa xưa, từ nhà nước Âu Lạc cổ đại được kể qua sự tích bánh chưng, bánh giầy và phát triển mạnh mẽ cho đến tận bây giờ. Thậm chí, đến cả những vùng núi cao vốn không phù hợp để trồng lúa, ông cha ta vẫn nghĩ ra cách làm ruộng bậc thang để có thể canh tác. Vậy nên có thể nói, dù là ở miền nào trên đất nước, người ta vẫn trồng lúa. Lúa nước đến với chúng ta, hoàn toàn thoả mãn câu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Ta có khí hậu thích hợp để canh tác, có đất đai màu mỡ, thích hợp để nuôi sống lúa nước và có con người với thiên phú trồng lúa, và cũng có tình yêu mãnh liệt với lúa được truyền nối qua hàng nghìn năm.

Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta - Ảnh 3.

Lúa nước đến với chúng ta, hoàn toàn thoả mãn câu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.

Hơn cả một loại thực phẩm, hạt gạo đối với chúng ta chứa cả trăm nghìn câu chuyện sâu xa, là thức quà gắn bó và thân thiết với đời sống tinh thần. Như một lẽ tự nhiên, nếu bạn dành nhiều thời gian cho một điều gì, ắt sẽ nảy sinh tình cảm với nó. Người Việt Nam thì lại càng không cần nói, nhất là những nhà nông. Họ dành thời gian “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ban sáng cày cấy, ban đêm giăng mùng ngủ ngoài ruộng canh, dõi theo từng ngày cho đến khi những cây lúa bắt đầu trổ bông, và đau xót mỗi khi chúng bị côn trùng, thời tiết làm tổn hại.

Tuy nhiên, như thế cũng không có nghĩa là những người không làm nông chẳng cảm nhận được sự quý giá của hạt gạo. Bằng chứng là trong nhà mỗi người Việt, không phân tầng lớp, chẳng phân sang hèn, nhà nào cũng phải có một chum gạo lớn hay nhỏ. Đối với nhiều nhà, việc chum gạo luôn đầy tượng trưng cho một sự ấm no, đủ đầy. Tết năm nào, mỗi gia đình dù khó khăn đến đâu cũng phải ráng đong cho đầy chum gạo, mong muốn cả năm đều được sung túc như vậy.

Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta - Ảnh 4.

Hạt gạo nuôi dưỡng con người Việt Nam từ những bữa cơm hằng ngày.

Hạt gạo nuôi dưỡng con người Việt Nam, cùng người Việt viết nên những trang sử hào hùng, những thiên anh hùng ca khiến người ta phải chấn động. Vua Trần Nhân Tông vào thời đánh đuổi giặc Mông Nguyên lần thứ hai do thiếu thốn, được tôi tớ dâng lên bát cơm hẩm làm từ gạo xấu, vẫn ăn ngon và ban thưởng, gọi người dâng cơm là trung thần. Vua Duy Tân sau khi đăng cơ, hằng ngày được ăn sơn trân hải vị vẫn nhớ khôn nguôi bát cơm giản dị thuở bé thơ: “Trước kia tôi thường dùng hai bát cơm úp lại với nhau và một vài con cá bống kho mặn, cứ việc cho tôi ăn như rứa là đủ rồi”.

Và tuy hiếm ai nhận ra, nhưng hằng ngày, chúng ta ăn nhiều gạo hơn mình nghĩ. Gạo xuất hiện trong nhiều hình dáng, mà đã là người Việt Nam thì thật khó để ăn món gì không liên quan đến gạo. Gạo xuất hiện trong mâm cơm hằng ngày, điều này không cần bàn, nhưng cũng có mặt trong hầu hết các món vốn có thể thay cơm như phở, bún, xôi… Các món ăn vặt, ăn xế như bánh cuốn, bánh đúc, bánh ít, bánh ú, bánh bèo, bánh nậm… cũng được làm từ bột gạo. Từ món phở quốc dân lôi cuốn con tim bao thực khách trên thế giới, đến món gỏi cuốn tôm thịt cũng có một lớp bánh tráng mỏng làm từ gạo. Chiếc bánh mì Pháp du nhập vào Việt Nam từ ngày xưa cũng từng có thời được pha với bột gạo (khi nguyên liệu khan hiếm). Chúng ta ăn gạo không chỉ để ngon, mà còn để sống. Một ngày ba bữa của người Việt Nam, không bữa nào thiếu hạt gạo. Có thể nói là ở Việt Nam, muốn bỏ gạo còn khó hơn… lên trời!

Có thể nói là ở Việt Nam, muốn bỏ gạo còn khó hơn… lên trời!

Mặt khác, hạt gạo cũng hiện thân trong nhiều món ăn khác tưởng chừng như “không liên quan”. Bạn có chắc là chú lợn đã cho bạn miếng thịt ba chỉ đó chưa một ngày dùng cám gạo? Con gà quay hấp dẫn hẳn cũng dành phần lớn thời gian trong cuộc đời ngắn ngủi của nó quanh quẩn trong sân mổ thóc, và con cá bạn câu được ở ao quê có lẽ cũng từng được ăn cơm nguội mà người dân cho.

Đấy, hạt gạo gắn liền với đời sống của người Việt Nam như vậy, lẽ nào mà ta không yêu quý nó?

Thậm chí, cái sự yêu quý, trân trọng này đôi khi sâu lắng đến mức chính người Việt không ý thức được. Chúng ta đôi khi không nhận ra mình phụ thuộc và dựa dẫm vào hạt gạo như thế nào, cho đến một ngày chúng ta không còn nó nữa. Bằng chứng là những người đi theo phương pháp ăn uống kiêng tinh bột sẽ thấy mới “đau khổ” làm sau trong thời gian đầu, đồng thời cũng nhận ra rằng tìm một món không có gạo (nhưng vẫn ngon) ở lãnh thổ Việt Nam mới khó làm sao. Biết bao du học sinh Việt ở nước ngoài cũng “hao gầy” vì nhớ cơm nhà, bởi vì dù sao đi nữa, thì không gạo nào bằng hạt gạo Việt Nam, ăn kèm những món ăn nóng sốt mẹ làm.

Sinh ra là người Việt, yêu thương hạt gạo dường như nằm trong bản năng của chúng ta - Ảnh 6.

Ai đi xa cũng nhớ da diết cơm nhà, nhớ hạt gạo Việt, nhớ món ăn nóng sốt mẹ làm.

Chúng ta, những con người vẫn ngày ngày có thể thưởng thức các món ăn từ hạt gạo mềm thơm, nên cảm thấy may mắn. Và nếu có thể, hãy dành thời gian đôi khi để cảm thấy tự hào, và để con tim dâng đầy lòng yêu thương với món ăn có lịch sử sâu dày như sự tồn tại của cả dân tộc.

Hôm nay, bạn đã ăn món nào làm từ hạt gạo quý giá của chúng ta chưa?

Gợi ý một số tiệm cơm, xôi hương vị “nhà làm” ở Sài Gòn cho bạn: Cơm Nhà Mẹ Gánh, Xôi chè Bùi Thị Xuân, Nhà Hàng Cơm Xưa…

Tham khảo thông tin ngay tại GO-VIET.

NHIỀU ƯU ĐÃI HẤP DẪN LÊN ĐẾN 50%. MIỄN PHÍ GIAO HÀNG 5KM.

Nguồn: KENH14.VN