Sơn La: Khai thác tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện

0
203

Nói đến sông Đà là nói đến nguồn điện năng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 5.520 MW, mỗi năm cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD và đặc biệt là tiềm năng phát triển ngành công nghiệp “không khói”, bởi 2 hồ thủy điện lớn Hòa Bình và Sơn La có diện tích rộng lớn với phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch.

Lễ Gội đầu bên hồ sông Đà – nét đẹp trong đồng bào dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai

Chúng tôi có dịp ngược dòng sông Đà từ bến phà Vạn Yên, huyện Phù Yên đến cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai; bồng bềnh theo con nước, dưới cái nắng vàng như mật đổ xuống, đôi bờ sông Đà đầy ắp màu xanh của núi rừng in xuống mặt nước trong xanh như ngọc, cảm nhận cảnh sông nước miền Tây hùng vĩ và đẹp đến nao lòng.

Từ khi Thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng, hoàn thành và khoảng 20 năm sau, Thủy điện Sơn La – thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động, đã tạo nên vùng lòng hồ mênh mông rộng tới 21.000 ha (thuộc địa phận Sơn La), trong đó, diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La khoảng 13.000 ha và thủy điện Hòa Bình là 7.900 ha, trải rộng trên địa bàn 8 huyện, 44 xã của Sơn La, với hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, ví như một vịnh Hạ Long trên vùng cao Tây Bắc. Hơn 20 năm, kể từ ngày Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, nước hồ dâng rộng tới cả nghìn ha chứa đựng nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, du lịch. Song, mới chỉ có bà con vùng lòng hồ như Quy Hướng (Mộc Châu), Song Khủa (Vân Hồ) và một số nhỏ lẻ ở các bản ven hồ nuôi vài trăm lồng cá, một số hộ dân làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và cho đến khi Nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, trên hồ thủy điện Sơn La mới hình thành một số doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản, một số gia đình sống bên hồ mua sắm thuyền vận chuyển hàng hóa, một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Năm 2016, Công ty CP Cơ khí Sơn La đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng khu du lịch tại xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai)…

Hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La, là nguồn tài nguyên quý giá mà con người tạo nên trên vùng đất Tây Bắc; đứng soi mình bên hồ sông Đà là những dãy núi đá vôi trùng điệp, cao sừng sững, với hệ thống hang động độc đáo trong đó ẩn chứa bao vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một miền văn hóa sông nước.

Đó còn là một kho tàng đời sống văn hóa tinh thần, đậm bản sắc của cộng đồng nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Thái, Mường, Kinh, Khơ Mú, La Ha, Kháng với các món ẩm thực được chế biến theo phong cách riêng độc đáo; các lễ hội và các điệu múa, điệu xòe truyền thống của người dân. Hệ thống đảo trên hồ có hệ động, thực vật phong phú, cùng với phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp…

Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của non nước sông Đà, tháng 8/2016, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 14/NQ-HĐND thông qua Đề án khai thác tiềm năng vùng các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, nhằm phát triển kinh tế vùng hồ các thủy điện, trọng tâm hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết, đồng bộ, với các vùng kinh tế trong tỉnh; khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ. Dự án tập trung khai thác tiềm năng vùng hồ thủy điện Sơn La như nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải và các loại hình dịch vụ như chợ, nhà nghỉ… Trong đó, phát triển các hoạt động du lịch gồm: Tham quan hồ thủy điện, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá hang động, du lịch điều dưỡng chữa bệnh gắn với nước khoáng nóng, du lịch văn hóa lịch sử – tâm linh, du lịch thể thao, mạo hiểm, vui chơi giải trí cao cấp trên đảo và trên mặt nước; trong tương lai, phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đề án đặt ra mức đầu tư trong giai đoạn 2015-2020 là 20.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chiếm trên 81%, còn lại vốn của Nhà nước, trái phiếu Chính phủ… Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư.

Đứng trước tiềm năng, vận hội và sự phát triển mang tính bứt phá, mau lẹ của nền kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nhanh chóng có những quyết sách, triển khai khai thác tiềm năng, thế mạnh trên hồ thủy điện Sơn La, đầu tư có tầm chiến lược lâu dài, bền vững, nhất là, trong thời gian tới, với việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, Mộc Châu – Thành phố Sơn La, thì việc phát triển du lịch trên hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La sẽ là điểm nhấn lý tưởng cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà hiện nay Công ty CP Cơ khí Sơn La là đơn vị tiên phong, đi đầu trong đầu tư, xây dựng và hướng tới một quần thể du lịch có tầm cỡ trên hồ thủy điện Sơn La.

Nguyễn Tuấn

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn