Sự bí bách của thuật ngữ và tác hại đến bình đẳng giới

0
43

Bất kỳ cá nhân, cộng đồng nào cũng cần vừa nam tính vừa nữ tính một cách linh hoạt để tồn tại. Tuy nhiên, do tên gọi, phụ nữ bị áp lực cần nữ tính, đàn ông phải nam tính.

nam tinh nu tinh anh 1

Giới tính (sex) rất khác với giới (gender).

“Giới tính” chỉ sự khác nhau về mặt sinh học: bộ phận sinh dục, nhiễm sắc thể, và các loại hormone. Có ba loại giới tính chủ yếu: nam, nữ và liên giới tính (intersex).

Liên giới tính chiếm khoảng 1-2% dân số, là những người có cấu tạo sinh học không rõ ràng là nam hay nữ. Ví dụ, một người có cả buồng trứng và tinh hoàn, hay có nhiễm sắc thể XXY.

“Giới” chỉ sự khác nhau về mặt hành vi, phẩm chất, thường được chia làm hai nhóm chính đối lập nhau như: nhu mì – mạnh mẽ; hoà thuận – cạnh tranh; an phận – hoài bão; rụt rè- tự tin; do dự – quyết đoán; tình cảm – lạnh lùng; hợp tác – độc lập; thụ động – năng động; bao dung – trừng phạt…

Nói một cách đơn giản, “giới tính” nằm giữa hai chân, còn “giới” nằm giữa hai tai.

Ngoài lề một chút thì “xu hướng tính dục” nằm trong trái tim.

Ấy là khi nam yêu nam, nữ yêu nữ, yêu không phân biệt nam nữ, hoặc vô tính luyến ái, tức là không màng đến tình dục.

nam tinh nu tinh anh 2

Giới tính (sex) và giới (gender) là hai khái niệm khác nhau. Ảnh minh họa: Reddit.

Tại sao lại là nam tính và nữ tính?

Việc phân chia theo thể nhị nguyên là một phương pháp để tìm hiểu thế giới. Nó đơn giản hóa một vấn đề phức tạp.

Đó là khi chúng ta chia 24 giờ ra ngày và đêm, chia loài người thành thiện và ác, chia một giải pháp thành đúng và sai, chia cuộc đời sau khi chết thành thiên đường và địa ngục, chia văn hóa thế giới ra thành đông-tây, bất chấp thực tế là Trái Đất tròn.

Vì đực-cái là hai phạm trù cơ bản của sự sống, dưới tác động của phân chia lao động trong xã hội, các phẩm chất nêu ở trên dần dà được chia thành nam tính và nữ tính.

Tuy nhiên, nó không có nghĩa rằng nam giới thì phải nam tính, còn nữ giới thì phải nữ tính.

Hệ luỵ của việc phân chia theo thuật ngữ giới tính này vẫn đeo đẳng cho đến tận ngày nay. Nói vui, giả sử những phẩm chất đó được phân chia theo một trục hệ trung tính hơn như mặt trăng- mặt trời, trắng-đen hay phải-trái thì chúng ta đã đỡ bao nhiêu là rắc rối.

Âm-dương có lẽ là hệ quy chiếu ít lỗi nhất. Tuy vẫn bị bó buộc trong nhị nguyên, nó cho phép trong âm có dương, trong dương có âm. Nói cách khác, nó cho phép một con người, một hệ thống hay một cộng đồng có thể vừa nam tính vừa nữ tính.

Nam tính và nữ tính với tư cách là giá trị văn hoá

Chính vì nam tính hay nữ tính không nhất thiết phải liên quan đến nam giới hay nữ giới, trong nghiên cứu văn hoá, nam tính-nữ tính là giá trị sống của cả một cộng đồng.

Ví dụ, văn hóa Bắc Âu được cho là thiên về nữ tính với mô hình kinh tế nhiều phúc lợi cho người dân. Trái lại, văn hóa Mỹ thường được coi là nam tính với tinh thần quyết chiến “làm giàu từ hai bàn tay trắng”.

nam tinh nu tinh anh 3

Nam tính hay nữ tính không nhất thiết tương đồng với nam giới hay nữ giới. Ảnh minh họa: Medium.

Các nền văn hóa Nam Âu và châu Phi nam tính trong phong cách giao tiếp nhiệt tình, đôi khi khá mạnh mẽ, quyết đoán.

Ở châu Á, người ta có thể nam tính trong suy nghĩ (cạnh tranh) nhưng lại nữ tính trong hành vi (khiêm tốn).

Nhà nghiên cứu nổi tiếng Hofstede từng lập ra chỉ số nam tính và nữ tính của các quốc gia.

Ông xếp Việt Nam ở mức nữ tính (40), gần với Đông Phi (41), Hàn Quốc (39), Pháp và Iran (43). Các nước nam tính nhất là Hy Lạp và Slovakia (trên 100) Nhật Bản (95), Hungary (88), Áo (79).

Tuy nhiên, lý thuyết của Hofstede bị nhiều học giả phê phán bởi sự lẫn lộn về định nghĩa. Ông cho rằng một dân tộc nam tính là khi đàn ông thì nam tính còn đàn bà thì nữ tính. Một dân tộc nữ tính là khi cả đàn ông và đàn bà đều nữ tính.

Trong cuốn sách mới xuất bản và dịch sang tiếng Việt của mình, Quản trị liên văn hoá với đóng góp của ngành khoa học não bộ, tôi cũng chỉ ra sự thiếu logic của luận điểm này.

Thứ nhất, định nghĩa như vậy lẫn lộn “giá trị văn hoá” của cả một cộng đồng với “vai trò giới”.

Thứ hai, nếu đàn ông nam tính và đàn bà nữ tính thì dân tộc đó phải là “lưỡng tính” chứ không phải “nam tính”.

Thứ ba, nó bỏ qua khả năng một cộng đồng mà cả nam và nữ đều nam tính, hay đàn ông thì nữ tính còn đàn bà thì nam tính như trong nghiên cứu của bà Mead tôi sẽ nhắc đến ở phần sau.

Tuy nhiên, phần tôi phê phán mạnh nhất là việc Hofstede nhìn văn hoá như một hệ hình tĩnh, thiếu khả năng đa cực, linh hoạt, biến hoá, đổi thay.

Giống như trong âm có dương, các giá trị đối lập hoàn toàn có thể tồn tại chung, đối chọi, hoà giải và thích nghi với nhau.

Ví dụ, các doanh nhân vùng Bắc Âu có lối giao tiếp khiêm tốn và tinh tế nặng nữ tính. Tuy nhiên, nền kinh tế của họ thành công phần nhiều nhờ tinh thần làm việc quyết liệt dữ dội kiểu nam tính Viking và “sisu”.

Tinh thần Viking bắt nguồn từ tổ tiên của họ vốn là những chiến binh thủy thủ dữ tợn. Tinh thần “sisu” là sự can đảm, gan góc, bất chấp mọi khó khăn, là niềm tự hào của dân tộc Phần Lan. Kết quả là văn hóa Phần Lan có cả hai giá trị đối lập nam tính và nữ tính.

Nhiều nghiên cứu gần đây gợi ý rằng văn hoá đang dịch chuyển bởi cuộc sống hiện đại đề cao sự hợp tác, bình đẳng và phát triển bền vững – đều là những giá trị văn hoá nữ tính.

Động lực thúc đẩy nam tính và nữ tính bắt nguồn từ đâu?

Những phẩm chất gắn với nam tính và nữ tính không tự nhiên mà có. Khởi nguồn có lẽ bắt đầu từ vai trò giới khi phụ nữ sinh con và đàn ông săn bắn.

Tuy nhiên, theo dòng phát triển, nam tính và nữ tính được bồi đắp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tài nguyên, xung đột, và bệnh truyền nhiễm.

Thứ nhất là tài nguyên. Chế độ đa phu (polyandry: một phụ nữ – nhiều đàn ông) từng khá phổ biến. Khi nguồn tài nguyên hạn chế, việc tất cả anh em trai trong gia đình cưới cùng một vợ cho phép các gia đình Tây Tạng không phải chia đất và cạnh tranh.

Với người Inuit, việc anh em trai cưới cùng một vợ có lợi cho người chồng vì mỗi khi anh đi vắng, vợ con anh được chăm sóc bởi người ruột thịt. Với người Bari ở Venezuela, có hai ông bố sẽ khiến đứa trẻ có thêm cơ hội sinh tồn.

Một giả thuyết cho rằng chế độ đa phu góp phần vào nguồn gốc tiến hóa của nữ tính ở cả đàn ông và phụ nữ, vì họ đều được mong đợi phải biết chia sẻ công việc và chăm sóc lẫn nhau.

Tuy nhiên, đa phu không phải là giải pháp tài nguyên duy nhất.

Ở một số các nền văn hóa sở hữu đất đai khác, vấn đề dư thừa đàn ông không được giải quyết bằng lấy cùng một phụ nữ. Họ được gửi đến các trường dòng, đi lính và thám hiểm các vùng đất mới. Liệu điều này có nuôi dưỡng các giá trị nam tính như ưa mạo hiểm, cạnh tranh, quyết đoán… hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.

Một giải pháp khác để xử lí nguồn lực là chế độ đa thê – polygamy (một đàn ông – nhiều phụ nữ).

Hệ thống này thường tồn tại trong/sau chiến tranh khi đàn ông khan hiếm, ở các vùng nhiều bệnh tật nơi đàn ông có ngoại hình hấp dẫn đồng nghĩa với việc họ có nhiều khả năng sống sót hơn, khi kinh tế bấp bênh và những người đàn ông giàu có chu cấp tốt hơn cho con cái và ở những vùng đất có tài nguyên dồi dào đòi hỏi nhiều sức người, nhiều con cái để khai thác hiệu quả.

Môi trường xã hội như kể trên góp phần bồi đắp phẩm chất nam tính. Đó là sự cạnh tranh của đàn ông khi số lượng phụ nữ không được phân chia đồng đều trong mỗi gia đình.

Đó cũng là sự cạnh tranh của nhiều bà vợ trong phạm vi một gia đình mà giá trị của họ nằm ở khả năng sinh nở, khiến các quyền lợi khác của họ bị ảnh hưởng, nhất là trong học hành và tự chủ cuộc sống.

Cuối cùng là chế độ một vợ một chồng (monogamy).

Nó gia tăng nguồn lực dư thừa sẵn có để đầu tư cho con cái, hạn chế xung đột do những người đàn ông không thể lấy vợ gây ra, giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục vốn là một nguyên nhân lớn của tỷ lệ tử vong. Hình thái gia đình kiểu hợp tác cũng khiến cả nam và nữ trở nên cân bằng hơn giữa nam tính và nữ tính.

Nam tính/nữ tính không nhất thiết tương đồng với nam giới/nữ giới

Bất kỳ cá nhân hay cộng đồng nào đều phải vừa nam tính vừa nữ tính một cách linh hoạt thì mới tồn tại, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, do tên gọi, phụ nữ có thể bị áp lực phải tỏ ra nữ tính, còn đàn ông thì phải tỏ ra nam tính.

Bản chất của các đặc điểm này thật ra là không có giới tính, nhưng tên gọi của chúng lại gợi lên điều ngược lại. Nếu một đặc điểm có thể hoán đổi và cùng song song tồn tại ở cả hai giới thì nó chẳng còn nam tính hay nữ tính nữa, mà là một đặc điểm phi giới tính hay lưỡng tính (sexless/androgynous).

Vấn đề về thuật ngữ này vẫn chưa được giải quyết, bởi hiện nay vẫn ít có hệ quy chiếu nào phù hợp hơn được đề xuất.

Vì nam tính và nữ tính không nhất thiết liên quan đến đàn ông hay đàn bà, một số đặc điểm mà ta gán cho nam tính và nữ tính ngày nay có thể rất khác so với quá khứ. Ở một số xã hội truyền thống, chúng thậm chí bị đảo ngược.

Trong nghiên cứu kinh điển của mình, nhà nhân chủng học Margaret Mead đã mô tả về các bộ lạc Arapesh ở Papua New Guinea, nơi cả nam lẫn nữ đều nữ tính.

nam tinh nu tinh anh 6

Phẩm chất và tính cách không nhất thiết phải có một bộ phận sinh dục. Ảnh minh họa: Justin Tran.

Tuy nhiên, với người Mundugumor thì cả nam lẫn nữ đều nam tính. Ở người Tchambuli, đàn ông thì nữ tính còn phụ nữ thì nam tính. Với người Mosuo, phụ nữ là người gánh trách nhiệm lãnh đạo, trẻ con không biết bố chúng là ai, còn đàn ông thì nữ tính.

Sự thay đổi vai trò giới và những đặc điểm được gán cho mỗi giới trong suốt lịch sử đặt ra một câu hỏi quan trọng: Nhận thức hiện tại của chúng ta về nam tính và nữ tính sẽ thay đổi thế nào trong tương lai?

Ví du, liệu “lòng khoan dung” có trở thành một đặc điểm nam tính?

Nam tính, nữ tính và định kiến giới

Như vậy, âm dương có lẽ là hệ quy chiếu ít lỗi nhất khi nhìn nhận nam tính và nữ tính. Tuy nhiên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Legend, lại từng cho rằng, âm dương có giới tính.

Trong một bài phỏng vấn, ông nói: “Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung, hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất là đàn ông chỉ nên là đàn ông, và phụ nữ chỉ nên là phụ nữ”.

Thực tế, theo tôi, về bản chất, âm dương là sức mạnh hài hoà bên trong MỖI CON NGƯỜI. Sự “bao dung” và “mạnh mẽ” phải là các yếu tố trong nhân cách và xử thế của mỗi con người.

Tuỳ từng xã hội, môi trường sống, tùy từng sự việc và tuỳ từng đối tượng cụ thể mà mỗi chúng ta phải lựa chọn mạnh mẽ hay bao dung.

Ví dụ, làm một người cha hay một ông sếp mà không bao dung thì cầm chắc thất bại. Làm một người mẹ hay một bà quản lý mà không đủ mạnh mẽ thì sự nghiệp gia đình cũng như công sở tiêu tan.

Điều chúng ta có thể làm là loại bỏ “giới/giới tính” ra khỏi những phẩm chất của con người. Nếu ai cũng cần có mạnh mẽ và bao dung, thì nó phải có tính “lưỡng giới” hay “vô giới” chứ không phải là tính nam hay tính nữ.

Nhưng nếu ta cứ nhất định phải gắn những phẩm chất ấy với một giới tính, thì trong mỗi chúng ta đều có cả nam và nữ tính.

Liều lượng nam/nữ tính cũng không cố định mà thay đổi tuỳ theo thời điểm, hoàn cảnh. Bất kỳ ai cũng cần phải bồi đắp, cân bằng giữa việc mạnh mẽ và dịu dàng, cương quyết và mềm dẻo, mãnh liệt và bền bỉ, bùng nổ và ngấm ngầm, cháy nồng hay ấm áp…

Nếu không vun xới phát triển cả hai yếu tố thì không ai có thể tồn tại và thành công trong xã hội hiện đại.

Phẩm chất và tính cách, suy cho cùng, không nhất thiết phải có một bộ phận sinh dục.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn