Sở hữu tiềm năng lớn, nhưng du lịch Miền Trung – Tây Nguyên chưa thể bứt phá khi thiếu hạ tầng cơ sở du lịch, công tác quảng bá du lịch chưa bài bản. Đây cũng là những nội dung quan trọng được đặt ra tại Hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung – Tây Nguyên ngày 16/2 vừa qua tại Thừa Thiên – Huế.
Chia sẻ với chúng tôi bên lề hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đã nêu nhiều kiến giải thiết thực để khắc phục hạn chế này.
Ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group
Nhiều người cho rằng hạ tầng cơ sở du lịch là điểm mạnh của miền Trung -Tây Nguyên những năm qua, bởi không đâu nhiều khách sạn, resort và điểm vui chơi như Đà Nẵng, Nha Trang… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không phủ nhận những thành phố du lịch mà bạn đề cập đang là những “thủ phủ nghỉ dưỡng” của khu vực này. Nhưng so với tiềm năng của cả khu vực, và để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, chưa thể coi hạ tầng cơ sở là điểm mạnh của du lịch miền Trung -Tây Nguyên, khi nhiều thành phố du lịch như Đà Lạt, cũng mới chỉ có 5 khách sạn 5 sao. Các tỉnh Tây Nguyên khác, số khách sạn chất lượng cao đếm đầu ngón tay.
Nhìn ra thế giới, một Orlando (Mỹ) với dân số trên 2 triệu người và diện tích 294,6km2, chỉ bằng ¼ diện tích của Đà Nẵng nhưng được mệnh danh là “Thủ đô công viên chủ đề của thế giới” khi có tới hàng chục công viên, vườn thú… Chỉ riêng năm 2017, Orlando đã đón 72 triệu lượt du khách.
Dù không so với Orlando, nhưng miền Trung – Tây Nguyên vẫn đang quá thiếu các công viên vui chơi giải trí quốc tế, các dịch vụ giải trí về đêm, những show diễn văn hóa nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, những công viên giải trí biển để khai thác thế mạnh vùng duyên hải, các dịch vụ giải trí cao cấp khác như casino… Chúng ta cũng chưa có một trung tâm mua sắm miễn thuế nào tầm cỡ.
Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills – công trình điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng
Quy hoạch xây dựng các công viên giải trí, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch mới tạo ấn tượng mạnh như Cầu Vàng của Đà Nẵng, đó sẽ là những trải nghiệm gia tăng hấp dẫn để kéo du khách đến với miền Trung – Tây Nguyên nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, và ở lại lâu hơn. Với Sun Group, đây đều là những mảng thế mạnh và chúng tôi mong được góp phần nhỏ bé tham gia cùng các địa phương trong khu vực.
Tại hội nghị, ông có đưa ra đề xuất “nới lỏng visa”, “mở cửa bầu trời”. Nới lỏng visa thì rõ rồi, còn kiến nghị “mở cửa bầu trời” trong lĩnh vực du lịch cụ thể là gì?
Hạn chế trong chính sách visa khiến chúng ta chưa thu hút được thêm nhiều thị trường khách mới, có khả năng chi tiêu cao. Như Ấn Độ chẳng hạn, mỗi năm du khách Ấn chi tiêu ở nước ngoài hơn 13 tỷ USD, dự kiến tăng lên 91 tỷ USD vào năm 2030 và đây là đối tượng khách có mức chi tiêu nhiều nhất thế giới sau Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc chúng ta chưa miễn visa, chưa tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch tại Ấn Độ.
“Mở cửa bầu trời” sẽ thu hút được dòng khách có tiềm năng chi tiêu cao
Bên cạnh nới lỏng visa, việc “mở cửa bầu trời” cũng là vấn đề đáng quan tâm. Số lượng các chuyến bay thuê chuyến (charter flight) đến Việt Nam, nhất là miền Trung ngày càng tăng, nhưng bất cập là các chuyến bay này chỉ được dừng ở một điểm đến tại Việt Nam và quay về điểm xuất phát. Nếu cho phép các chuyến bay thuê chuyến được đưa khách bay tiếp hành trình tới các điểm khác ở Việt Nam, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi để các điểm đến khắp miền Trung – Tây Nguyên liên kết được với nhau, tăng trải nghiệm và thời gian lưu trú cho du khách. Đây là điều mà chúng ta nên cân nhắc bởi đối tượng du khách bay thuê chuyến đều là những người có khả năng chi tiêu cao.
Quảng bá du lịch ở miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung dường như chưa có nhiều đột phá trong những năm qua. Theo ông, cách nào để cải thiện điều này?
Việt Nam hiện mới chi tiêu cho hoạt động quảng bá du lịch khoảng 2 triệu USD/ năm, thuộc hàng thấp nhất khu vực. Trong khi đó, Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia… đều chi hàng chục, hàng trăm triệu USD vào hoạt động này. Bên cạnh ngân sách hạn hẹp thì cách thức, nội dung quảng bá cũng còn nghèo nàn, thiếu ý tưởng.
Để việc quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và miền Trung – Tây Nguyên nói riêng hiệu quả hơn, chúng tôi đề xuất Lãnh đạo Bộ, ngành du lịch các địa phương có cơ chế xã hội hóa công tác quảng bá, để đạt được những hiệu quả cao nhất cho ngành du lịch.
Vai trò của kinh tế tư nhân đã liên tục được đặt ra tại Hội nghị lần này. Từ góc độ một doanh nghiệp tư nhân làm du lịch, ông có kiến nghị gì với lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên?
Tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cho du lịch là giải pháp thiết thực
Không nói đến chính sách du lịch, những điểm nghẽn của du lịch miền Trung – Tây Nguyên như hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch hay hoạt động xúc tiến, quảng bá đều cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa, khơi thông dòng vốn tư nhân đầu tư cho các lĩnh vực trên là giải pháp phù hợp.
Chúng tôi mong rằng, chính quyền các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ chế linh hoạt, thông thoáng, cởi mở để các doanh nghiệp tư nhân có thể chung vai góp sức cho công cuộc phát triển du lịch, từ việc đầu tư sân bay, cảng biển, đường cao tốc kết nối khu vực, xây dựng các công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp và khác biệt, thúc đẩy hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch… Với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang cùng tham gia sâu vào lĩnh vực du lịch hiện nay, tôi tin rằng hiệu quả từ việc huy động nguồn lực tư nhân sẽ rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: 24H.COM.VN