Tá hỏa mất tiền vì đặt nhầm resort ‘ảo’ tại Sóc Sơn

0
Tá hỏa mất tiền vì đặt nhầm resort ‘ảo’ tại Sóc Sơn

Nhiều du khách phản ánh họ bị mất tiền khi đặt phòng tại fanpage giả mạo một khu nghỉ ở Sóc Sơn (Hà Nội). Fanpage này hoạt động rất tinh vi, chuyên nghiệp nên mọi người chủ quan.

Khu nhà nghỉ bị một Fanpage mạo danh, lừa đảo du khách đặt phòng. Ảnh: Thanh Huyền.

Ngày 20/6, chị Phương Mi (Hà Nội) tìm đặt phòng tại một khu nghỉ có tiếng tại xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Địa điểm này đang gây sốt trên mạng xã hội bởi thiết kế ấn tượng, nằm giữa rừng thông xanh mát.

Khi tìm kiếm tên khu nghỉ trên mạng xã hội, chị Mi thấy một trang có tên “Amaya Retreat Sóc Sơn” với hơn 25 ngàn lượt theo dõi. Fanpage thường xuyên cập nhật hình ảnh các căn phòng, hoạt động của du khách tại khu nghỉ. Lượt tương tác trên mỗi bài viết khá cao.

“Mình muốn đặt phòng vào ngày 22/6, nên trực tiếp nhắn tin fanpage nhờ tư vấn. Nhân viên trả lời rất nhiệt tình, chia sẻ cụ thể thông tin dịch vụ sản phẩm khu nghỉ, hình ảnh. Mình đặt quá sát ngày nên nhân viên thúc giục, đánh vào tâm lý cần đặt cọc giữ phòng.

Mình đã chuyển khoản 2 triệu đồng để giữ phòng. Sau khi chuyển khoản, nhân viên còn gửi thông tin xác nhận đặt phòng”, chị Mi cho biết.

Sau đó, chị Mi mới phát hiện đây không phải fanpage chính thức của khu nghỉ chị muốn đặt. “Mình liên hệ lại fanpage giả mạo và nói muốn hoãn lịch trình. Nhân viên vẫn tiếp tục tư vấn và đồng ý hoàn hủy. Tuy nhiên sau đó, họ chặn tin nhắn của mình”, chị Mi nói.

Chị Mi thường xuyên đi du lịch nên có kinh nghiệm đặt phòng online. Tuy nhiên, theo nữ du khách, hành vi giả mạo của fanpage này rất tinh vi nên khách dễ bị đánh lừa.

“Trang giả mạo sao chép toàn bộ thông tin, bài viết, hình ảnh và video của trang chính thức. Trang này cũng liên tục đăng bài, chạy quảng cáo để thu hút sự chú ý, tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Khi tư vấn, trang giả mạo đưa ra mức giá dịch vụ ưu đãi, thấp hơn so với giá thực tế để thu hút khách hàng”, chị Mi nói.

“Khi khách hàng liên hệ đặt dịch vụ, trang giả mạo sẽ yêu cầu thanh toán cho cá nhân thay vì qua hệ thống chính thức của khu nghỉ. Mình chủ quan nên đã không đề phòng việc này”, chị Mi cho hay.

Tương tự như chị Mi, chị Nguyễn Thúy Hoa (Hà Nội) cũng đã chuyển khoản 1 triệu đồng cho trang giả mạo “Amaya Retreat Sóc Sơn”.

“Khi tư vấn, nhân viên rất chuyên nghiệp, lịch sự, nhanh chóng nên tôi không nghi ngờ. Tôi đã chuyển 50% số tiền phòng để đặt cọc. Đến sáng 24/6, con gái tôi đọc bài cảnh báo về fanpage giả mạo, gia đình mới biết đã bị lừa”, chị Hoa cho biết.

Chị Hoa phản ánh vụ việc trên Facebook cá nhân để cảnh báo bạn bè, người quen, tránh bị lừa đảo. “Số tiền gia đình tôi bị lừa không nhiều nhưng có thể nhiều người cũng đã mất tiền oan. Tôi lên tiếng để cảnh báo, tránh tình trạng này tiếp tục diễn ra”, chị Hoa nói.

Hai du khách này đều đã liên hệ với khu nghỉ tại Sóc Sơn để thông tin về tình trạng lừa đảo.

Hiện trang chính thức của khu nghỉ này đã đưa bài cảnh báo lừa đảo từ các tài khoản mạo danh. Đơn vị này cho biết, khách hàng hết sức lưu ý và cảnh giác để tránh bị lừa đảo.

“Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đối với các trường hợp thực hiện đặt cọc thông qua tài khoản mạo danh. Chúng tôi hy vọng quý khách hàng có thể chung tay cùng Amaya bằng cách chia sẻ thông tin bài viết này, báo cáo các trang giả mạo theo hướng dẫn.

Chúng tôi đang nỗ lực liên hệ cơ quan điều tra để xử lý và ngăn chặn hành vi lừa đảo từ các đối tượng này”, phía khu nghỉ viết.

Phóng viên liên hệ với khu nghỉ và được biết, họ đã tiếp nhận phản ánh của khoảng 10 du khách và đang thu thập thông tin để làm việc với công an huyện Sóc Sơn.

Hiện tại, fanpage giả mạo “Amaya Retreat Sóc Sơn” vẫn đang hoạt động. Phóng viên trong vai du khách liên hệ và được nhân viên fanpage tư vấn rất nhiệt tình.

Khi phóng viên bày tỏ nghi ngại về việc nhiều fanpage trùng tên, nhân viên lập tức gửi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để “làm tin”.

Phóng viên tiếp tục hỏi về phương thức thanh toán, nhân viên gửi thông tin, theo đó tên chủ tài khoản hoàn toàn khớp với tên người đại diện công ty theo giấy chứng nhận gửi bên trên.

So sánh với thông tin từ fanpage chính thức của khu nghỉ thì tên chủ tài khoản trùng khớp, nhưng số tài khoản này không trùng khớp hai số tài khoản chính thức được công bố. Điều này cho thấy, đối tượng lừa đảo có sự chuẩn bị tinh vi.

Nếu khách hàng không so sánh kỹ sẽ dễ dàng bị đánh lừa. Hành vi này đã tinh vi hơn so với thời điểm lừa đảo chị Mi hay chị Hoa trước đó.

lua dao anh 6

Bài đăng của fanpage chính thức khu nghỉ dưỡng.

Những vụ việc lừa đảo tương tự từng được báo VietNamNet phản ánh. Tháng 6/2022, khoảng 200 du khách đã đặt cọc căn biệt thự mang tên Helios Villa ở Vũng Tàu, nhưng sau đó phát hiện đây là “villa ma”. Nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, đòn tâm lý giá rẻ để khiến nhiều người mắc bẫy.

Các nạn nhân có tâm lý tin tưởng khi thấy đối tượng công khai nhiều giấy tờ đăng ký kinh doanh trên mạng. Bên cạnh đó, họ không có nhiều thời gian kiểm tra, xác minh thông tin địa chỉ villa vì đối tượng lừa đảo liên tục thúc giục đặt cọc phòng nếu không sẽ hết chỗ, hết ưu đãi.

Sau khi bị nhiều người đăng bài báo cáo sự cố thì nhóm này xóa fanpage.

Tháng 7/2022, nhiều du khách ở Hà Nội đã mất số tiền từ 2 triệu – 4 triệu đồng khi đặt cọc qua mạng một căn biệt thự “ma” mang tên Lucky Villa – Hòa Bình. Chiêu thức lừa đảo của Lucky Villa giống hệt vụ việc tại Helios Villa Vũng Tàu.

Nguồn: Znews.vn