Với việc Taliban đang giành quyền kiểm soát Afghanistan, việc sản xuất và buôn bán ma túy tại quốc gia Nam Á này có thể nở rộ.
Trong 15 năm qua, Mỹ chi 8 tỷ USD vào những chiến dịch xóa bỏ vùng trồng cây thuốc phiện hay ném bom những địa điểm điều chế ma túy tại Afghanistan. Mục đích của Mỹ là ngăn chặn Taliban thu lợi từ món hàng béo bở này.
Tuy vậy, chiến lược của Mỹ không tránh khỏi thất bại.
Khi nước Mỹ kết thúc 20 năm can dự tại Afghanistan, quốc gia Nam Á này vẫn là nguồn cung thuốc phiện hàng đầu thế giới. Giới chuyên gia nhận định tình hình sẽ không thay đổi khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.
Món mồi béo bở
Chiến tranh gây ra hậu quả to lớn đối với người dân Afghanistan. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Viện trợ nước ngoài không còn. Hàng nghìn người có thu nhập dựa vào lực lượng Mỹ và đồng minh bị mất việc làm.
Cuộc khủng hoảng kinh tế – nhân đạo sắp tới có thể đẩy nhiều người vào con đường sản xuất và buôn bán ma túy. Bên cạnh đó, Taliban và các nhóm vũ trang, sắc tộc khác cũng có thể tranh giành quyền kiểm soát lĩnh vực này để thu lợi nhuận.
Chiến thắng của Taliban có thể khiến ngành công nghiệp ma túy tại Afghanistan tiếp tục phát triển. Ảnh: AP. |
“Taliban coi buôn bán ma túy là một trong những nguồn thu nhập chính của tổ chức này”, ông Cesar Gudes, lãnh đạo văn phòng tại Kabul của Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), nói với Reuters. “Gia tăng sản xuất giúp hạ giá ma túy, khiến sản phẩm này phổ biến rộng rãi hơn”.
Với việc Taliban tiến vào Kabul hôm 15/8, “đây là thời điểm thích hợp nhất để các nhóm buôn lậu ma túy tìm kiếm địa vị cho mình”, ông Gudes nhận định.
Năm 2000, Taliban từng cấm trồng cây thuốc phiện trong nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, quyết định này khiến Taliban bị phản đối mạnh mẽ từ trong nội bộ. Sau đó, Taliban phải thay đổi lập trường về vấn đề này.
Theo UNODC, Afghanistan đóng góp tới 80% nguồn cung thuốc phiện và heroin toàn cầu.
Dù mối đe dọa từ nạn buôn lậu ma túy tại Afghanistan thực sự hiện hữu, giới chuyên gia nhận định Mỹ và các quốc gia khác ít khi đề cập vấn đề này một cách công khai.
“Chúng ta đã không trực tiếp hành động. Điều này giúp Taliban có khả năng trở thành tổ chức khủng bố có ngân sách cao nhất toàn cầu”, một quan chức Mỹ giấu tên nhận xét. “Mỹ và các đối tác quốc tế liên tục lảng tránh và không giải quyết vấn nạn trồng cây thuốc phiện”.
Một quan chức khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan, “bao gồm các nỗ lực đang được tiến hành nhằm chống ma túy”. Tuy vậy, quan chức này từ chối bình luận về cách Mỹ tiếp tục hành động khi Taliban giành chính quyền.
Chiều hướng gia tăng
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến số lượng cây thuốc phiện mà người nông dân Afghanistan quyết định trồng, từ lượng mưa, giá thuốc phiện cho đến giá lúa mì – cây trồng thay thế chủ yếu cho thuốc phiện.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá lúa mì gia tăng, nhiều người vẫn lựa chọn trồng thuốc phiện. Thậm chí một số nông dân mua pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho những giếng khoan có độ sâu lớn. Đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho cánh đồng thuốc phiện vào mùa khô.
Diện tích canh tác thuốc phiện tại Afghanistan gia tăng chưa từng thấy trong 4 năm qua, theo UNODC. Theo báo cáo hồi tháng 5 của tổ chức này, bất chấp đại dịch Covid-19, diện tích canh tác vẫn tăng 37% trong năm 2020.
Sản lượng ma túy tại Afghanistan có thể chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
“Buôn lậu ma túy là ngành kinh tế lớn nhất của quốc gia này, nếu không xét đến chiến tranh”, ông Barnett Rubin, cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Afghanistan, nói.
Sản lượng ma túy tại Afghanistan năm 2017 ước đạt 9.900 tấn, giúp nông dân thu về 1,4 tỷ USD (tương đương với 7% GDP của Afghanistan). UNODC ước tính tổng giá trị ngành công nghiệp sản xuất ma túy của Afghanistan có thể lên đến 6,6 tỷ USD.
Cả Taliban và một số quan chức trong chính phủ Afghanistan đều tham gia buôn ma túy, các chuyên gia nhận định. Tuy vậy, còn nhiều tranh cãi về việc Taiban tham gia sâu đến mức độ nào.
Liên Hợp Quốc và Mỹ tố cáo Taliban tham gia sản xuất ma túy “từ đầu đến cuối”, từ canh tác, chiết xuất và buôn bán để thu thuế và hưởng lợi trực tiếp khi ma túy được chuyển đến châu Phi, châu Âu, Canada, Nga, Trung Đông và phần còn lại của châu Á.
“Một lượng ma túy được chuyển tới các tay buôn Iran qua đường biên giới được tuần tra cẩn mật nhờ những chiếc ‘máy bắn đá’ thô sơ”, ông David Mansfield, nhà nghiên cứu hàng đầu về nạn buôn lậu ma túy tại Afghanistan, nói.
Liên Hợp Quốc đánh giá Taliban có thể thu về 400 triệu USD từ ma túy trong giai đoạn 2018-2019. Một báo cáo của cơ quan thanh tra đặc biệt của Mỹ về Afghanistan (SIGAR) nhận định nguồn 60% thu nhập hàng năm của Taliban đến từ buôn lậu ma túy.
Tuy vậy, một số chuyên gia nghi ngờ những đánh giá trên.
Nghiên cứu của ông Mansfield chỉ ra Taliban chỉ có thể kiếm được tối đa 40 triệu USD mỗi năm từ ma túy. Nguồn tiền chủ yếu đến từ việc đánh thuế vào khâu sản xuất, tinh chế và vận chuyển. Ông Mansfield nhận định Taliban kiếm được nhiều tiền hơn từ thu phí hàng hóa tại các trạm kiểm soát.
Nỗ lực thất bại
Từ năm 2002 đến năm 2017, Washington chi khoảng 8,6 tỷ USD vào các nỗ lực chống ma túy nhằm bóp nghẹt nguồn thu của Taliban, theo báo cáo của SIGAR năm 2018.
Bên cạnh xóa bỏ các khu vực canh tác cây thuốc phiện, Mỹ và đồng minh tổ chức tấn công vào mạng lưới phân phối, thúc đẩy trồng các loại cây thay thế, cũng như đánh bom các cơ sở sản xuất heroin.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tuần tra trên một cánh đồng cây thuốc phiện tại Afghanistan năm 2012. Ảnh: Military.com. |
“Những nỗ lực này không thực sự thành công”, tướng Joseph Votel, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Đông, nói với Reuters.
Thậm chí, chúng còn phản tác dụng. Nông dân Afghanistan và những người có sinh kế phụ thuộc vào ngành công nghiệp sản xuất ma túy cảm thấy tức giận với chính quyền Kabul và “các thế lực ngoại bang”. Họ chuyển sang có cảm tình với Taliban.
“Taliban đã rút ra bài học khi thử cấm trồng cây thuốc phiện năm 2000”, học giả Vanda Felbab-Brown từ Viện Brookings, Mỹ, nhận xét.
Sau lệnh cấm, sản lượng thuốc phiện tại Afghanistan sụt giảm nhanh chóng. “Tuy vậy, lệnh cấm gây nên làn sóng phản đối Taliban. Đây là một trong những lý do nhiều người đào ngũ khi Mỹ tấn công”, bà Felbab-Brown nói.
Với bài học này, khó có khả năng Taliban tái ban hành lệnh cấm trồng thuốc phiện khi trở lại cầm quyền.
“Chính quyền tương lai cần có các chính sách cẩn trọng để tránh làm người dân nông thôn tức giận, gây nên làn sóng phản kháng và nổi dậy vũ trang”, ông Mansfield nhận định.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn