Tạo dựng môi trường thuận lợi để nâng cao văn hóa đọc

0
48

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21/4 hàng năm trên phạm vi cả nước.

Những người tham gia công tác khuyến đọc coi quyết định này là nền tảng phát triển văn hóa đọc.

Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – nói quyết định này nhấn mạnh việc tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Ngay Sach va Van hoa doc anh 1

Học sinh Tây Ninh tham gia chương trình “Sách hay cho học sinh tiểu học” năm 2018. Ảnh: Liêu Lãm.

Gốc rễ phát triển văn hóa đọc

– Từ năm 2014, 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam, điều đó tác động ra sao đến hoạt động của ngành xuất bản? Văn hóa đọc của chúng ta đã có những thay đổi như thế nào?

– Ngày Sách Việt Nam ra đời từ 21/4/2014 đến nay đã hơn 7 năm. Điều đó tác động tích cực đến hoạt động xuất bản và khuyến đọc. Cụ thể, các ngành, cấp, đặc biệt là chính quyền ở các tỉnh thành địa phương trên cả nước có sự chuyển động tích cực trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4.

Đó là những hoạt động góp phần khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, gieo nhận thức tốt, góp phần tác động tích cực đến công tác khuyến đọc trong cộng đồng.

Sự kiện trong Ngày Sách Việt Nam được thực hiện với hình thức phong phú: Hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi, hội sách… Các sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của người dân, điều đó tác động đến việc đọc, phát triển văn hóa đọc.

– Như vậy, chúng ta đã thực sự gieo được những hạt mầm, thói quen đọc sách trong cộng đồng?

– Tuy vậy, chúng ta cũng phải thấy rằng những hoạt động nếu chỉ dừng lại trong sự kiện mang tính phong trào như vừa qua thì chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến sự phát triển có tính căn cơ, lâu dài của văn hóa đọc.

Chúng ta chưa thực sự gây dựng, hình thành thói quen đọc sách nơi người dân, đặc biệt trong giới trẻ, thanh thiếu nhi – vốn là yếu tố gốc rễ của văn hóa đọc.

– Ngày 4/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo ông, quyết định này có ý nghĩa, tác động ra sao tới phát triển văn hóa đọc?

– Chúng ta rất vui mừng trước sự ra đời của Quyết định 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là một bước phát triển mới trong công tác chỉ đạo, cho thấy tầm quan trọng, sự tôn vinh sách, khẳng định, làm rõ hơn vai trò của phát triển văn hóa đọc.

Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn trong phát triển ngành sách và việc đọc sách của người dân.

Quyết định 1862/QĐ-TTg cụ thể hóa việc chỉ đạo hoạt động của Chính phủ để thực hiện “Điều 30: Phát triển Văn hóa đọc” của Luật Thư viện (ban hành ngày 21/11/2019).

Điều 30 Luật Thư viện ghi rõ: “1. Ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, 2. Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây: a. Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước, b. Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông”.

Quyết định 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 nhắc lại việc phát triển và khuyến khích đọc sách trong cộng đồng, bổ sung cho Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014. Quyết định mới bổ sung, nhấn mạnh việc tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Về tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, tôi hiểu là Nhà nước phát triển, đồng thời kêu gọi xã hội hoá, đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất để xây dựng các không gian đọc như thư viện, phòng đọc sách trên địa bàn dân cư cũng như trong trường học. Việc đầu tư này nhằm mang tới tiện nghi, có nhiều sách, nhiều nguồn thông tin, giúp mọi người có điều kiện thuận lợi để đọc.

Điểm mới của văn bản là việc quan tâm tới hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức; thông qua thói quen đọc sách mà góp phần xây dựng một xã hội học tập, phát triển.

Ngay Sach va Van hoa doc anh 2

Ông Lê Hoàng (giữa) nhận bằng khen của Thủ tướng vì có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Thuận Thắng.

Khuyến khích trẻ em đến với sách

Ông từng thực hiện một số chuyên đề về văn hóa đọc. Theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì để ngày càng có nhiều người đọc sách hơn nữa?

– Chúng tôi đã có những kiến nghị cần thiết phải tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển văn hóa đọc. Ví dụ, kiến nghị Quốc hội khi ban hành Luật Thư viện (năm 2019) đưa nội dung Phát triển văn hóa đọc vào Điều 30 của luật; kiến nghị Bộ GD&ĐT khi ban hành Điều lệ trường học (năm 2020), đưa nội dung phát triển văn hóa đọc vào nhà trường (tại điều 16 của Điều lệ trường tiểu học và điều 26 của Điều lệ trường trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông).

Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 5750/BGDĐT-GDTX về việc tổ chức hoạt động thư viện trong trường tiểu học từ năm 2020-2021, đã sắp xếp tiết đọc tại thư viện linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc trong các hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Chúng tôi cũng quan tâm việc các nhà xuất bản phải cung cấp nguồn sách đọc phù hợp chủ đề môn học, lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018. Cụ thể, chúng tôi đã hoàn thành danh mục Sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học.

Danh mục này giúp trang bị sách cho thư viện nhà trường; phục vụ dạy và học của thầy, trò; giúp phụ huynh trang bị cho tủ sách gia đình, tạo thuận lợi cho việc đọc, việc học của học sinh.

Chúng tôi cũng quan tâm tổ chức biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cho thầy, cô giáo chuyên đề “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường”; phối hợp nhiều tổ chức giáo dục, xã hội tổ chức các hoạt động như dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học”, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, “Lớn lên cùng sách”…

Các hoạt động này góp phần tạo nên kênh thu hút trẻ em đến với sách, từng bước hình thành thói quen đọc sách nơi trẻ em. Đây là bước đầu rất quan trọng trong việc tạo dựng thói quen đọc, từ đó hình thành phát triển văn hóa đọc nơi cộng đồng.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn