Thà phá nát chiếc túi hàng hiệu còn hơn giảm giá?

0
Thà phá nát chiếc túi hàng hiệu còn hơn giảm giá?

“Thà phá nát những chiếc túi còn hơn tặng chúng hay giảm giá” là quy tắc ngầm của nhiều ông lớn thời trang lâu nay để bảo toàn giá trị thương hiệu.

tieu huy hang hieu anh 1

Coach – thương hiệu cao cấp của Mỹ – mới đây nhận về nhiều phản ứng dữ dội khi tiêu hủy hàng tồn kho bằng cách rạch mặt trước túi. Đại diện hãng phải nhanh chóng xác nhận có sự hiểu lầm và cam kết loại bỏ việc phá hủy sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải thương hiệu duy nhất chọn cách tiêu hủy lượng hàng dư thừa.

Theo Vogue Business, việc tiêu hủy các sản phẩm không sử dụng từ lâu đã trở thành chuẩn mực của nhiều thương hiệu. Với các nhà mốt xa xỉ, hành động này giúp đảm bảo giá trị thương hiệu. Ở Mỹ, việc tiêu hủy sản phẩm thừa cũng rẻ và hợp pháp hơn là dành nguồn lực để tìm cách tái chế.

Năm 2018, Burberry từng phải đối mặt với những lời chỉ trích khi hãng chọn cách đốt hàng tồn kho. Thực tế, tất cả thương hiệu đều chứa sản phẩm không thể bán được và ngành công nghiệp vẫn “bó tay” khi không có giải pháp để đối phó với vấn đế này một cách hiệu quả.

Quyên góp hay vứt bỏ?

Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng. Các mặt hàng bị khách trả có thể khó bán lại. Theo Optoro – công ty làm việc với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất để quản lý, bán lại hàng tồn kho bị trả, thừa, con số này nằm trong khoảng 30-50%.

tieu huy hang hieu anh 2

Quần áo và phụ kiện không bán được thường “chẳng còn nơi nào để đi”. Ảnh: Angus Mordant.

“Đây là vấn đề lớn từ bao năm nay khi lượng hàng tồn kho có thể chất đống như Everest. Trong một số trường hợp, khi hàng hóa không bán được, chúng không có nơi nào để đi”, Raffy Kassardjian – người sáng lập công ty quản lý lượng hàng tồn kho xác nhận.

Trong thời trang, hầu hết sản phẩm không được sản xuất với “tính năng tháo rời”. Điều này có nghĩa là các bộ phận của chúng không thể được tái chế thành sản phẩm khác. Hơn nữa, năng lực tái chế chất lượng cao của ngành vẫn còn hạn chế.

Do đó, các chuyên gia cho biết việc khắc phục vấn đề là không thể nếu chẳng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sản xuất thừa. Anna Sacks – chuyên gia chuyển hướng và giảm thiểu chất thải – nói việc sản xuất dư thừa xuất phát từ nhu cầu của các thương hiệu phải báo cáo doanh số bán hàng liên tục tăng trưởng. Từ đó, Sacks cho rằng cần phải đo lường thành công theo một cách khác.

Coach cho biết họ đã quyên góp phần lớn hàng tồn kho chưa bán được. Các sản phẩm họ đã phá hủy trước đó là hàng trả lại bị hư hỏng nặng hoặc lý do khác không thể bán, tặng.

Người đứng đầu toàn cầu về kỹ thuật số và bền vững Joon Silverstein cho rằng Coach đã có cách giải quyết khá tích cực so với những gì phần lớn thương hiệu khác làm. Nhiều tổ chức không chấp nhận quyên góp hàng hóa bị hư hỏng. “Quyên góp không phải là giải pháp thu thập. Tất cả thương hiệu có lẽ đã làm điều này từ rất lâu trước đây nếu nó đơn giản chỉ là tặng các mặt hàng”, Silverstein nhấn mạnh.

Vào tháng 4, Coach đã ra mắt (Re) Loved – chương trình trao đổi và bán lại sản phẩm. Theo công ty, 40% cửa hàng ở Mỹ đang gửi các sản phẩm bị hư hỏng, lỗi để sửa chữa, bán lại hoặc tái chế. Sự phẫn nộ dành cho video tiêu hủy túi của thương hiệu đã đẩy nhanh kế hoạch này.

Đối với Burberry, họ loại bỏ tiêu hủy sản phẩm kể từ năm 2018 thông qua việc quyên góp sản phẩm và nguyên liệu thô cho trường học thiết kế, tổ chức từ thiện. Họ mở không gian chăm sóc sản phẩm ở các cửa hàng tại London (Anh) và Paris (Pháp). Họ cũng thí điểm dịch vụ ủ da để kéo dài tuổi thọ sản phẩm.

tieu huy hang hieu anh 3

Các chuyên gia cho rằng ngành thời trang còn chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ tái chế. Ảnh: Teen Vogue.

Tuy nhiên, có những lỗ hổng khác mà các nỗ lực đơn giản này không giải quyết được. Burberry cho biết họ cũng đã đào tạo nhân viên về nguyên tắc thiết kế, tổ chức hội thảo tháo rời sản phẩm và tài trợ nghiên cứu để lập hệ thống tái chế cho hàng da sau tiêu dùng. Qua đây, có thể thấy ngành công nghiệp thời trang đã chậm chạp trong việc đầu tư, áp dụng các công nghệ tái chế và cơ sở hạ tầng cho hàng dệt may nói chung và da nói riêng.

Tương tự, khả năng mở rộng chương trình (Re) Loved của Coach đã bị hạn chế bởi tài năng sẵn có để vận hành nó, Silverstein nhận định. Coach cho biết họ đang khởi động chương trình học để giúp xây dựng lại năng lực nghề thủ công ở Mỹ.

Vấn đề gốc rễ

Qua video gây tranh cãi, Sacks nói việc Coach tiêu hủy sản phẩm là nhằm hưởng lợi về thuế. Cụ thể, bà khẳng định Coach đã yêu cầu khấu trừ thuế cho những sản phẩm bị tiêu hủy.

Trước cáo buộc này, hãng đồ da Mỹ lập tức phủ nhận. Họ gọi đây là sai lầm nghiêm trọng dù không đưa ra giải thích rõ ràng về việc tiêu hủy sản phẩm và lợi ích thuế.

Tuy nhiên, trong giới thời trang, các chuyên gia đều hiểu rõ việc tiêu hủy sản phẩm không sử dụng đem lại lợi ích tài chính hơn là bán lại, sửa chữa hay tái chế. Luật pháp Mỹ không bắt buộc các thương hiệu trình bày rõ việc hàng hóa bị hủy là cố tình hay vô ý.

Julie Zerbo – người sáng lập tạp chí The Fashion Law – nhấn mạnh các thương hiệu tiêu hủy sản phẩm sẽ được yêu cầu khấu trừ thuế. Đây là vấn đề gây nhiều nhức nhối. Ở Pháp, vào năm 2023, việc tiêu hủy hàng hóa không bán được sẽ trở thành bất hợp pháp. Đây là cách chống lãng phí được Susan Scafidi – nhà sáng lập Fashion Law Institute – nhận xét là “bước đột phá”.

Scafidi nói: “Tôi không nói đây là kẽ hở pháp lý. Đó đơn giản là cấu trúc thuế nhập khẩu ở Mỹ hoạt động”.

tieu huy hang hieu anh 4

Cần sự can thiệp của luật pháp về vấn đề tiêu hủy sản phẩm như Pháp đã làm. Ảnh: Nytimes.

Theo Vogue Business, nhà bảo vệ môi trường Sacks đang thành lập liên minh để kêu gọi thay đổi các quy định thuế liên bang ở Mỹ theo cách như Pháp đã làm. Dù vậy, các chuyên gia nói lệnh cấm tiêu hủy nếu không đi kèm bộ giải pháp toàn diện về quy trình xử lý đồ thừa cũng gây nên vấn đề lớn. Thay vào đó, hàng thừa đơn giản sẽ chỉ bị đổ đi nơi khác.

Nhìn chung, tiêu hủy sản phẩm thừa thường được xem là phương án tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, nó tạo nên những tác động xấu đến hành tinh. Nhìn gần hơn, danh tiếng của thương hiệu cũng bị ảnh hưởng. Mary Heaney – giám đốc biên tập tại Luxury Law Alliance – cho biết: “Một số cổ đông hoạt động đặc biệt chú trọng đến tuyên bố bền vững của các công ty”.

Trong khi đó, giáo sư luật Thời trang Dogulas Hand của Đại học New York (Mỹ) nhận xét: “Hiện tại, chẳng có gì ảnh hưởng đến thương hiệu hơn việc họ bị phát hiện nói dối cộng đồng về những thứ không làm”.

Nguồn: News.zing.vn